Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Mỹ có thể thua thiệt

MINH PHƯƠNG| 09/06/2018 06:15

Nhiều nhận định cho rằng, khi Tổng thống Donald Trump khơi mào chiến tranh thương mại nhắm vào Trung Quốc, nhiều nước khác sẽ được hưởng lợi chứ không phải Mỹ.

Các đối thủ cạnh tranh của Mỹ đã không bỏ lỡ cơ hội thâm nhập sâu vào thị trường Trung Quốc trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang trả đũa nhau bằng các khoản thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu của hai bên. 

Tại thị trường Trung Quốc, Brazil sẽ trở thành nhà cung cấp đậu nành chính, Airbus có khả năng sẽ nẫng tay trên hàng loạt hợp đồng của Boeing, Australia và Canada sẽ thay Hoa Kỳ cung ứng nhôm phế liệu và các loại vật liệu tái chế khác.

Người đứng đầu Bộ Tài chính Hoa Kỳ - ông Steven Mnuchin - cũng cảm thấy lo lắng về sức ép đối với nước Mỹ. "Tổng thống Trump có thể chấp nhận giảm thuế một số hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ nhưng các loại thép và nhôm của Trung Quốc thì không. Và như vậy Bắc Kinh chắc chắn sẽ trả đũa" - ông Steven Mnuchin nói.

"Tôi thường tư vấn cho khách hàng nếu muốn đầu tư vào thị trường Trung Quốc nên chuẩn bị đối phó những điều tệ hại nhất, hy vọng vào những thứ tốt đẹp nhất, nhưng đừng bao giờ cho rằng Mỹ sẽ kiếm được vị thế bình thường như trước đây. Trung Quốc mới chính là người cầm trịch "cuộc chơi thương mại với Mỹ”, ông William Cohen - nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, giờ là người đứng đầu một công ty tư vấn kinh doanh - khẳng định.

Chie-n-tranh-thu-o-ng-ma-i-My-9190-6758-

Mỹ là nước đang xuất khẩu đậu nành nhiều nhất sang Trung Quốc.

Bắc Kinh đã đổ nguồn lực đầu tư vào nhiều nước để đa dạng hóa nguồn cung ứng từ thực phẩm cho đến hàng hóa phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của thị trường chính quốc. Điều này rõ ràng gây lo lắng cho các nhà sản xuất, kinh doanh Hoa Kỳ vì e ngại thị phần sẽ mất dần vào tay các đối thủ cạnh tranh mà chính phủ của họ luôn có chiến lược thương mại cởi mở.  

Mỹ đánh thuế nặng vào hàng hóa Trung Quốc buộc nước này phải gia tăng đầu tư thay vì phụ thuộc vào nguồn cung ứng từ một vài quốc gia. Nền kinh tế Trung Quốc sẽ lớn mạnh hơn vì chiến lược chuyển dịch từ nền kinh tế xuất khẩu sang tập trung vào kinh tế sáng tạo, dẫn đến Trung Quốc trở thành điểm đến đáng khao khát của nhiều nhà đầu tư các nước trong nỗ lực cung cấp mọi thứ từ dịch vụ tài chính cho đến sản phẩm nông nghiệp.

Brazil là một điển hình hưởng lợi từ hệ quả của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, dù nó mới khơi mào. Hoa Kỳ từng là nước xuất khẩu đậu nành hàng đầu vào Trung Quốc nhưng giờ đây Brazil đã dần thay thế vai trò đó vì Bắc Kinh áp thuế 25% đối với đậu nành nhập khẩu từ Mỹ để trả đũa việc Hoa Kỳ áp thuế cao nhiều sản phẩm của Trung Quốc xuất sang Mỹ.

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ dự báo trong vòng 10 năm tới, Brazil sẽ nâng diện tích trồng đậu nành lên 9,5 triệu hécta - một tin không mấy vui đối với nông dân Mỹ bởi trong dài hạn có thể mất thị phần vào tay đối thủ giàu tiềm năng này. Có lý do để tin vào điều này.

Trước đây, cơ sở hạ tầng yếu kém của Brazil đã gây chậm trễ trong việc vận chuyển nông sản xuất khẩu, nhưng gần đây Trung Quốc đã đầu tư xây dựng mạng lưới đường sắt, đường bộ, đường thủy vào nước lớn nhất Nam Mỹ này. Tính riêng năm 2017, tổng mức đầu tư của Trung Quốc trong mảng hạ tầng ở Brazil lên đến 20,9 tỷ USD.

Link bài viết

Theo cựu Kinh tế trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ - ông Joseph Glauber: "Lợi thế của Brazil lúc này là nhiều loại nông sản có sản lượng lớn, vận chuyển nhanh vì hệ thống hạ tầng phục vụ chuyên chở đã hoàn chỉnh. Và một khi căng thẳng thường mại giữa Mỹ và Trung Quốc tăng cao thì Trung Quốc sẽ tiếp tục đầu tư lớn hơn vào Brazil để tạo đối trọng với Mỹ. Điều này có nghĩa chúng ta có thể bị đánh bại". 

Trong một báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng đậu nành của Brazil lần đầu tiên đã vượt qua Mỹ. Quốc gia này đã cung ứng 51% lượng đậu nành cho châu Á, trong khi Mỹ chỉ chiếm 35% nhu cầu của Trung Quốc. Những tổn thất tiếp theo từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể tác động rất mạnh đến việc sản xuất của nông dân Mỹ, vì hơn một nửa sản lượng nông nghiệp của nước này phục vụ cho thị trường Trung Quốc, với tổng giá trị 14 tỷ USD/năm.

Trong khi đó, ông Wilbur Ross - Bộ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ - tỏ ra cứng cỏi khi cho rằng, bất kỳ mức thuế nào mà Trung Quốc áp đặt cho Mỹ thì chính người dân Trung Quốc chịu thiệt thòi vì họ phải chịu mua sản phẩm giá đắt đỏ. Tuy nhiên, với trường hợp của Brazil, ông Wilbur Ross thừa nhận Brazil là đối thủ khó chịu với Mỹ vì đang làm rất tốt.

Tuy nhiên, một tin không vui, không chỉ đậu nành mà Mỹ có thể bị "soán ngôi" bởi nhiều thương vụ khác với Trung Quốc. Vào năm 2020, Trung Quốc sẽ trở thành thị trường hàng không lớn nhất thế giới, và vì thế cần rất nhiều máy bay. Airbus nhanh chóng nắm bắt cơ hội này khi đã xây dựng một nhà máy lắp ráp máy bay tại Trung Quốc để đáp ứng nhanh nhu cầu đơn hàng. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung còn là cơ hội để Airbus giành ngày càng nhiều hợp đồng từ tay đối thủ truyền kiếp là Boeing.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Mỹ có thể thua thiệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO