Công ty gia đình: Tiếp tục tăng lượng, mạnh chất

LAM HỒNG| 06/11/2014 07:02

Các công ty gia đình đang gia tăng sự hiện diện trên quy mô toàn cầu.

Công ty gia đình: Tiếp tục tăng lượng, mạnh chất

Nửa thế kỷ trước các chuyên gia quản lý dự báo mô hình công ty gia đình sẽ suy yếu trước sự quản lý chuyên nghiệp và khả năng thu hút nhân tài của các công ty cổ phần. Nhưng trong thực tế, các công ty gia đình đang gia tăng sự hiện diện trên quy mô toàn cầu.

Đọc E-paper

Theo báo cáo của Công ty Tư vấn McKinsey, công ty do gia đình kiểm soát hiện chiếm 19% các công ty trong Fortune Global 500, tăng từ 15% trong năm 2005.

Từ năm 2008, doanh số bán hàng của các công ty này đã tăng 7% mỗi năm, so với 6,2% của các doanh nghiệp không do gia đình kiểm soát. McKinsey cho thấy những xu hướng này tiếp tục trong tương lai gần.

Xu hướng này diễn ra được cho là do sự tăng trưởng nhanh chóng của các nền kinh tế đang phát triển, nơi tập trung số lượng lớn các công ty gia đình. Kể từ năm 2005, các nước đã tăng số lượng các công ty gia đình trong danh sách Fortune Global 500 là Brazil, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và Đài Loan.

Đến năm 2025, McKinsey dự báo sẽ có hơn 15.000 công ty trên thế giới với doanh thu hằng năm từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó 37% là công ty gia đình ở thị trường mới nổi.

Trong năm 2010, chỉ có 8.000 công ty trên thế giới với kích cỡ này, và chỉ có 16% đã được gia đình kiểm soát và xuất phát từ các thị trường mới nổi.

Khoảng 85% doanh nghiệp có doanh thu 1 tỷ USD trong khu vực Đông Nam Á là mô hình gia đình, con số này là 75% ở châu Mỹ Latinh, 67% ở Ấn Độ và khoảng 65% ở Trung Đông, 40% ở Trung Quốc. Các xu hướng người sáng lập và những người thừa kế của họ phải từ bỏ quyền kiểm soát các cổ đông dường như đã đạt đến giới hạn.

Trong số các công ty Mỹ trong Fortune Global 500, 15% là công ty gia đình, thấp hơn một chút so với năm 2005. Công ty gia đình lớn nhất thế giới là Walmart, con cháu của người sáng lập Sam Walton vẫn là cổ đông lớn.

Phân chia tài sản cho thế hệ thứ 3 dòng họ Lee sáng lập Tập đoàn Samsung

Tại châu Âu, 40% các công ty niêm yết vẫn thuộc quyền kiểm soát của các gia đình. Dòng họ của người sáng lập ra hãng xe BMW là gia đình giàu có nhất nước Đức.

Mô hình quản trị hiện đại của các công ty gia đình là người sáng lập vẫn giữ mức độ kiểm soát hợp lý dù có bán cổ phần cho các nhà đầu tư bên ngoài. Với mô hình này, tương lai của Facebook hay Google vẫn sẽ được kiểm soát bởi các triều đại Zuckerberg hay dòng tộc Page và Brin.

Ngoài khả năng tiếp cận thị trường vốn mà không bị mất quyền kiểm soát, các công ty gia đình vẫn chứng minh được ưu thế. Trong đó, quan trọng nhất là không bị chạy theo áp lực tối đa hóa lợi nhuận ngắn hạn của cổ đông để đưa ra tầm nhìn dài hạn hơn trong kinh doanh.

McKinsey đã khảo sát chỉ số “sức khỏe tổ chức” của 114 công ty gia đình và khoảng 1.200 công ty lớn khác. Kết quả là các công ty gia đình ghi điểm cao hơn đáng kể về văn hóa, nhân lực và lãnh đạo, mặc dù thấp điểm hơn về đổi mới và nhược điểm là quá tập trung nội bộ.

Trong một cuộc khảo sát gần đây trong 12 nền kinh tế lớn của Công ty Edelman, 73% số người cho biết họ tin tưởng các công ty gia đình sở hữu, so với 64% tin tưởng các công ty niêm yết. Điều này giải thích tại sao Công ty SC Johnson lại chọn slogan là “Một công ty gia đình”.

Ngoài ra, có bằng chứng về sự hiệu quả tài chính trong các mô hình công ty gia đình. Theo khảo sát của trường kinh doanh IE, Madrid (Tây Ban Nha), 1.000 euro đầu tư vào năm 2001 trong một danh mục đầu tư của các công ty gia đình sẽ tạo ra 3.533 euro vào cuối thập kỷ này, so với 2.241 euro của các công ty không phải là mô hình gia đình.

Tất cả điều này có thể là lý do tại sao, tỷ phú Warren Buffett muốn con trai của mình giữ chức chủ tịch tập đòan. Trong tháng mười, Buffett cũng đã mua lại Van Tuyl Group, chuỗi đại lý xe hơi do gia đình sở hữu lớn nhất của Mỹ.

Khi ngỏ lời với chủ nhân của LVMH và Kering, hai công ty gia đình khổng lồ kinh doanh hàng xa xỉ của Pháp, ông Buffett nhấn mạnh rằng: “Nếu tìm người để mua lại công ty của quý vị nhưng vẫn gìn giữ được văn hóa kinh doanh của mình, thì chúng tôi là lựa chọn tốt nhất”.

Tất nhiên, các công ty gia đình vẫn tồn tại nhiều rủi ro tiềm ẩn. Đặc biệt là nguy cơ xung đột giữa các thành viên gia đình. Mối hận thù gia đình gần như tiêu diệt chuỗi siêu thị Market Basket. Công nhân đã đình công khi ông chủ nổi tiếng của họ, Arthur T. Demoulas, đã bị sa thải theo lệnh của người anh em họ Arthur S. Demoulas.

Hay cuộc tranh giành quyền lực giữa hai anh em Mukesh và Anil đã khiến Tập đoàn Reliance Industries (Ấn Độ) tan đàn xẻ nghé. Thực tế này cũng phù hợp với con số do PwC đưa ra: Khoảng 40% các công ty gia đình được phỏng vấn bởi PwC nói rằng tính chuyên nghiệp trong kinh doanh là một trong những thách thức chính mà họ phải đối mặt trong 5 năm tới.

Tuy nhiên, các ví dụ tích cực về sự hùng mạnh của các tập đoàn như Tata ở Ấn Độ và Samsung ở Hàn Quốc cho thấy thậm chí ở những nơi có truyền thống gia đình trị mạnh mẽ, vẫn có cơ hội hình thành những công ty gia đình quản trị hiện đại và phát triển ở quy mô toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Công ty gia đình: Tiếp tục tăng lượng, mạnh chất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO