CHDCND Triều Tiên: Cần kinh tế hay cần chiến tranh?

LAM HỒNG| 18/04/2013 00:30

Tại sao quốc gia chỉ 24 triệu dân, kinh tế kém phát triển như CHDCND Triều Tiên (TT) lại một hai đòi đối đầu với liên quân Mỹ-Hàn?

CHDCND Triều Tiên: Cần kinh tế hay cần chiến tranh?

Tại sao quốc gia chỉ 24 triệu dân, kinh tế kém phát triển như CHDCND Triều Tiên (TT) lại một hai đòi đối đầu với liên quân Mỹ-Hàn?

Đọc E-paper

Trẻ em TT đẩy xe buýt trên đường phố Bình Nhưỡng (AFP)

Nhà lãnh đạo trẻ TT Kim Jong-un khi nắm quyền đưa ra nhiều hứa hẹn về cải tổ kinh tế. Chính sách kinh tế mới đưa ra gần đây hoàn toàn khác biệt với chính sách cân bằng giữa kinh tế và quân sự mà cố Chủ tịch Kim Nhật Thành đã thực thi trong những năm 60 của thế kỷ trước, cũng như chính sách "tiên quân chính trị” kết hợp với phát triển lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp nhẹ mà người cha quá cố Kim Jong-il đã thực hiện trước đó.

Theo các nhà phân tích, Bình Nhưỡng cần một cú hích lớn hơn các khoản viện trợ hiện có để thay đổi cơ bản nền kinh tế đã suy kiệt trong nhiều thập kỷ qua.

Chính vì vậy, tình hình bán đảo Triều Tiên leo thang hiện nay là trong ý đồ của Bình Nhưỡng nhằm đạt được các thỏa thuận kinh tế lớn. Thực tế là từ năm 2005, Bình Nhưỡng đã từng đề nghị Mỹ ký một hiệp ước hòa bình (thay thế cho hiệp định đình chiến), đổi lại họ sẽ từ bỏ việc theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, tập trung phát triển kinh tế.

Nhưng trước hết, Bình Nhưỡng muốn được công nhận là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nhằm đảm bảo an ninh cho chính họ, trước khi ổn định phát triển kinh tế. Theo các nhà phân tích, nếu Hàn Quốc và Mỹ tiếp tục sử dụng các biện pháp đối phó bằng an ninh và quốc phòng sẽ chỉ góp phần giúp TT đạt được mục tiêu đã đề ra là đẩy căng thẳng leo thang.

Dựa trên phân tích này, CNN dẫn các số liệu của CIA World Factbook xem xét tổng thể nền kinh tế TT và cách thức quốc gia này tạo ra thu nhập:

Tình trạng tổng thể

Kinh tế TT theo mô hình "chỉ đạo tập trung", "tự cung tự cấp". Máy móc công nghiệp trong nhiều thập kỷ qua gần như không thể sửa chữa do thiếu phụ tùng thay thế.

Chi tiêu quân sự quy mô lớn đã rút hết nguồn lực cần thiết để đầu tư và tiêu dùng dân sự. Bình Nhưỡng đã chi khoảng 2,8-3,2 tỷ USD trong thời gian từ năm 1998 vào chương trình tên lửa và hạt nhân.

Các dữ liệu từ một nghiên cứu năm 1999 của OECD ước tính GDP bình quân đầu người của TT trong năm 2011 là 1.800 USD, tăng trưởng ở mức 0,8%.

Tuy nhiên, Liên Hiệp Quốc (LHQ) ước tính GDP bình quân đầu người chỉ đạt 506 USD và tăng trưởng ở mức -0.1. Trong khi đó, ước tính Factbook cho thấy, GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc trong năm 2011 là 31.700 USD và tốc độ tăng trưởng khoảng 3,6%. Con số năm 2012 lần lượt là 32.400 USD và 2%.

Nguồn thu nhập chính

Factbook xác định các ngành công nghiệp của TT gồm thiết bị quân sự, chế tạo máy, năng lượng điện, hóa chất, khai thác mỏ, luyện kim, dệt may, chế biến thực phẩm và du lịch.

Xuất khẩu chính là khoáng sản, sản phẩm luyện kim, dệt may, nông nghiệp và thủy sản; nhập khẩu chính là dầu khí, than cốc, máy móc, thiết bị và ngũ cốc.

Ngành công nghiệp ước tính chiếm gần một nửa GDP, tiếp theo là các dịch vụ và nông nghiệp. Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, thương mại giữa hai nước trong năm 2011 vào khoảng 1,7 tỷ USD.

Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ nhân đạo cho TT khoảng 17,4 triệu USD. Đầu tư của Hàn Quốc tạo ra phần lớn các nguồn thu ngoại tệ của TT với một phần lớn thu nhập đến từ thương mại với Trung Quốc (TQ).

Tất cả các doanh nghiệp liên quan đến TQ đều được yêu cầu đóng một phần lợi nhuận, thường chiếm trên 50%, cho tổ chức tài chính của chính phủ được gọi là "Văn phòng 38".

Thiếu lương thực

Trong năm 2011, UNICEF ước tính có khoảng một phần tư dân số của TT, tương đương khoảng 6 triệu người, không đủ thức ăn. Gần một triệu trong số đó là trẻ em dưới 5 tuổi.

UNICEF cảnh báo, TT "dễ bị khủng hoảng lương thực vì bị cô lập về chính trị và kinh tế và biến đổi khí hậu". Chương trình Lương thực Thế giới cho biết "TT tiếp tục đối mặt thường xuyên với nạn thiếu lương thực quan trọng, với một trong ba trẻ em bị suy dinh dưỡng kinh niên".

Trong tháng 3/2012, Bình Nhưỡng đã đồng ý hoãn các chương trình hạt nhân, tên lửa và chấp nhận sự trở lại của các thanh tra hạt nhân để đổi lấy 240.000 tấn lương thực viện trợ của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, cùng với vụ thử nghiệm tên lửa hồi đầu năm nay, TT đã tự ý kết thúc thỏa thuận này.

Tại sao xấu như vậy?

Cho đến giữa những năm 1970, TT cùng với Nhật Bản là hai quốc gia công nghiệp chủ yếu ở châu Á. TT hưởng lợi từ tương trợ kinh tế trong liên minh kinh tế giữa các quốc gia và Liên Xô, gọi là Comecon.

Tuy nhiên, sự sụp đổ của Liên Xô và một loạt các thảm họa tự nhiên khiến ngành công nghiệp TT giảm mạnh trong những năm 1980, và trở nên "đổ nát" trong những năm 90.Nông nghiệp đã rơi vào "vòng xoáy đi xuống" từ những năm 1980 vì thiếu phân bón.

Kể từ vụ thử hạt nhân đầu tiên của Bình Nhưỡng trong năm 2006, Hội đồng Bảo an LHQ đã có nhiều biện pháp trừng phạt TT. LHQ đã đóng băng tài sản của các tổ chức tham gia vào hoặc hỗ trợ cho các chương trình tên lửa liên quan đến hạt nhân và tên lửa đạn đạo của TT.

Biện pháp trừng phạt mới được áp dụng vào tháng 3, ngăn chặn việc bán các hàng hóa cao cấp như du thuyền và một số đồ trang sức cao cấp cho TT.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Susan Rice cho biết "Văn phòng 38" tạo ra tiền cho đảng cầm quyền của TT và đã được xem như là quỹ cá nhân của Kim Jong-il trước đây. Cũng có một nền kinh tế chợ đen tại nước này vì tiền won của TT đã bị mất giá trị.

Đối tác thương mại

CIA World Factbook cho biết, TQ chiếm khoảng 67,2% kim ngạch xuất khẩu của TT và 61,6% của nhập khẩu trong năm 2011. Trong khi đó, Hàn Quốc chiếm 19,4% xuất khẩu và 20% nhập khẩu; Ấn Độ chiếm khoảng 3,6% kim ngạch xuất khẩu; Liên minh Châu Âu chiếm 4% nhập khẩu.

Những năm đầu của thập kỷ vừa qua, Hàn Quốc là đối tác thương mại chính của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, mối quan hệ xấu đi kể từ khi Tổng thống Lee Myung-bak tỏ ra cứng rắn hơn với TT.

Từ đó, TQ đã trở thành đối tác thương mại chính của Bình Nhưỡng, cung cấp cho TT với khoảng 90% nhiên liệu, 80% hàng tiêu dùng và 45% thực phẩm.

Tiền tệ

TT tiếp tục trong tình trạng lạm phát cao và thiếu hụt nguồn cung hàng hóa các loại. Đồng tiền chính thức là đồng won nhưng tất cả hàng hóa trên thị trường đã được chốt với đồng USD. Ngoại tệ chảy vào TT thông qua một số con đường như thương mại qua biên giới với TQ và du lịch.

Các đại sứ quán nước ngoài ở đây cũng giao dịch bằng USD. Đồng euro đang ngày càng được sử dụng nhiều bởi vì TT lo ngại Mỹ có thể cắt đứt giao dịch USD.

Khu công nghiệp Kaesong

TT cho biết sẽ rút tất cả lao động và đình chỉ hoạt động tại Khu công nghiệp Kaesong. Khu phức hợp này được coi là một nguồn thu ngoại tệ mạnh cho chế độ Kim Jong-un. Hơn 50.000 lao động TT làm việc trong khu vực, sản xuất hàng trăm triệu USD hàng hóa mỗi năm. Các dự án kinh doanh chung khác từng là du lịch khu vực núi Kumgang. Tuy nhiên, tour du lịch này đã bị đình chỉ khi một bảo vệ TT bắn chết một người phụ nữ Hàn Quốc trong năm 2008 và Bình Nhưỡng từ chối yêu cầu của Seoul cho mở một cuộc điều tra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
CHDCND Triều Tiên: Cần kinh tế hay cần chiến tranh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO