Cái vỗ tay lớn cho Janet Yellen

14/10/2013 02:00

Sau nhiều tháng tranh cãi ai là người xứng đáng ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thay cho Ben Bernanke...

Cái vỗ tay lớn cho Janet Yellen

Sau nhiều tháng tranh cãi ai là người xứng đáng ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thay cho Ben Bernanke, cuối cùng Tổng thống Barack Obama đã xướng lên tên của người được chọn vào hôm thứ Tư (ngày 9/10): Phó Chủ tịch FED Janet Yellen. Bà là phụ nữ đầu tiên trở thành Chủ tịch FED trong lịch sử 100 năm của cơ quan này.

Tổng thống Obama đã chọn Janet Yellen vào vị trí Phó Chủ tịch FED thay cho Ben Bernanke.
>FED giữ nguyên gói QE: Kín đầu, hở chân
>Warren Buffett: “FED là quỹ đầu cơ vĩ đại nhất lịch sử”
>
10 lời khuyên của Ben Bernanke cho sinh viên mới tốt nghiệp
>Vì sao là Ben Bernanke?
>
Mỹ vỡ nợ sẽ gây cú sốc mới cho kinh tế toàn cầu
>Ai đẩy nước Mỹ đến vách đá?

Phản ứng của hầu hết các chính trị gia và nhà kinh tế là tiếng vỗ tay lớn cho sự lựa chọn của Tổng thống Obama. “Bà ấy có bề dày kinh nghiệm không thua kém ai. Tôi tin chắc bà sẽ là một vị Chủ tịch xuất sắc của FED”, Tim Johnson, Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ, nhận xét.

Còn các nhà đầu tư thì thở phào nhẹ nhõm. Họ tin rằng bà sẽ tiếp nối di sản Bernanke để lại và thậm chí có thể sẽ cho phép việc nới lỏng định lượng kéo dài thêm chút nữa.

Bởi lẽ, Yellen là người ủng hộ nhiệt liệt những nỗ lực của FED trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và việc làm qua việc giữ lãi suất ngắn hạn ở mức thấp gần bằng 0 và tung ra chương trình mua lại trái phiếu 85 tỉ USD/tháng.

“Thị trường sẽ cảm thấy thoải mái hơn với một gương mặt quen thuộc như Yellen. Bà ấy hiểu rất rõ về chính sách tiền tệ”, Michael Feroli, chuyên gia kinh tế trưởng về Mỹ tại JPMorgan Chase, nhận xét.

Hiện tại, với tỉ lệ thất nghiệp đang dần giảm xuống còn 7,3% (tháng 8.2013), FED đang cố gắng chuẩn bị tâm lý cho nhà đầu tư khi cơ quan này thu hẹp và tiến đến ngừng hẳn chương trình mua lại trái phiếu 85 tỉ USD/tháng trong thời gian tới.

Nhiều nhà đầu tư nghĩ rằng FED sẽ bắt đầu thu hẹp gói nới lỏng định lượng vào tháng 9 nhưng Bernanke lại quyết định hoãn lại thêm một thời gian nữa do thị trường lao động vẫn chưa phục hồi vững chắc. Nhưng FED cuối cùng rồi sẽ phải thực hiện việc này.

Do đó, thách thức trước mắt của bà là làm sao để FED rút khỏi gói nới lỏng định lượng khổng lồ mà không gây sốc cho đà phục hồi mong manh của nền kinh tế, trong khi đây là công việc chưa từng có tiền lệ.

Thách thức của bà không chỉ có vậy. Một người đứng đầu FED gánh trách nhiệm rất lớn. Không chỉ là chuyên gia kinh tế hàng đầu của đất nước, bà phải khéo léo trả lời các câu hỏi chất vấn của các nhà làm luật tại các buổi điều trần và những câu hỏi của giới báo chí tại các cuộc họp báo của FED. Thách thức lớn hơn cả là bà phải tìm một tiếng nói chung cho ủy ban chính sách FED gồm 19 quan chức cấp cao thường bất đồng ý kiến với nhau.

Với hồ sơ xán lạn của Yellen, hầu hết các chính trị gia và nhà kinh tế đều tin bà sẽ làm tốt vai trò này. Sự nghiệp chinh chiến của bà thực sự rất đáng nể. Bà đã có nhiều năm là Giáo sư tại Đại học California ở Berkeley và là Giáo sư Đại học Harvard. Bà cũng đã lấy bằng Tiến sĩ Kinh tế học tại Đại học Yale.

Kể từ thập niên 1990, bà đã kinh qua nhiều vị trí cấp cao ở FED và Nhà Trắng. Từ năm 2004 đến 2010, bà giữ chức Chủ tịch Ngân hàng dự trữ Liên bang San Francisco. Trước đó, bà từng là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn kinh tế Nhà Trắng dưới thời của Tổng thống Clinton. Năm 2010, Tổng thống Obama đã chọn bà vào vị trí Phó Chủ tịch FED.

“Rất khó để nghĩ ra một sự lựa chọn tốt hơn xét về sự thông minh, tính cách và óc phán đoán tốt, hiểu rõ FED và có kinh nghiệm sâu sắc như Yellen. Bà ấy sẽ là vị Chủ tịch FED rất tuyệt vời”, Alan Blinder, Giáo sư tại Đại học Princeton và nguyên là Phó Chủ tịch FED, nhận xét.

Trong một loạt bài phát biểu năm 2012, bà đã giải thích rõ vì sao lãi suất cần phải giữ ở mức gần bằng 0 cho đến cuối năm 2015. Và trong một phát biểu năm 2011, bà cũng đã thuyết phục hùng hồn cho 2 đợt mua lại tài sản quy mô lớn của FED, vốn ước tính tạo ra 3 triệu việc làm.

Trong thời gian là Phó Chủ tịch FED, Yellen luôn lắng nghe, quan tâm đến ý kiến của các chủ tịch ngân hàng dự trữ liên bang khu vực. Đặc điểm này là tài sản vô giá trong việc xây dựng sự đồng thuận trong các vấn đề chính sách.

Khi Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) tụ họp tại Washington để đi đến các quyết định về chính sách tiền tệ, Yellen thường dùng bữa sáng chung với một vị chủ tịch ngân hàng dự trữ liên bang khu vực, sau đó lại ngồi với một người khác trước khi buổi họp bắt đầu vào buổi sáng.

Theo Robert Eisenbeis, nguyên là Giám đốc Nghiên cứu của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Atlanta, sự thân thiện của bà với các đồng nghiệp cho thấy bà có thể là nhà điều hành giỏi. “Không ai hiểu văn hóa làm việc của FED như bà cả”, Eisenbeis, hiện là chuyên gia kinh tế trưởng về tiền tệ tại Cumberland Advisors (Mỹ), nhận xét.

Trong nhiều năm trời, các nhà làm chính sách tại FOMC không thể đồng thuận về các vấn đề như đưa ra mục tiêu chung cho lạm phát và tỉ lệ thất nghiệp. Nhưng Yellen đã làm được điều đó.

Trong năm 2011 và 2012, Yellen đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp mặt cả qua điện thoại lẫn gặp trực tiếp. Và các cuộc gặp này đã dẫn đến một bước đột phá: Một thông báo ra đời vào tháng 1/2012 mà theo đó, FED cam kết sẽ đạt mức lạm phát 2% trong dài hạn hơn và đưa ra mục tiêu 5,2-6% cho tỉ lệ thất nghiệp.

Một lý do khác để Tổng thống chọn bà vào vị trí Chủ tịch FED là vì “Yellen nổi tiếng là người có óc phán đoán tốt”. Bà là một trong những nhà làm chính sách FED đầu tiên đưa ra lời cảnh báo về bong bóng trên thị trường nhà đất.

Trong một cuộc họp FOMC tháng 5/2007, Yellen đã khuyến cáo những dự báo của FED đã quá lạc quan về giá nhà đất và lo ngại giá sẽ giảm xuống. Trong cuộc họp tiếp theo vào cuối tháng 6, bà một lần nữa khuyến cáo rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế chính là nhà đất.

“Giá nhà sẽ giảm xuống và tỉ lệ vỡ nợ dưới chuẩn sẽ tăng lên, từ đó có thể sẽ lan rộng sang các lĩnh vực khác của thị trường cho vay thế chấp và có thể khơi mào cho một vòng luẩn quẩn nguy hiểm”, bà khuyến cáo.

Với óc phán đoán này và kinh nghiệm điều hành chính sách nhiều năm qua của Yellen, mặc dù sóng gió sắp tới sẽ rất dữ dội, nhưng ít nhất việc lựa chọn Yellen là một tín hiệu lạc quan cho nền kinh tế Mỹ và cho các thị trường tài chính toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cái vỗ tay lớn cho Janet Yellen
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO