![]() |
Bên lề cuộc họp thường niên của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) diễn ra ngày 3/5 tại Bali, Indonesia, 13 nước châu Á đã thỏa thuận về việc thành lập một quỹ ngoại hối khẩn cấp lên đến 120 tỷ USD. Quỹ này nhằm cung cấp tín dụng cho các thành viên ASEAN, trong trường hợp các nước Đông Nam Á có nhu cầu tiền mặt cấp bách để đối phó với khủng hoảng tài chính và kinh tế.
![]() |
Quỹ ngoại hối khẩn cấp sẽ được thành lập trước cuối năm 2009, trong khuôn khổ kế hoạch được mệnh danh là “Sáng kiến Chiang Mai”. Ba cường quốc kinh tế hàng đầu của châu Á là Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ đóng góp nhiều nhất vào quỹ này. Tokyo và Bắc Kinh, mỗi bên sẽ tài trợ 32% cho quỹ ngoại hối, còn Seoul sẽ cung cấp 16%, 20% còn lại được 10 nước ASEAN đóng góp.
Riêng Nhật Bản đề ra thêm một kế hoạch riêng nhằm cung cấp 61 tỷ USD cho các nước châu Á gặp khó khăn trên thị trường tín dụng. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản, ông Kaoru Yosano cho biết, cả hai kế hoạch, kế hoạch chung và kế hoạch riêng của Tokyo, cộng lại sẽ nâng phần đóng góp của Nhật Bản cho khu vực lên đến gần 100 tỷ USD. Theo nhật báo kinh tế Nikkei, với dự án vừa kể, Tokyo mong muốn mở rộng thêm trong khu vực việc sử dụng đồng yên của Nhật Bản. Trung Quốc cũng có một kế hoạch tương tự khi tài trợ cho quỹ này với tham vọng đưa đồng nhân dân tệ trở thành đồng bản vị của giao thương khu vực.
Với một quỹ có quy mô lớn như vậy, các nhà quan sát cho rằng, châu Á đã tiến gần hơn tới mô hình liên minh châu Á. Tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN đã chính thức khởi hành với Tuyên bố Cha-am Hua Hin vừa được các nhà lãnh đạo ASEAN ký kết. Theo đó, lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN bắt đầu từ năm 2009 và tới năm 2015 cộng đồng này sẽ được hình thành. Lộ trình này đã được rút ngắn 5 năm, thay vì tới năm 2020 như dự kiến ban đầu. Đầu năm nay, hôm 1/3, lãnh đạo ASEAN đã cam kết thúc đẩy kế hoạch tham vọng trở thành cộng đồng kinh tế kiểu Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2015, bất chấp những khó khăn của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay. Mục tiêu hình thành một thị trường chung kiểu EU của ASEAN chủ yếu liên quan tới việc dỡ bỏ các rào cản thương mại chứ chưa tính tới chuyện chấp nhận một đồng tiền chung.
Vì vậy, cùng với mô hình ASEAN + 3 (Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản), quỹ ngoại hối khẩn cấp cho thấy châu Á đang có nhiều động lực và cơ hội để đi tới mô hình liên minh châu Á.
Mỹ, Anh và một số nước lớn đã hình thành các khối liên minh chính trị và quân sự sau chiến tranh thế giới thứ hai và mở rộng hơn sau sự tan rã của khối Xô-viết. Tuy nhiên, sự rạn nứt trong các khối liên minh này ngày càng rõ nét khi bộc lộ nhiều bất đồng sâu sắc trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Trong khi đó, châu Á lại xích lại gần nhau hơn với hai đầu tàu là Trung Quốc và Nhật Bản. Với hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, xét về quy mô GDP, châu Á có nhiều cơ hội để xây dựng một khu vực ổn định hơn châu Âu hiện nay.