Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC): Có tên nhưng chưa có tuổi

THỤY KHA| 06/01/2016 03:50

Người dân AEC vui mừng đón 2016 trong một vị thế mới hoặc sẽ tỉnh táo nhìn nhận đây là một mô hình còn chưa hoàn hảo.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC): Có tên nhưng chưa có tuổi

AEC đã chính thức hình thành kể từ 31/12/2015 với 10 quốc gia thành viên cùng quy mô dân số hơn 600 triệu người. Người dân AEC vui mừng đón 2016 trong một vị thế mới hoặc sẽ tỉnh táo nhìn nhận đây là một mô hình còn chưa hoàn hảo.

Đọc E-paper

Lãnh đạo của ASEAN đã nói về hội nhập và liên kết khu vực kể từ khi tổ chức này được thành lập vào năm 1967. Vì vậy, AEC đại diện cho một thay đổi triệt để hơn trong nỗ lực đẩy nhanh các xu hướng hiện tại. AEC được hỗ trợ bởi tính năng động kinh tế của khu vực ASEAN. Giữa năm 2007 và năm 2014, GDP của khu vực này tăng gấp đôi, từ 1,3 ngàn tỷ USD lên 2,6 ngàn tỷ USD và GDP đầu người đã tăng từ 2.343 USD lên 4.135 USD. Tổng thương mại nội khối và ngoại khối tăng từ 1,6 ngàn tỷ USD lên 2,5 ngàn tỷ USD, và đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng từ 85 tỷ USD lên 136 tỷ USD.

Nếu được xem như một nền kinh tế duy nhất, ASEAN có quy mô lớn thứ bảy thế giới và lớn thứ ba châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản. Trong khi Trung Quốc và Nhật Bản đang già đi nhanh chóng, ASEAN vẫn còn tươi trẻ, với hơn nửa dân số trong độ tuổi dưới 30. Giảm tốc của đầu tàu kinh tế Trung Quốc đã ảnh hưởng tới tăng trưởng của ASEAN, đặc biệt là các nước xuất khẩu hàng hóa như Malaysia và Indonesia. Nhưng đây là khu vực có lực lượng lao động trẻ, cơ sở hạ tầng đang được cải thiện và thu nhập đang tăng lên sẽ làm bệ phóng cho sự tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai gần.

Nhưng bất cứ ai hy vọng rằng ASEAN là một phiên bản châu Á của Liên minh Châu Âu thì sẽ thất vọng. Hội nhập châu Âu về cơ bản là một mô hình chính trị hướng vào bên trong. Ngược lại, AEC là một mô hình kinh tế với "chủ nghĩa khu vực hướng ngoại". Ban Thư ký ASEAN đặt tại Jakarta, Thủ đô Indonesia, có ngân sách hoạt động và nhân lực rất hạn chế, đặc biệt là không có thẩm quyền như Ủy ban Châu Âu với vai trò gần như là chính phủ của châu Âu. Trong AEC, thẩm quyền vẫn thuộc về các bộ chủ quản của từng nước và gây khó khăn cho việc phối hợp khi cần phải xử lý một vấn đề chung.

Các quy định liên quan đến chuyển đổi "lao động có tay nghề” là một minh hoạ tốt về những hạn chế của AEC. Theo Thỏa thuận Công nhận lẫn nhau (MRA), lao động có trình độ chuyên môn nhất định được tự do dịch chuyển trong tất cả những nước thành viên. Nhưng MRA của AEC chỉ bao gồm 8 ngành nghề, chỉ chiếm 1,5% tổng số lao động của ASEAN. Mặt khác, các nước vẫn dựng lên các rào cản để hạn chế lao động nhập cư. Ví dụ, điều dưỡng nước ngoài tại Thái Lan phải vượt qua một kỳ thi tuyển khá khó khăn.

Trong thập niên qua, trao đổi thương mại nội khối vẫn ở mức khoảng 24% tổng trao đổi thương mại toàn cầu của ASEAN, ít hơn con số 60% ở khu vực EU. Quá trình thực thi AEC cũng bị chậm lại trong mục tiêu tự do hóa các ngành dịch vụ. Dòng đầu tư xuyên biên giới cũng bị hạn chế bởi danh sách các ngành nghề cấm đầu tư và hạn chế sở hữu nước ngoài. Mua sắm công và kiểm soát độc quyền của các doanh nghiệp nhà nước cũng là vấn đề đặc biệt nhạy cảm và chưa được đề cập. Vì vậy, ông Mohamad Munir Abdul Majid, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN, nhận định: "AEC không phải là một điều khoản đã hoàn tất, cũng như chưa được khẳng định chính thức. Hiện vẫn còn nhiều công việc cần hoàn tất".

Đáng chú ý là AEC chưa có sự hài hòa, đồng nhất về luật pháp bên trong ASEAN. Kể từ 1/1/2016, khối kinh tế này bước vào hoạt động với một loạt luật lệ khác nhau, trong lĩnh vực tiêu dùng, bảo hộ trí tuệ, luật về công ty, bất động sản, đầu tư... Cho đến nay, ASEAN chưa có mạng lưới ngân hàng chung, một đơn vị tiền tệ có thể được coi là đồng tiền chung, thậm chí một số đồng tiền quốc gia không thể chuyển đổi, giữa các nước ASEAN chưa có thỏa thuận chống đánh thuế hai lần, thỏa thuận về nhập cư.

Một số trở ngại khác xuất phát từ bản chất của ASEAN, như mọi quyết định phải có được đồng thuận chung, áp dụng nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Điều đó có nghĩa là ASEAN không có một cơ chế thực thụ giải quyết các vấn đề khủng hoảng. Bên cạnh đó, còn có nhiều yếu tố khác cản trở sự phát triển một cộng đồng kinh tế chung, như thiếu quyết tâm chính trị, tư tưởng dân tộc chủ nghĩa trong địa hạt kinh tế vẫn còn rất nặng nề, sự khác biệt về thể chế chính trị. Ông John Pang,  Trường Nghiên cứu quan hệ quốc tế Rajaratnam ở Singapore, được AFP trích dẫn, nhận định: "AEC sẽ không mang lại ngay những thay đổi triệt để”.

Trước AEC có nhiều mô hình liên kết tại Đông Nam Á đã thất bại, như mô hình "Tam giác phát triển Indonesia - Malaysia - Thái Lan (IMT-GT)", hay "Khu vực phát triển Đông ASEAN Brunei-Indonesia-Malaysia-Philippines (BIMP-EAGA)"... Các mô hình này chỉ còn tên gọi, nhưng hoàn toàn không có hoạt động hợp tác cụ thể kể từ khi được thành lập.

Vì thế, theo The Economist, tại thời điểm này, ASEAN với mô hình AEC dường như tập trung vào hình thức hơn là tinh thần hội nhập của khu vực.

>Sân chơi lúa gạo ASEAN: Ba sai lầm của VN

>ASEAN - Thành công đang bị trì hoãn

>Hợp nhất kinh tế của ASEAN vẫn còn khó khăn

>Liên minh châu Âu đoạt giải Nobel Hòa bình

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC): Có tên nhưng chưa có tuổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO