Có nên hợp pháp hóa “cái chết nhân đạo”?

VIỆT LINH/DNSGCT| 09/05/2015 03:55

Nếu như ở một số nước, “cái chết nhân đạo” được xem là một trong những quyền nhân thân thì ở nhiều nước khác, trợ tử bị xem là sát nhân.

Có nên hợp pháp hóa “cái chết nhân đạo”?

Gần đây ở Pháp xuất hiện một khẩu hiệu ủng hộ luật an tử, khá thú vị: “François hãy làm như Hà Lan”. Thú vị bởi Tổng thống Pháp tên François Hollande, mà Hollande tức Hà Lan – đất nước có luật an tử.

Đọc E-paper

Thế giới phân vân

Từ năm 2002, Hà Lan hợp pháp hóa “cái chết nhân đạo” cho những người trên 12 tuổi phải đối mặt với nỗi đau đớn do y học bất lực. Cùng với Hà Lan, năm bang Washington, Oregon, Vermont, New Mexico, Montana của Mỹ, Bỉ, Thụy Sĩ, Luxembourg cũng cho phép thực hiện “cái chết nhân đạo”.

Trong đó, Bỉ không giới hạn tuổi được trợ tử nếu bệnh nhi chịu nỗi đau đớn quá mức – được giám sát nghiêm ngặt bởi đội ngũ y bác sĩ giỏi. Thụy Sĩ hợp pháp hóa dịch vụ trợ tử từ năm 1941 với điều kiện bác sĩ không được can thiệp, không nhận lợi ích từ người chết.

Nếu như ở các nước trên “cái chết nhân đạo” được xem là một trong những quyền nhân thân, thì ở nhiều nước khác trợ tử bị xem là sát nhân.

Giữa tháng 3 Hạ viện Pháp bỏ phiếu thông qua dự luật “chết êm dịu” với đa số phiếu ủng hộ. Sau khi được Hạ viện thông qua, dự luật sẽ được trình lên Thượng viện, đó là lý do phe ủng hộ nghĩ ra khẩu hiệu thúc đẩy tổng thống ở đầu bài.

Đa số dân Pháp ủng hộ luật này nhưng tỷ lệ ủng hộ giảm dần khi các bác sĩ cho rằng họ không thể tự tay chấm dứt mạng sống bệnh nhân. Mặt khác, đại diện các cộng đồng tôn giáo cũng kịch liệt phản đối. Không chỉ Pháp, trong nhiều năm qua Đức, Ý cũng tranh cãi gay gắt về “quyền được chết”.

Các quốc gia chịu ảnh hưởng Thiên Chúa giáo, đặc biệt khu vực Mỹ Latinh, cực lực chống luật này. Các quốc gia châu Á chịu ảnh hưởng Phật giáo cũng xem trợ tử là giết người.

Những câu chuyện đẫm nước mắt

Với tư cách cá nhân người viết bài ủng hộ luật an tử, mong được hưởng nó nếu rơi vào hoàn cảnh đau đớn, vô vọng; nhưng với xã hội hẳn phải cần cân nhắc, đặc biệt những nơi các giá trị đạo đức bị đảo lộn. Để tham khảo, người viết thử nêu vài trường hợp:

Ngày 24/9/2003, Vincent – đứa con trai 21 tuổi bị tai nạn giao thông gây mù, câm, liệt vĩnh viễn – đã được chính mẹ mình “giải thoát”. Ba năm túc trực bên đứa con bất động, không thấy, không nói, không có khả năng tự sống, trái tim người mẹ hẳn triền miên tan nát trước những cơn đau của con, trước những van xin (Vincent dùng ngón cái vẽ chữ lên tay người đối thoại) được giải thoát.

Sau liên tiếp cầu khẩn y học, tổng thống không kết quả, Vincent chỉ còn cách quay về với mẹ: “Con sẽ hạnh phúc nếu được chính tay mẹ đưa tiễn. Mẹ đã yêu con, giờ xin hãy yêu con trọn vẹn”. Chính những lời bi thương đó đã khiến Marie Humbert thay vì sang Bỉ hay nhờ các anh của Vincent hỗ trợ, đã tự tay yêu con “trọn vẹn”.

Không phải vô cớ Tổng thống Chirac cử đại diện đến tang lễ chia buồn, không phải vô cớ Marie và giáo sư cấp cứu nhiễm độc được tha bổng sau khi tòa tuyên hứa “sẽ có cái nhìn nhân đạo và chia sẻ tối đa”.

Hai năm sau sự kiện Vincent, luật Léonetti ra đời cho phép ngưng điều trị một người hôn mê với sự đồng ý của thân nhân và hội đồng bác sĩ, cho dù hậu quả là cái chết.

Năm 2008, độc giả nhật báo thiếu niên ACTU Pháp bình chọn Hannah 13 tuổi là “Em bé của năm”. Sinh trưởng ở Anh, Hannah bị bệnh bạch cầu và tim bẩm sinh, đã chịu hàng chục ca mổ, sống cô độc trong nhà thương từ năm lên chín.

Tháng 11/2008, trước thông tin sẽ mất sau sáu tháng nếu không ghép tim, Hannah quyết định chấm dứt điều trị “để được đón Noel và năm mới cùng người thân trong những giờ phút cuối”. Ý muốn này được gia đình Hannah ủng hộ vì đã bốn năm họ phải sống xa con.

Sau nhiều tranh cãi, ước nguyện của Hannah được hội đồng y khoa chấp thuận với lý do thiếu niên cũng có quyền tự chủ, rằng khát vọng sống ở trẻ con rất lớn nhưng khát vọng có gia đình bên cạnh lớn hơn.

Trước lập luận trẻ con không ý thức được sự chọn lựa, Hannah nói em thật khó khăn khi nghĩ mình sẽ chết nay mai, nhưng em biết cái gì tốt hơn cho bản thân: “Tôi đã ở nhà thương nhiều quá, chấn thương nhiều quá. Tôi không muốn chịu đựng nữa. Danh sách chờ ghép tim rất dài, tôi vui lòng được cứu người nào đó”.

Nhìn ảnh em khi đó, rất khó chịu nổi ý nghĩ gương mặt đáng yêu này chỉ còn sống vài tháng, nhưng cũng khó chịu nổi ý nghĩ đứa trẻ phải xa cách người thân trước khi mất. Hannah rốt cuộc đã được ấm áp bên cha mẹ những giờ phút cuối…

Năm 2009 cả nước Pháp chấn động vì lá đơn xin chết của cô giáo Chantal Sébire 52 tuổi, bị khối u trên mặt. Sau sáu năm chịu đựng đau đớn đến suy kiệt, mù mắt; người mẹ ba con gửi đơn lên tòa án và Tổng thống Sarkozy xin được phép ra đi trong nhân phẩm.

Ngày 12/3 chính phủ xét đơn của Chantal với kết quả bất thuận, riêng Bộ trưởng Bộ Nhà ở vốn là tín đồ Thiên Chúa giáo phản ứng dữ dội, cho rằng Chantal đã bị Hội chết trong nhân phẩm ADMD (Association pour le droit de mourir dans la dignité) biến thành công cụ!

Về phía mình, Chantal nói bà có thể chết lặng lẽ ở nơi có luật an tử nhưng cố tình công khai xin phép trên đất nước, để làm “cuộc đấu tranh sau rốt” cho những trường hợp khác. Chuyện của Chantal lần nữa dấy lên vấn đề nhân đạo phân hóa xã hội Pháp.

Riêng người viết bài này mỗi khi nhớ đến gương mặt véo vó và đôi mắt gần như sắp rớt, tin cái chết không phải là điều tồi tệ nhất. Ngoài sự đau đớn của bản thân, Chantal nói bà không muốn xã hội tốn kém vô ích, không muốn hiện diện trước các con với hình thù ghê rợn, trong đó đứa út mới 12 tuổi.

Chantal viết trong đơn “Tôi đã chịu đựng khối u bất trị suốt sáu năm. Tôi không muốn đó là kỷ niệm cuối cùng. Tôi muốn liên hoan với các con tôi lần cuối và ngủ yên trong bình minh”, nhưng ước mơ đó đã bị tòa sơ thẩm bác ngày 16/3. Không kháng cáo, ba ngày sau Chantal mất với lý do bí ẩn. Thay vì được liên hoan với các con lần cuối, người mẹ phải ra đi trong uất ức, cô độc…

>Hy vọng cho tương lai ngành y
>Thế giới bắt đầu đề cao vai trò của y học cổ truyền

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Có nên hợp pháp hóa “cái chết nhân đạo”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO