Chân dung ứng viên ghế Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ

09/12/2012 06:28

Với những phẩm chất và kinh nghiệm của một "người hùng thời chiến", thượng nghị sĩ John Kerry được kỳ vọng trở thành người đứng đầu Lầu Năm Góc để chèo lái một nền an ninh quốc phòng nhiều biến động.

Chân dung ứng viên ghế Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ

Với những phẩm chất và kinh nghiệm của một "người hùng thời chiến", thượng nghị sĩ John Kerry được kỳ vọng trở thành người đứng đầu Lầu Năm Góc để chèo lái một nền an ninh quốc phòng nhiều biến động.

Thượng nghị sĩ John Kerry, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, ứng viên sáng giá chức Bộ trưởng Quốc phòng

>Susan Rice - lựa chọn số 1 cho ghế Ngoại trưởng Mỹ

Trong phát biểu ngày 12/11, đương kim Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta cho biết, ông chưa có ý định nghỉ hưu trong thời gian tới nhưng ông khẳng định rằng, sẽ không tại vị trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Obama. Phía Thượng nghị sĩ John Kerry hiện cũng chưa có phản hồi với đề xuất về việc có thể được chỉ định làm Bộ trưởng Quốc phòng.

Còn với Tổng thống Obama thì quyết định bổ nhiệm ai vào ghế Bộ trưởng Quốc phòng có thể công bố vào bất kỳ thời điểm nào, thông qua trợ lý báo chí Jay Carney. Và ở thời điểm hiện tại, Carney vẫn đang kín tiếng về bất cứ thay đổi nào trong những cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi Obama tái đắc cử.

Theo đánh giá của giới chức Mỹ, Thượng nghị sĩ John Kerry có đầy đủ phẩm chất để đảm nhiệm chức Bộ trưởng Quốc phòng, không chỉ bởi thời gian ông phục vụ trong lực lượng đặc nhiệm Hải quân Mỹ mà còn vì khối lượng kiến thức về ngân sách, kinh nghiệm về ngoại giao mà ông có - những điều đang trở thành một phần quan trọng của bất kỳ ai muốn giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng.

Thấu hiểu những tổn thất chiến tranh

Thượng nghị sĩ John Kerry sinh ngày 11/12/1943 tại Denver, Colorado, trong một gia đình theo Thiên Chúa giáo. Cha ông từng là nhân viên ngoại giao nên phần lớn thời thơ ấu của ông đều học tập và sinh sống ở nước ngoài. Theo lời John Kerry, vì nghề ngoại giao của người cha, nên những đứa con phải khám phá các nền văn hóa khác nhau và sớm làm quen với các hoạt động xã hội. Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Yale năm 1962 với tấm bằng cử nhân khoa học chính trị, ông tham gia phục vụ quân đội trong chiến tranh Việt Nam những năm 1968-1969.

Trong thời gian tham gia cuộc chiến tranh tại Việt Nam, Kerry gia nhập lực lượng Hải quân Mỹ (SEAL) và được chỉ huy đội tàu tuần tra trên lưu vực sông Mekong. Kerry nổi tiếng là người liều lĩnh và cho tới tận bây giờ, nhiều người cùng tham gia chiến tranh với ông năm xưa vẫn coi ông là người hùng. Kerry được trao tặng Ngôi sao Bạc, Ngôi sao Đồng và 3 huy chương vì đã có nhiều thành tích cũng như bị thương trong chiến đấu.

Song chính những năm tháng ở chiến trường đã dạy cho Kerry bài học đau thương không bao giờ quên, ngay cả khi đã quay về Mỹ. Giữa các trận chiến, John Kerry đã chứng kiến cảnh nhiều người bỏ mạng vì những quyết định sai lầm của các nhà lãnh đạo Washington. John Kerry quyết định phải phản đối chiến tranh.

Ông trở thành một thành viên tích cực của tổ chức "Những cựu binh tham chiến ở Việt Nam chống chiến tranh" mà ông là người đồng sáng lập. Những gì Kerry đã chứng kiến trong cuộc chiến ở Việt Nam là một chủ đề thường xuyên được nhắc tới. Bản thân ngài cựu binh sau này trở thành Thượng nghị sĩ bang Massachusetts dường như không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để đề cập tới những kinh nghiệm của mình.

Ông John Kerry từng tham gia cuộc chiến tại Việt Nam, sau trở thành một thành viên tích cực của tổ chức "Những cựu binh tham chiến ở Việt Nam chống chiến tranh"

Khi được hỏi về sự tàn bạo trong chiến tranh Việt Nam, John Kerry cho biết, ông và các binh lính đã được trang bị trên 50 loại súng máy tầm cỡ, nhận lệnh sử dụng số vũ khí này để tham gia vào các nhiệm vụ tìm kiếm, phá hủy và đốt cháy các làng xóm. Tất cả những điều này là trái với quy ước chiến tranh, trái với công ước Geneva. Và ông tin rằng những người đứng đằng sau cuộc chỉ huy này, những người đã thiết kế, đã ra lệnh cho binh lính thực hiện các cuộc đột kích, cũng là những tội phạm chiến tranh.

Nghị sĩ John Kerry còn là một trong những người phản đối cuộc chiến tranh hao người tốn của ở Iraq do Tổng thống Bush phát động. Trong một bài phát biểu tại California với khán giả bao gồm chủ yếu là sinh viên đại học, Kerry nói: "Các bạn biết đấy, giáo dục, nếu chúng ta thực hiện triệt để nó, học tập chăm chỉ, tích cực rèn luyện, chúng ta sẽ trở nên thông thái và xuất chúng, bằng không ta sẽ phạm sai lầm ví như cuộc chiến ở Iraq chẳng hạn".

Sau khi cuộc xâm lược Iraq kết thúc, khi không thể tìm thấy vũ khí hủy diệt hàng loạt (theo như lời cáo buộc từ Nhà Trắng) John Kerry đã chỉ trích mạnh mẽ Tổng thống Bush.

Năm 1991, trong cuộc tranh luận trước cuộc chiến tranh Vùng Vịnh, John Kerry đã phản đối ngay lập tức việc sử dụng vũ lực để đánh đuổi binh sĩ Iraq từ Kuwait vì như vậy là quá tàn bạo.

Cho tới hiện tại, với tư cách là Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện, ông John Kerry hợp tác chặt chẽ với John McCain để tìm kiếm hài cốt và tung tích của các binh sĩ mất tích tại Việt Nam.

Người lính đơn độc không sợ cô đơn trên chính trường nước Mỹ

Những nỗ lực đầu tiên tham gia vào chính trường nước Mỹ của John Kerry từng thất bại. Cả hai cuộc tranh cử vào Quốc hội năm 1970, 1972 của ông đều trắng tay và ông đổ lỗi cho thứ chủ nghĩa lý tưởng "mù quáng và ngây thơ" của mình. Sau nỗ lực không thành này, John Kerry quay về học luật ở Trường đại học Boston và tốt nghiệp năm 1976 với tấm bằng cử nhân. Không lâu sau khi ra trường John Kerry trở thành trưởng công tố viên quận Middlesex, Massachusetts và vẫn không từ bỏ tham vọng chính trị.

Năm 1984, John Kerry được bầu làm Thượng nghị sĩ và ông giữ vị trí này trong 4 nhiệm kỳ liên tiếp. Ngoài công việc của một nghị sĩ, ông còn hỗ trợ hoạt động tự do thương mại, mở rộng các chính sách quân sự của Mỹ với các nước khác, hỗ trợ các lĩnh vực đầu tư, giáo dục, bảo vệ môi trường và phát triển công nghệ mới. Năm 2004, ông John Kerry trở thành ứng cử viên tổng thống nhưng đã thất bại trước đối thủ Goerge W. Bush.

Theo khảo sát, nghị sĩ John Kerry chưa bao giờ dễ dàng hòa đồng trong bất cứ môi trường nào. Những người bạn học của ông khi được hỏi thì đều cho biết John Kerry khá khép kín và ít bộc lộ mình. Tại Trường đại học Yale, John cũng là một chàng sinh viên năng động, tham gia nhiều hoạt động, tiệc tùng nhưng không bao giờ nán lại lâu để tìm cơ hội khẳng định mình. Tuy vậy, cũng tại Yale, Kerry bắt đầu bộc lộ mặt táo bạo trong con người trầm lặng của mình. Ông tham gia lớp học lái máy bay, lái xe tốc độ cao quanh châu Âu vào kỳ nghỉ hè. Người bạn chung phòng với John Kerry cho biết "John luôn là một người ưa mạo hiểm".

Sau này, trong môi trường chính trị ở Massachusetts, John Kerry vẫn luôn bị coi là một người cứng nhắc. Còn tại Thượng viện, Kerry là một "mục tiêu dễ bị tấn công" vì sự giản dị mỗi khi diện bộ đồ kiểu nông thôn với quần nhung sọc và chiếc áo khoác bằng vải tuýt.

Người ta đoán rằng, có lẽ tính cách của ứng viên Bộ trưởng Quốc phòng có phần nào bị ảnh hưởng từ nguồn gốc gia đình. Một nửa gia đình Kerry là một quyển sách mạ vàng. Mẹ ông, bà Rosemary là hậu duệ trực tiếp của John Winthrop. Tên thời con gái của bà là Forbes (cũng chính là tên đệm của Kerry), đặt theo họ gia đình chủ tàu lớn từ thế kỷ XIX hiện vẫn sở hữu một hòn đảo ngoài khơi Massachusetts. Bất kỳ đứa trẻ nào trưởng thành với những cái tên này trong thập niên 50 thế kỷ XX đều nhận thức một cách nghiêm túc về tầm quan trọng và địa vị của họ.

Về gốc gác gia đình bên nội, John Kerry luôn nói rằng ông hầu như không biết gì. Cho đến tận năm 2003, từ một phóng viên tờ Boston Global, ông mới phát hiện ra ông nội là một người gốc Do Thái sau đó đã cải đạo sang Thiên Chúa giáo La Mã và kiếm được rất nhiều tiền ở Mỹ. Tuy nhiên, ông nội đã tự bắn vào đầu mình trong một phòng khách sạn ở Boston năm 1921.

Đối với cha mình, ngài Richard Kerry, John Kerry cho biết cha ông không phải là kiểu người để có thể tin cậy hay thú nhận sự yếu đuối. Cũng là một phi công lái máy bay trong Thế chiến II, Richard Kerry luôn thúc ép con trai phải đương đầu với những thách thức. Kerry cha còn có thể nói là rất chua cay với con trai của mình, ông đã thẳng thừng bác bỏ những quan điểm "non nớt" của John Kerry khi họ đang thảo luận về các vấn đề đối ngoại ngay trên bàn ăn tối.

Sự thật về nguồn gốc của nghị sĩ Kerry - vừa là người nhập cư, vừa là người Mỹ quý tộc có thể giúp giải thích tại sao ông lớn lên khác những đứa trẻ trong các gia đình quyền quý. Ngay từ khi còn bé, John Kerry đã không che giấu tham vọng.

Xét từ bên ngoài, đó là một hoàng tử Mỹ, nhưng bên trong chưa bao giờ thuộc về thế giới quyền quý. Từ đó có thể thấy, các mối quan hệ phức tạp trong gia đình cũng là một lý do tại sao ông gặp khó khăn trong việc kết nối với các thành viên trong Thượng viện.

Hình ảnh của Thượng nghị sĩ John Kerry lại có phần khác lạ so với hình ảnh thường được liên tưởng gắn liền với những người có xuất thân như vậy. Ông đã cố để không phụ thuộc vào tài sản của gia đình quyền quý. Đồng thời, John Kerry cũng chứng tỏ bản thân là một người liêm chính ngay cả khi không ai để mắt tới ông. Ông vừa có thể là một người theo chủ nghĩa lý tưởng và vừa là một người thực tế. Ông từng được ví như người thủy thủ luôn thích thời tiết xấu, người coi thường mọi nhân tố gây mất tập trung và luôn muốn tìm ra đường đi riêng cho mình. Cách tốt nhất để hiểu Kerry chính là theo sát ông khi ông điều khiển con tàu trong sương mù và bóng tối.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chân dung ứng viên ghế Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO