Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên: Loa đấu tàu ngầm

LAM HỒNG| 25/08/2015 04:30

Mìn, loa phóng thanh, đạn pháo và tàu ngầm là những nấc thang mới trong căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên: Loa đấu tàu ngầm

Mìn, loa phóng thanh, đạn pháo và tàu ngầm là những nấc thang mới trong căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên.

Đọc E-paper

Căng thẳng leo thang

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên nổ ra khi vào tuần trước, ba quả mìn, được cho là của CHDCND Triều Tiên cài, đã phát nổ và khiến hai lính tuần tra của Hàn Quốc bị thương tại khu trung lập của Khu phi quân sự (DMZ). Để đáp trả, Seoul đã nối lại hoạt động tâm lý chiến, dùng loa công suất lớn dọc biên giới hai nước để tuyên truyền ủng hộ dân chủ, tin tức và nhạc pop... kích động tâm lý binh sĩ và người dân Triều Tiên nổi dậy. Hoạt động này được nối lại sau hơn 11 năm kể từ khi hai bên đạt một thỏa thuận dỡ bỏ loa phát thanh để giảm bớt căng thẳng đã xảy ra, vào năm 2004.

DMZ doanhnhansaigon
Khu phi quân sự chia cắt bán đảo Triều Tiên

Căng thẳng dâng cao khi hai bên nã pháo đáp trả nhau và Triều Tiên đã cho triển khai lực lượng tại biên giới và đặt các đơn vị trong "tình trạng chiến tranh", để sẵn sàng hành động nếu Seoul không ngưng chiến dịch phát loa tuyên truyền. Ngoại trưởng Triều Tiên đe dọa: "Chúng tôi đang đứng bên bờ một cuộc chiến tranh và tình hình không lay chuyển được".

Còn tại miền Nam, chiến đấu cơ Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành những bài diễn tập không kích để thị uy. Lần cuối cùng hai nước láng giềng này rơi vào tình trạng căng thẳng báo động như hiện nay là vào năm 2010, khi Triều Tiên đánh chìm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc và sau đó nã pháo vào đảo Yeonpyeong.

Một cuộc điều tra của Liên Hợp Quốc do Mỹ tìm thấy bằng chứng cho thấy ba quả mìn "gỗ hộp" có xuất xứ từ Triều Tiên và chúng mới được gài gần đây. Hiện chưa rõ hành động này là tự phát hay từ chỉ thị của chỉ huy cao cấp Triều Tiên. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, Triều Tiên có thể đã muốn chọc giận Hàn Quốc trước các cuộc tập trận quân sự hằng năm giữa Hàn Quốc và Mỹ.

Mặt khác, phản ứng quá mức của Hàn Quốc cũng có thể phá hỏng chuyến thăm Bắc Kinh mà bà Park dự kiến bắt đầu từ đầu tháng 9. Trong bối cảnh "người bảo trợ" Trung Quốc ngày càng nguội lạnh với Bình Nhưỡng, các cố vấn của Kim Jong un không hề mong muốn Hàn Quốc xích lại gần Trung Quốc. Như một động thái quen thuộc, Bình Nhưỡng cũng nhân cơ hội này để làm gia tăng căng thẳng, thu hút sự chú ý của quốc tế trước khi đặt ra những điều kiện trao đổi nào đó. Nếu Bình Nhưỡng có thể khiến Mỹ - Hàn thấy rằng họ sẵn sàng trong tình trạng chiến tranh, cơ hội ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ - Hàn sẽ lớn hơn nhiều.

Một số chuyên gia về Triều Tiên cũng cho rằng, Seoul có thể đã hành động "mạnh tay" khi nối lại chiến tranh tâm lý. Khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống, bà Park cho biết muốn mang lại "sự tin tưởng chính trị” để quan hệ với Triều Tiên. Tuy nhiên, có rất ít hoạt động được thực hiện để theo đuổi cam kết này. Thay vào đó, bà Park nói nhiều về sự sụp đổ của chế độ Triều Tiên trong tương lai. "Nếu các cuộc đàm phán diễn ra tốt đẹp, bà Park có thể tạo ra cơ hội để biến một cuộc khủng hoảng thành cơ hội để cải thiện mối quan hệ với Triều Tiên", nhà phân tích Chung-in Moon của Đại học Yonsei ở Seoul nói.

Đây không phải là lần đầu tiên Bình Nhưỡng tuyên bố hủy hiệp ước đình chiến và từng đe dọa sẽ tấn công Hàn Quốc, Mỹ và cả Nhật bằng vũ khí hạt nhân. Sự kiện hai bên nã pháo vào lãnh thổ của nhau có thể coi là "tồi tệ nhất trong năm nay", nhất là trong bối cảnh các hành động của nhà lãnh đạo trẻ Kim ngày càng khó đoán và có tính quyết liệt.

Sau khi đánh chìm tàu hải quân Hàn Quốc trong năm 2010, giết chết 46 thủy thủ, Triều Tiên còn tấn công mạng vào cả Hãng Sony Pictures. Bình Nhưỡng cũng bị cáo buộc giúp Syria xây dựng một lò phản ứng hạt nhân plutonium và giúp đỡ Iran phát triển chương trình tên lửa đạn đạo... Có thể thấy Triều Tiên đang nguy hiểm hơn trong cách thức thu hút sự quan tâm của thế giới bằng các hành động trả đũa nghiêm trọng.

Đứng trước căng thẳng leo thang, các nhà thương thuyết Nam và Bắc đã gặp nhau tại ngôi làng đình chiến Panmujom (Bàn Môn Điếm) và thảo luận cho tới khuya ngày 22/8. Đáng chú ý, cuộc hội đàm đã diễn ra với sự có mặt của Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc Kim Kwan Jin và Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Hong Yong Pyo. Phía Triều Tiên có quan chức quân đội cấp cao Hwang Pyong So và quan chức phụ trách các vấn đề Hàn Quốc Kim Yang Gon.

Bàn Môn Điếm

Tuy nhiên, vào lúc thương lượng diễn ra, một phát ngôn viên bộ Quốc phòng Hàn Quốc báo động nguy cơ xảy ra xung đột quân sự: 70% lực lượng tàu ngầm của Bắc Triều Tiên (trên tổng số 50 chiếc) đã rời các căn cứ. Lực lượng pháo binh dọc biên giới cũng được tăng lên gắp đôi. Phát ngôn viên quân đội Hàn Quốc lên án Bình Nhưỡng "tráo trở, hai mặt, vừa đàm phán vừa huy động lực lượng". Tình hình rất nghiêm trọng vì lần đầu tiên số tàu ngầm Triều Tiên di chuyển về phương nam nhiều gấp 10 lần mức độ bình thường kể từ khi hai bên đình chiến vào năm 1953.

AFP dẫn lời chuyên gia về Triều Tiên Dan Pinkston ở Seoul nêu cùng quan điểm: "Sẽ không dễ dàng gì để có một lối ra mà hai bên không bị mất mặt. Điều thú vị ở đây là để xem Bình Nhưỡng sẽ đưa vấn đề gì lên bàn hội đàm. Đó có thể là việc nối lại chương trình đoàn tụ gia đình để đổi lại việc Hàn Quốc tắt loa".

Thỏa thuận 6 điểm nhằm giảm căng thẳng

Đêm 24/8, hai miền Triều Tiên đã kết thúc các cuộc đàm phán cấp cao kéo dài suốt 43 tiếng tại làng đình chiến Panmunjom với thỏa thuận 6 điểm nhằm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, bao gồm:

- Hàn Quốc và Triều Tiên nhất trí sẽ tiến hành một cuộc đối thoại liên chính phủ tại Seoul hoặc Bình Nhưỡng (Pyongyang) trong thời gian sớm nhất có thể nhằm cải thiện quan hệ liên Triều, cũng như sẽ tiếp tục đối thoại và đàm phán về các vấn đề khác.

- Triều Tiên lấy làm tiếc về việc các binh sỹ Hàn Quốc bị thương trong vụ nổ mìn ở khu phi quân sự (DMZ) bên phía Hàn Quốc thời gian vừa qua.

- Hàn Quốc sẽ ngừng chiến dịch tuyên truyền chống Bình Nhưỡng bằng hệ thống loa phát thanh tại khu vực biên giới bắt đầu từ 0h00 ngày 25/8 trong trường hợp không phát sinh tình trạng bất thường.

- Triều Tiên đồng ý bãi bỏ quân lệnh chuyển quân đội sang trạng thái chiến tranh.

đoàn tụ gia đình Nam - Bắc Triều tiên doanhnhansaigon
Chương trình đoàn tụ gia đình sẽ được nối lại

- Hai miền đồng ý tiến hành cuộc đoàn tụ các gia đình bị li tán trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) vào dịp Trung Thu sắp tới và tiếp tục tổ chức các cuộc đoàn tụ trong tương lai. Tiến hành phiên họp giữa Hội Chữ thập Đỏ hai miền vào đầu tháng Chín tới để chuẩn bị cho các cuộc đoàn tụ này.

- Hai miền đồng ý thúc đẩy giao lưu dân sự giữa hai miền trên nhiều lĩnh vực.

>Triều Tiên gọi vốn đầu tư nước ngoài vào hàng trăm dự án

>Triều Tiên đối mặt nguy cơ bất ổn

>Bán đảo Triều Tiên quá "nóng”

>21 biểu tượng của bán đảo Triều Tiên (Phần 1)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên: Loa đấu tàu ngầm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO