Cách mạng xanh trên lục địa đen

THỤY KHA| 07/04/2016 04:42

Các trang trại của châu Phi đang tiến dần tới một cuộc cách mạng xanh để không chỉ cứu đói người dân mà còn có cơ hội trở thành nơi sản xuất lương thực quan trọng cho thế giới.

Cách mạng xanh  trên lục địa đen

Các trang trại của châu Phi đang tiến dần tới một cuộc cách mạng xanh để không chỉ cứu đói người dân mà còn có cơ hội trở thành nơi sản xuất lương thực quan trọng cho thế giới.

Đọc E-paper

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), nông dân tại Rwanda sản xuất 792.000 tấn gạo vào năm 2014, nhiều hơn ba lần so với năm 2000. Sản lượng ngô, một loại cây trồng quan trọng ở Đông Phi, đã tăng gấp bảy. Rwanda là đặc biệt nhưng không phải là ngoại lệ tại lục địa đen.

Sản lượng ngũ cốc tăng gấp ba lần tại Ethiopia từ năm 2000 đến năm 2014, mặc dù hạn hán nghiêm trọng gắn liền với hiện tượng El Nino khiến sản lượng thu hoạch sụt giảm. Giá trị của cây trồng ở Cameroon, Ghana và Zambia đã tăng ít nhất 50% trong thập kỷ qua; Kenya cũng có kết quả tương tự.

Qua đó, cuộc sống của hàng triệu nông dân châu Phi đã trở nên an toàn hơn. Kết quả này đang chứng minh rằng nông dân có thể được hưởng lợi từ các kỹ thuật nông nghiệp và quản lý cây trồng tốt hơn. Tuy nhiên, các trang trại ở châu Phi vẫn còn ít hiệu quả hơn so với Mỹ Latinh và châu Á. Toàn lục địa xuất khẩu ít nông sản so với Thái Lan. Toàn bộ diện tích đất nông nghiệp hiện nay được sử dụng ở châu Phi mới chỉ là 210 triệu ha so với diện tích đất trồng của châu lục này lên tới 1 tỷ ha.

Châu Phi phải tăng gấp ba sản lượng nông nghiệp từ nay đến năm 2050 để bảo đảm an ninh lương thực cho người dân. Kể từ năm 1961, tổng giá trị của ngành sản xuất nông nghiệp ở châu Phi đã tăng gấp bốn lần. Đây là điều kỳ diệu đã thấy trong "cuộc cách mạng xanh" diễn ra ở Ấn Độ. Nhưng trong khi nông dân Ấn Độ có sản lượng hạt mỗi ha cao hơn, thì ở châu Phi, phần lớn sản xuất chỉ đến từ vùng đất mới và sản lượng còn thấp.

Theo chuyên gia Donald Larson của Ngân hàng Thế giới, cuộc cách mạng xanh của châu Á tương đối dễ thực hiện, vì châu Á chỉ có hai loại cây trồng quan trọng: gạo và lúa mì. Trong khi đó, nông nghiệp châu Phi không đồng nhất nên cần hàng chục cuộc cách mạng xanh khác nhau mới đạt hiệu quả.

Mặt khác, châu Phi còn rất nhiều rào cản trước khi đến được với một cuộc cách mạng xanh thực sự. Chính phủ các nước tại đây thường áp đặt kiểm soát giá cả; phân bón dành cho các nông hộ nhỏ bị tham nhũng và quá thấp khi chỉ đạt 15kg cho mỗi ha đất nông nghiệp mỗi năm ở vùng cận Sahara... Bên cạnh đó, trong năm 2013, Liên Hợp Quốc ước tính, các doanh nghiệp châu Phi xuất khẩu nội khối chịu mức thuế trung bình 8,7%, so với 2,5% các nước ngoài châu Phi.

Từ năm 1998 đến năm 2014, tổng số điểm xung đột ở châu Phi cận Sahara đã giảm từ 55 xuống còn 30. Hòa bình tạo điều kiện cho người dân và chính phủ nhiều nước tập trung phát triển nông nghiệp. Ngoài ra, nhờ các nỗ lực phòng chống dịch bệnh, số người chết vì sốt rét và HIV đã giảm mạnh, giúp cho lực lượng lao động tại đây được tăng cường. Ở những nước như Kenya, công nghệ thông tin cũng trở thành một điểm nhấn khi điện thoại di động có mặt khắp nơi, qua đó, nông dân có thể đăng ký các dịch vụ cung cấp cho họ dữ liệu về giá cả, giống cây, thời tiết...

Nhiều nước châu Phi đã bắt đầu sử dụng nguồn vốn cam kết 22 tỷ USD trong Chương trình an ninh lương thực và nông nghiệp toàn cầu của G8 nhằm hỗ trợ an ninh lương thực của châu Phi. Tiềm năng nông nghiệp của châu lục là rất lớn và nếu được đầu tư, khai thác đúng đắn thì châu Phi không chỉ nuôi sống bản thân mà còn có thể trở thành nguồn cung cấp lương thực chủ chốt cho cả phần còn lại của thế giới.

Tất nhiên, con đường của ngành nông nghiệp châu Phi còn rất dài để đưa lục địa đen này thoát khỏi đói nghèo. Nhưng những gì đang đạt được là một cơ sở để đem lại hy vọng cho một cuộc cách mạng xanh tại đây.

>Thị trường châu Phi: Những rào cản từ bên trong

>Chủ tịch công ty GAP: Mơ về nền nông nghiệp sạch

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cách mạng xanh trên lục địa đen
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO