Châu Âu đồng loạt "thắt lưng buộc bụng"

24/05/2010 09:25

Điều được coi là niềm tự hào của một châu Âu hiện đại sau thế chiến thứ hai giờ đây đang bị cuộc khủng hoảng nợ, bắt đầu từ Hy Lạp, đẩy vào thế phải thắt lưng buộc bụng để cứu đồng euro khỏi sụp đổ.

Châu Âu đồng loạt

Điều được coi là niềm tự hào của một châu Âu hiện đại sau thế chiến thứ hai giờ đây đang bị cuộc khủng hoảng nợ, bắt đầu từ Hy Lạp, đẩy vào thế phải thắt lưng buộc bụng để cứu đồng euro khỏi sụp đổ.

Biểu tình phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ trước trụ sở bộ tài chính ở Madrid, thủ đô Tây Ban Nha - Ảnh: AP

Cắt giảm ngân sách nhà nước đang diễn ra khắp nơi ở châu Âu. Trong giai đoạn đầu, chính phủ cắt giảm chủ yếu lương cán bộ công nhân viên nhà nước, một lĩnh vực ít nhiều an toàn về mặt chính trị.

Như vậy chính sách viên chức một năm được nghỉ 6 tuần; về hưu năm 60 tuổi; sinh một đứa con được nhà nước trợ cấp háng ngàn euro; tiền học phí đại học rẻ hơn giá một chiếc máy tính xách tay... sẽ thay đổi khá nhiều.

Chính phủ Đức cho hay tháng tới sẽ cắt giảm ngân sách ít nhất 3 tỉ euro. Lần đầu tiên chính phủ thông báo sẽ cắt giảm trợ cấp thất nghiệp. Cụ thể chỉ trợ cấp từ 50% đến 60% mức lương cuối cùng trước thuế tối đa một năm.

Giải thích trên tuần báo Frankfurter Allgemeine Soontagszeitung ngày 22/5, bộ trưởng tài chính Đức Wolfgang Shaeuble nói: ”Chúng tôi phải điều chỉnh hệ thống bảo hiểm xã hội để khuyến khích người dân chấp nhận công việc thường xuyên chứ không khuyến khích ở không”.

Thứ hai tuần rồi, Anh thông báo sẽ cắt giảm ngân sách 6 tỉ bảng, tương đương 8,6 tỉ USD, chủ yếu giảm quỹ lương và chi phí. Chính phủ sẽ nâng tuổi hưu của nữ từ 60 lên 65 và của nam từ 65 lên 66. Chính phủ cũng siết chặt chế độ phúc lợi, buộc người thất nghiệp phải tìm kiếm việc làm, bãi bỏ trợ cấp 230 bảng cho trẻ em mới sinh.

Công nhân viên chức Hy Lạp biểu tình chống các biện pháp khắc khổ của chính phủ ở Thessaloniki ngày 20/5 - Ảnh: AP

Tại Pháp, chính phủ bảo thủ của Tổng thống Nicolas Sarkozy cũng có kế hoạch tăng tuổi về hưu. Người lao động có thể về hưu ở tuổi 60 nhưng chỉ được hưởng 50% lương trung bình.

Tháng chín này, quốc hội Pháp sẽ thảo luận kế hoạch này. Trong khi đó, các nghiệp đoàn lao động đang chuẩn bị kế hoạch huy động lao động xuống đường phản đối trên toàn quốc vào ngày 27/5 yêu cầu bảo vệ đồng lương và duy trì tuổi hưu như hiện nay.

Tại Tây Ban Nha, chính phủ đã lên kế hoạch cắt giảm hàng tỉ euro lương công chức có hiệu lực từ đầu tháng 6. Cũng theo kế hoạch này, việc tăng lương hưu để bù lạm phát sẽ bị đóng băng trong ít nhất hai năm.

Chính phủ xã hội Tây Ban Nha cũng cắt giảm 300 triệu euro tiền trợ cấp cho người khuyết tật và bãi bỏ tiền thưởng sinh con trị giá 2.500 euro/bé trong vòng ba năm. Tuổi hưu cũng sẽ tăng từ 65 lên 67 tuổi cho lao động nam.

Chính phủ Bồ Đào Nha - nước đang bị khủng hoảng nợ nghiêm trọng và có thể phải cầu cứu EU và IMF như Hy Lạp - đã quyết định tăng thuế thu nhập, thuế doanh nghiệp và thuế kinh doanh. Tiền trợ cấp thất nghiệp cũng sẽ bị cắt trong trường hợp người thất nghiệp nhận được một công việc có mức lương cao hơn 10% tiền trợ cấp thất nghiệp.

Chính phủ Hi Lạp, nước đang lâm vào khủng hoảng công nợ nghiêm trọng nhất trong các nước thuộc Liên hiệp châu Âu (EU), buộc phải tăng thời gian đóng tiền bảo hiểm xã hội từ 37 năm lên 40 năm mới được nghĩ hưu. Tuổi về hưu được quy định là ít nhất 60 tuổi. Công chức hưởng lương trên 3.000 euro/tháng sẽ bị cắt thưởng hai tháng lương nghỉ lễ (phục sinh, hè và Giáng sinh).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Châu Âu đồng loạt "thắt lưng buộc bụng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO