Cải tổ WB và IMF: “Thay trụ, đổi cột”

LAM HỒNG| 17/10/2009 01:28

Cuộc khủng hoảng đã buộc hai định chế tài chính lớn nhất thế giới phải đẩy nhanh quá trình cải tổ để theo kịp với những thay đổi trên bản đồ quyền lực kinh tế thế giới.

Cải tổ WB và IMF: “Thay trụ, đổi cột”

Cuộc khủng hoảng đã buộc hai định chế tài chính lớn nhất thế giới phải đẩy nhanh quá trình cải tổ để theo kịp với những thay đổi trên bản đồ quyền lực kinh tế thế giới.

Sức ép BRIC

Tại hội nghị thường niên diễn ra tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ (7/10), cả Ngân hàng Thế giới (WB) lẫn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đều khẳng định sẽ tăng quyền cho các nền kinh tế đang phát triển. Chủ tịch WB Robert Zoellick chỉ ra rằng, tăng thêm quyền biểu quyết cho các nền kinh tế đang phát triển tại định chế tài chính này cũng chính là những thách thức cho WB về vấn đề cải tổ trình tự của kinh tế quốc tế và giúp cho kinh tế trên thế giới phát triển cân bằng hơn.

Trước đó, Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Pittsburgh (Mỹ) đã nhất trí quyền bỏ phiếu của các nền kinh tế đang phát triển tại IMF là 5%. IMF còn cho rằng, bảo đảm cho các nước nghèo về quyền bỏ phiếu là điều quan trọng, cũng như kêu gọi các nước giàu thực hiện lời cam kết viện trợ cho các nước đang phát triển.

Hiện nay, Mỹ chiếm 16,7% quyền bỏ phiếu trong IMF, Liên minh Châu Âu 32%, trong khi đó, các nước đang trỗi dậy như Trung Quốc chỉ 3,6%, Ấn Độ còn ít hơn nữa, 1,8%. Trong những năm gần đây, các nền kinh tế mới nổi (BRIC - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) đạt tăng trưởng kinh tế cao so với các nước phát triển.

Theo báo cáo của IMF, năm 2008, các nền kinh tế mới nổi đóng góp 15% GDP toàn cầu, 13% thương mại và 50% tăng trưởng kinh tế. Thậm chí, trước khi khủng hoảng, theo WB, gần 3/5 tăng trưởng GDP toàn cầu đến từ Ấn Độ và Trung Quốc. Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự đoán, trong 20 năm tới, bốn nền kinh tế này sẽ vượt G7. Theo công thức tính toán của IMF, người khổng lồ châu Á sẽ nắm tới 7,5% cổ phần, thay vì chỉ có 4% hiện nay, đưa nhóm nước này có hạn ngạch trong IMF lớn thứ hai, chỉ đứng sau Mỹ nhưng trước Nhật, Đức, Pháp và Anh.

Tiền, quyền và chính trị

Cuộc khủng hoảng vẫn nhấn chìm nhiều nền kinh tế của thế giới cho thấy không thể không cải cách IMF và WB. Nhiều năm qua, cơ chế ra quyết định của IMF bị chỉ trích là cứng nhắc, thiếu dân chủ và không phản ánh được sự tăng trưởng của những nền kinh tế đang phát triển. Nhiều nước phàn nàn rằng, tuy được trao vai trò điều hành nền kinh tế toàn cầu cùng với WB, song IMF thường ép các nước đang phát triển thực thi những cải cách kinh tế khắc nghiệt nếu muốn vay tiền. Cho đến nay, kể từ khi IMF được thành lập sau Hội nghị Bretton Wood năm 1944, Mỹ vẫn có ảnh hưởng lớn nhất trong IMF, bất chấp cuộc cải cách về quyền bỏ phiếu của 186 nước thành viên đang diễn ra. Lý do chính là Mỹ có quyền phủ quyết với 17% quyền bỏ phiếu trong IMF. Trong khi theo quy chế của thể chế này, mọi quyết định phải được thông qua với 85% số phiếu. Do đó, một cuộc cải tổ thực sự đối với chế độ điều hành IMF trước hết đòi hỏi phải chấm dứt đặc quyền này của Mỹ.

IMF lâu nay thường bị coi là hành động theo lệnh Mỹ, nước giữ cổ phần lớn nhất trong IMF, và các nước đang phát triển coi IMF là công cụ thực hiện chính sách đối ngoại của Mỹ. Tuy nhiên, có một thực tế là hiện tại, chính Mỹ cũng không còn coi trọng IMF, trong khi G20 đang nổi lên như một nhóm đa phương sẽ xử lý các chính sách của nền kinh tế toàn cầu. Vì vậy, Mỹ hiện nay không chống lại sự thay đổi quyền lực tại WB và IMF, mà muốn chuyển bớt quyền bỏ phiếu cho các nước mới nổi. Xu thế này từng được Mỹ thực hiện vào năm 2006, chuyển quyền lực từ những nước phát triển sang những nước đang lên trong khối BRIC. Theo đó, Mỹ đã đồng ý giảm quyền bỏ phiếu tại IMF từ 17% xuống 16,7%.

G20 đã chấp thuận nâng hạn ngạch tại IMF là 5% cho các nền kinh tế đang phát triển. Không ai hy vọng một quyết định chính thức sẽ được thực hiện tại cuộc gặp ở Istanbul, nhưng đây sẽ là chủ đề đàm phán mà IMF sẽ thực hiện trước năm 2011. Mặc dù vậy, đã xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy khó khăn với các tuyên bố khác biệt giữa đại diện châu Âu và đại diện châu Á và Mỹ Latinh. Theo ông Eswar Prasad, một cựu quan chức IMF hiện đang giảng dạy tại Đại học Cornell, châu Âu vẫn ủng hộ sự chuyển đổi trên nguyên tắc nhưng chưa sẵn sàng chấp nhận áp dụng vào thực tế. Hai nước Anh, Pháp chống lại quyền bỏ phiếu vì e ngại mất cân bằng với cả Mỹ và các nước mới nổi.

Giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn nhận định rằng, thế giới đã thay đổi lớn kể từ sau vụ sụp đổ của Lehman Brothers. Tuy nhiên, những gì diễn ra tại cuộc họp ở Istanbul cho thấy rõ, vấn đề chính trị tại hệ thống tài chính quốc tế cần có thêm thời gian để có thể theo kịp với những thay đổi về quyền lực kinh tế mà cuộc khủng hoảng vừa qua đã mang lại.

lIMF và WB ra đời từ sau Hội nghị Bretton Woods, bang New Hampshire (Mỹ) tháng 7/1944, lúc Thế chiến II bước vào giai đoạn cuối. Cơ sở để thành lập hai định chế tài chính này khi đó là hậu quả từ cuộc đại suy thoái toàn cầu năm 1929-1933 vẫn còn, cộng thêm sự tàn phá nặng nề của chiến tranh. IMF được giao nhiệm vụ đảm bảo sự ổn định tài chính toàn cầu. Thế nhưng trong vài thập niên qua, cả hai dần đi chệch trọng tâm sứ mệnh ban đầu và ngày càng bị chính trị hóa. Biểu hiện rõ nét nhất của việc này là chính sách can thiệp vào công việc nội bộ các quốc gia đang phát triển thông qua những điều kiện khắt khe về cải cách thể chế, chống tham nhũng, tự do thương mại...

Giám đốc điều hành IMF Dominique Strauss-Kahn đang vận động để biến thể chế tài chính quốc tế này thành ngân hàng trung ương toàn cầu với số vốn ít nhất 1.000 tỷ USD để cho các nước đang phát triển vay trong trường hợp khủng hoảng. Về cơ bản, IMF đã trở thành một thể chế của G20. Các nhà lãnh đạo G20 cho biết, sẽ lập các quỹ mới trị giá 750 tỷ USD để thông qua IMF hỗ trợ cho các nước có thu nhập thấp và vừa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cải tổ WB và IMF: “Thay trụ, đổi cột”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO