Chính phủ Nhật sắp cạn tiền

B.TRỊNH/DNSG Cuối tuần| 24/07/2012 05:55

Tình trạng tồi tệ đó có thể xảy ra khi tất cả các khoản chi tiêu của nội các, bao gồm tiền lương, lương hưu và trợ cấp thất nghiệp sẽ bị ngưng lại.

Chính phủ Nhật sắp cạn tiền

Tình trạng tồi tệ đó có thể xảy ra khi tất cả các khoản chi tiêu của nội các, bao gồm tiền lương, lương hưu và trợ cấp thất nghiệp sẽ bị ngưng lại. Đó là một hệ quả từ bước đi “cầm hòa” trong Quốc hội Nhật nhằm ngăn chặn bản dự thảo cho phép Chính phủ chi tiền cho các khoản thâm hụt.

Đọc E-paper

Bản dự thảo tài trợ thâm hụt tài chính hiện cho phép Chính phủ bán trái phiếu khi cần thiết để cấp tiền cho gần một nửa ngân sách quốc gia, nhưng nay đang khó được phép thực hiện vì các đảng đối lập có thể sẽ sử dụng quyền khống chế Thượng viện để không phê chuẩn.

Bộ trưởng Tài chính Jun Azumi cho rằng nếu dự thảo ấy không được thông qua tại Quốc hội thì toàn bộ ngân sách nước Nhật sẽ sụp đổ, mọi hoạt động chi tiêu của Tokyo sẽ phải dừng lại và nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sẽ rơi vào thế hiểm nguy.

Lúc đó, vị trí của Nhật Bản trong bảng xếp hạng tín dụng của các tổ chức đánh giá quốc tế cũng sẽ bị hạ thấp nghiêm trọng. 

Nhật không phải là quốc gia phát triển duy nhất bị rơi vào cuộc khủng hoảng tài khóa. Chính phủ ngập nợ tại Hy Lạp lẽ ra đã hết sạch tiền chỉ trong vòng vài tuần nếu không nhận được gói hỗ trợ 31,8 tỉ euro cứu trợ từ Liên minh châuÂu.

Hiện tại, Mỹ - nền kinh tế số 1 thếgiới đangđối diện với gói nợ siêu khủng 4.000 tỉ USD, do đó chính quyền của ông Obama đã quyết định gia hạn chính sách cắt giảm thuế và tự động cắt giảm chi tiêu của Chính phủ cho đến cuối năm nay.

Tại Nhật, ngân sách chính phủ trong năm tài khóa mới (bắt đầu từ tháng 4) có trị giá khoảng 90,3 ngàn tỉ yen (tương đương 1,13 ngàn tỉ USD), trong đó bản dự thảo tài trợ thâm hụt cho phép Chính phủ bán đi 38,3 ngàn tỉ yen trái phiếu chính phủ để đưa tiền về ngân sách, phần còn lại sẽ được bù đắp từ nguồn thu thuế và doanh thu từ các dự án công khác.

Chi tiêu của Chính phủ Nhật dự báo đạt mức 43,9 ngàn tỉ yen vào cuối tháng 9 năm nay. Nếu chẳng may gói tài trợ không được thông qua và Tokyo cạn tiền, các chính quyền địa phương sẽ phải gánh chịu hậu quả trước tiên. 

Khi ấy, có thể Bộ Tài chính sẽ lập tức cắt giảm thuế và Thủ tướng Yoshihiko Noda cũng phải đạt được một số thỏa thuận với phe đối lập nhằm cấp tạm ứng tiền để giải quyết các khoản lương hưu và trợ cấp thất nghiệp cho người dân.

Bế tắc tại Nhật Bản chỉ thực sự xuất hiện từ sau sự kiện ông Noda chiến thắng phe đối lập để thông qua chính sách tăng thuế kinh doanh tại Hạ viện.

Dù đảng Dân chủ của ông Noda chiếm đa số tại Hạ viện nhưng lại không có nhiều ghế tại Thượng viện, do đó có thể xảy ra thế “cầm hòa” nếu Quốc hội từ chối dự thảo mới.

Thậm chí, tình trạng ngày càng có nhiều người rời bỏ đảng Dân chủ trong Quốc hội đang tạo nên một viễn cảnh chính trị đầy tiêu cực trong nội bộ Chính phủ Nhật.

Giới phân tích cho rằng rất có khả năng cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ được triệu tập để quyết định xem ai xứng đáng là người lãnh đạo mới của đảng cầm quyền.

Ngoài ra, là đất nước sở hữu nợ nhiều nhất thế giới (tổng số tiền cho vay bằng gần gấp đôi giá trị 5 ngàn tỉ USD của nền kinh tế), Nhật Bản đang rất cần đến một sự phân tích chi tiết trong chi tiêu ngân sách công nhằm giải tỏa mọi hoài nghi rằng giới chính trị gia nước này không nắm rõ các hoạt động tài chính cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chính phủ Nhật sắp cạn tiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO