Cha đẻ thuyết “Sức mạnh mềm” đến Việt Nam

Tổng hợp| 07/01/2010 08:27

GS. Joseph Nye sẽ tới Việt Nam trong hai ngày 12 - 13/1 và có buổi thuyết trình trước lãnh đạo diễn đàn 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.

Cha đẻ thuyết “Sức mạnh mềm” đến Việt Nam

GS. Joseph Nye, nhà tư tưởng đối ngoại có ảnh hưởng nhất nước Mỹ nổi tiếng bởi lý thuyết về "sức mạnh mềm" sẽ tới Việt Nam trong hai ngày 12 - 13/1 và có buổi thuyết trình trước lãnh đạo diễn đàn 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.

GS. Joseph Nye, nhà tư tưởng đối ngoại có ảnh hưởng nhất nước Mỹ nổi tiếng bởi lý thuyết về "sức mạnh mềm"

Năm 1990, GS. Nye là người đầu tiên đã đưa ra cụm từ "sức mạnh mềm" trong một cuốn sách viết về sự thay đổi trong bản chất quyền lực Mỹ. Sau đó, học giả chính trị của Havard tiếp tục khái quát hóa và nghiên cứu sâu về "sức mạnh mềm" trong các cuốn sách nổi bật sau này của ông như Sức mạnh mềm - các phương thức để thành công trong chính trị quốc tế. Thuyết "sức mạnh mềm" đã mang đến cho ông rất nhiều "quyền lực mềm".

Năm 2008, cuộc thăm dò TRIP đối với 1700 học giả về quan hệ quốc tế đã xếp Joseph Nye vào danh sách 6 học giả có ảnh hưởng lớn nhất trong 20 năm qua và là nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn nhất tới chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Joseph Nye còn có "quyền lực cứng" khi đã từng nắm những chức vụ cao trong chính quyền như: Cố vấn cho thứ trưởng ngoại giao (1977-1979), chủ tịch nhóm Hội đồng an ninh quốc gia về không phổ biến vũ khí hạt nhân, chủ tịch Hội đồng tình báo quốc gia (1993-1994), cố vấn cấp cao về an ninh quốc tế cho Bộ trưởng quốc phòng dưới thời Clinton.

Tuy nhiên, "sức mạnh mềm" mới thực sự mang tới cho GS Nye ảnh hưởng toàn cầu. Lý thuyết của ông đã nhanh chóng được các chính trị gia và giới nghiên cứu trên toàn thế giới áp dụng trong giai đoạn hậu Chiến tranh lạnh. Ở nước Mỹ, các quan chức trong giai đoạn Tổng thống Bill Clinton nắm quyền thường xuyên trích dẫn cụm từ "sức mạnh mềm" của Nye.

Ở châu Âu, các nhà lãnh đạo EU tận dụng triệt để lợi thế của một khối hòa bình, thống nhất, pháp quyền, dân chủ và nhất thể hóa như một sức mạnh mềm để thu hút các quốc gia khác. Các quốc gia Đông Âu sau chuyển đổi đã không hợp thành khối riêng mà hướng về phía Brussels để tìm kiếm đảm bảo cho tương lai. Sức mạnh mềm đã trở thành thanh nam châm hút những quốc gia kém phát triển hơn như Thổ Nhĩ Kỳ hay Ukraina, buộc họ phải thay đổi chính sách để thích nghi với hệ giá trị mà EU đã xác lập.

Quá trình hội nhập ở Đông Nam Á cũng được ảnh hưởng và thúc đẩy rất nhiều bởi sức hấp dẫn mềm của mô hình Liên minh châu Âu. Liên Hợp Quốc là một tổ chức quốc tế không có sức mạnh cứng để áp đặt nhưng các nhà lãnh đạo của họ cũng đã biết tận dụng vị thế mềm để làm dịu xung đột. GS. Joseph Nye đã viết về điều đó: "Khi Liên Hợp Quốc gần như thất bại trong việc ngăn chặn diệt chủng và xóa sổ sắc tộc ở Rwanda và Kosovo những năm 1990, ông Kofi Annan đã nỗ lực hợp tác với những người khác để thuyết phục các chính phủ thừa nhận trách nhiệm bảo vệ những dân tộc đang gặp hiểm nguy".

Nhà kinh tế học Keynes từng viết: "Tư tưởng của các nhà kinh tế học và các triết gia chính trị học còn có thế lực mạnh hơn là người ta tưởng kể cả khi tư tưởng đó đúng hay sai... Những người có đầu óc thực tiễn cho rằng họ hoàn toàn không bị chi phối bởi bất kì ảnh hưởng của học thuyết nào lại thường là nô lệ của một nhà kinh tế học..." Câu nói ấy đúng với Joseph Nye, những nhà chính trị khắp nơi vẫn đang phát ngôn và hành động theo tư tưởng của ông cho dù có đôi khi họ không hề biết tới người đã khơi nguồn ra chúng.

Sức mạnh mềm không chỉ là thứ vũ khí độc quyền của các cường quốc, các quốc gia nhỏ cũng hoàn toàn có thể tận dụng nó để nâng tầm ảnh hưởng chính trị của mình. GS. Nye từng đề cập tới Nauy như một ví dụ điển hình. Quốc gia chỉ có 5 triệu dân này có chiến lược đối ngoại trở thành trung gian hòa giải các mâu thuẫn, như xung đột ở Trung Đông hay bạo lực ở Sri Lanka. Canada hay Hà Lan cũng phát triển quyền lực mềm thông qua việc hỗ trợ phát triển cho các nước nghèo hơn. Việt Nam không phải là một ngoại lệ. Thực chất, Việt Nam đã chiến thắng trong hai cuộc chiến với hai đế quốc lớn trong thế kỷ XX nhờ nhiều vào "sức mạnh mềm".

Mặc dù đối phương có vũ khí và tiền bạc vượt trội, Việt Nam đã vượt qua và nhận được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế nhờ "vũ khí mềm" là chính nghĩa, khát vọng độc lập thống nhất và lòng yêu nước. Trong giai đoạn đổi mới hiện nay, Việt Nam cũng cần xác định lại "sức mạnh mềm" của mình.

GS. Nye từng cho rằng "sức mạnh mềm" của Việt Nam chính là: khát vọng độc lập tự do nổi danh trong quá khứ và nỗ lực phát triển kinh tế thành công trong hiện tại. Chuyến viếng thăm lần này của nhà tư tưởng đối ngoại hàng đầu nước Mỹ tới Việt Nam sẽ là một cơ hội nữa để những người làm chính sách, nhà ngoại giao, học giả Việt Nam chia sẻ và học hỏi từ ông, nhằm tìm ra những cách thức hiệu quả hơn nữa để khai thác nguồn "sức mạnh mềm" to lớn còn tiềm ẩn của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cha đẻ thuyết “Sức mạnh mềm” đến Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO