Châu Âu: Nhụt gan làm giàu

HÀ CÚC| 01/08/2012 05:13

Tại sao Google không xuất phát từ Đức? Thiếu một nền văn hóa kinh doanh dám chấp nhận rủi ro là một phần của câu trả lời.

Châu Âu: Nhụt gan làm giàu

Tại sao Google không xuất phát từ Đức? Thiếu một nền văn hóa kinh doanh dám chấp nhận rủi ro là một phần của câu trả lời.

Đọc E-paper

Theo Global Entrepreneurship Monitor, trong năm 2010, các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp chỉ chiếm 2,3% dân số Ý, 4,2% của Đức và 5,8% của Pháp. Như vậy, tinh thần khởi nghiệp tại các nước châu Âu thấp hơn rất nhiều so với 7,6% của Mỹ, 14% của Trung Quốc và 17% của Brazil.

Không chỉ ít về số lượng, các doanh nhân châu Âu cũng bi quan hơn về triển vọng của họ. Một nghiên cứu của Ernst & Young cho thấy, các doanh nhân Đức, Ý và Pháp đặt ít niềm tin vào việc kinh doanh tại đất nước mình.

Rất ít doanh nhân Pháp nói rằng đất nước của họ có môi trường kinh doanh tốt nhất, trong khi 60% người Brazil, 42% người Nhật Bản và 70% người Canada nghĩ rằng không nơi nào tốt hơn là kinh doanh tại đất nước mình. Những con số này giải thích vì sao châu Âu lại có rất nhiều cửa hàng nhỏ, hay dịch vụ cắt tóc chứ không phải là nhiều DN lớn.

Theo Quỹ Kauffman, một quỹ thúc đẩy tinh thần kinh doanh trên khắp thế giới, một trong những lý do nước Mỹ đã vượt xa châu Âu trong việc cung cấp việc làm mới là khả năng khuyến khích các DN nhỏ phát triển nhanh chóng như Amazon, Facebook hay eBay.

Không chỉ các DN nhỏ khó khăn trong khởi nghiệp, mà châu Âu cũng gặp nhiều hạn chế để giúp các công ty phát triển thành khổng lồ. Theo một phân tích 500 công ty niêm yết lớn nhất thế giới của Bruegel, châu Âu có 12 công ty lớn trong thời gian từ năm 1950-2007, Mỹ có 52 công ty trong cùng thời kỳ.

Tại sao Google không xuất phát từ Đức? Theo Konrad Hilbers, cựu Giám đốc Điều hành của Napster, thiếu một nền văn hóa kinh doanh dám chấp nhận rủi ro là một phần của câu trả lời. Các điều khoản liên quan đến phá sản thật sự là một “bản án” đối với nhiều DN.

Ở Đức, mất 6 năm để một DN có thể xây dựng một DN mới sau khi phá sản; Pháp là 9 năm. Tại Đức, những DN phá sản có thể bị cấm suốt đời không được điều hành cao cấp tại các công ty lớn.

Trở ngại thứ hai là tài chính. Sau bùng nổ bong bóng dotcom, vốn đầu tư mạo hiểm của châu Âu giảm đi một nửa, từ 8,2 tỷ euro trong năm 2007 xuống còn 4,1 tỷ euro vào năm ngoái.

Phần lớn khoản tiền đến từ chính phủ chứ không phải từ các nhà đầu tư tư nhân. Đối với các khoản vốn huy động từ 1,5-4 triệu euro, các công ty phải có mô hình kinh doanh hiệu quả thực sự.

Trở ngại lớn thứ ba là Luật Lao động. Các công ty tại Mỹ có thể cắt giảm nhân công rất nhanh khi cần thiết. Nhưng đây lại là khó khăn lớn đối với các DN tại châu Âu.

Bởi vì, chi phí thanh toán thôi việc rất lớn (tương đương 6 tháng lương). Chi phí thôi việc lớn cũng gây cản trở các DN tuyển dụng các nhà quản lý chuyên nghiệp...

Tại châu Âu, một DN thất bại thường để lại một vết nhơ lâu dài, giống như một sự thất bại về đạo đức. Vì thế, trong vòng 3 năm qua, cơn bão suy thoái kinh tế làm lung lay châu Âu cũng là thời điểm tỷ lệ doanh nhân tự sát tăng cao đến mức báo động.

Đặc biệt ở các quốc gia có nền kinh tế không vững vàng như Hy Lạp, Ireland và Ý, các chủ DN nhỏ và vừa rơi vào tình trạng thê thảm mà giới truyền thông châu Âu gọi là “tự sát do khủng hoảng kinh tế”.

Theo số liệu thống kê của chính quyền Hy Lạp, tỷ lệ nam giới tự sát tăng hơn 24% từ năm 2007-2009. Trong cùng thời kỳ, tỷ lệ nam giới tự sát ở Ireland tăng hơn 16%; còn ở Ý tăng 52% - từ 123 vụ năm 2005 lên đến 187 vụ năm 2010.

Theo Viện Nghiên cứu đổi mới, Quản lý Công nghệ và Kinh doanh Đại học Ludwig - Maximilians (Đức), chính phủ các nước châu Âu đã bắt đầu chú ý tới vấn đề cổ vũ tinh thần doanh nhân tại châu lục.

Nhiều quốc gia xây dựng các đề án để thúc đẩy DN khởi nghiệp, các chương trình giáo dục giúp tiếp học sinh làm quen với khái niệm kinh doanh.

Đức và các nước khác gần đây đã thiết lập các cơ quan nhà nước hậu thuẫn để tạo cơ chế giúp nhiều DN có thể lập nghiệp tại Silicon Valley. Thủ tướng Ý Mario Monti công bố sẽ làm giảm chi phí hành chính thành lập DN từ 10.000 euro xuống còn... 1 euro...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Châu Âu: Nhụt gan làm giàu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO