Các nước phát triển thất thoát 1 ngàn tỉ USD/năm

LÊ NGUYỄN/DNSGCT| 29/12/2014 06:26

Trong gần mười năm qua, cứ mỗi năm, các nước đang phát triển bị tổn thất gần 1 ngàn tỉ USD, chủ yếu bởi nạn trốn thuế, tham nhũng và tội phạm tài chính.

Các nước phát triển thất thoát 1 ngàn tỉ USD/năm

Theo những dữ liệu vừa do tổ chức Liêm chính Tài chính Toàn cầu (GFI) công bố, trong gần mười năm qua, cứ mỗi năm, các nước đang phát triển bị tổn thất gần 1 ngàn tỉ USD, chủ yếu bởi nạn trốn thuế, tham nhũng và tội phạm tài chính.

Đọc E-paper

Đáng nói hơn, hiện tượng này đang diễn biến theo kiểu “năm sau cao hơn năm trước”, chẳng hạn như vào năm 2003, mức tổn thất chỉ khoảng 297 tỉ USD, nhưng đến năm 2012 đã vọt lên 991 tỉ USD, cao gấp hơn ba lần sau chưa đầy một thập niên!

Tuy nhiên, ngay trong thành phần các nước đang phát triển, sự tổn thất nhiều hay ít còn tùy thuộc vào từng nước, từng khu vực.

Tại Trung Đông và Bắc Phi, dòng tiền bất hợp pháp tăng nhanh hơn mức bình quân của thế giới, khoảng trên 24%/năm. Ngay khu vực châu Phi hạ Sahara, một trong những nơi nghèo nhất thế giới, mà sự gia tăng dòng tiền này cũng đã đến 13%/năm.

Những con số đáng lo ngại đó đã làm lu mờ ngân khoản ngoại viện và đầu tư nước ngoài tại các nước đang phát triển. Năm 2012, chúng cao gấp hơn 11 lần tổng số tiền viện trợ phát triển quốc tế đổ vào các nước này.

Theo tìm hiểu của các nhà phân tích, một trong những hình thức gây tổn thất tài chính phổ biến nhất là hành vi trốn thuế của các đơn vị đầu tư, sản xuất tại các nước đang phát triển, đặc biệt là việc cố ý làm sai lệch giá trị nguyên liệu, thành phẩm và các chi phí khác trong quá trình nhập khẩu, sản xuất và xuất khẩu hàng hóa.

Những hóa đơn do họ phát hành được sự đồng thuận của phía cung cấp hay nhận hàng, trong nhiều trường hợp là “người nhà” của họ, để đẩy giá lên cao khi nhập nguyên liệu hay hạ giá thấp khi bán hàng ra.

Hậu quả trước mắt là các nước sở tại, nơi họ đặt cơ sở sản xuất và xuất khẩu bị thất thu những khoản thuế khổng lồ, do dòng tiền đã chảy ngầm ra ngoài nước.

Hiện tượng này đã được cảnh báo từ lâu và nhiều tổ chức quốc tế như nhóm các quốc gia công nghiệp hóa G20, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đang đề ra những sáng kiến nhằm hữu hiệu hóa cơ chế thuế khóa tại các nước đang phát triển, giúp ngăn chặn phần lớn hành vi tẩu tán bớt tài sản chịu thuế.

Theo ước tính của GFI, hơn ba phần tư dòng tiền bất hợp pháp chảy ra khỏi các nước nghèo xuất phát từ hành vi trốn thuế qua hóa đơn mua bán hàng hóa. Một trong những biện pháp đầu tiên sẽ được nhóm G20 áp dụng là tự động chia sẻ các thông tin về thuế khóa giữa các quốc gia trong nhóm từ cuối năm 2015, đồng thời cam kết hỗ trợ các nước đang phát triển về việc này trong tương lai.

Về phần mình, các nước đang phát triển cũng cần tự hoàn thiện hệ thống thuế khóa, để loại trừ các hành vi trốn thuế qua việc làm sai lệch các loại hóa đơn nhập nguyên liệu hay xuất hàng hóa.

Các nhà hoạt động xã hội, các tổ chức phi chính phủ cũng cổ xúy việc đưa hoạt động chống trốn thuế vào Các mục tiêu phát triển bền vững sau 2015 (SDGs), giảm 50% những tổn thất về thương mại sau 15 năm.

Một hội nghị quốc tế sắp được OECD tổ chức trong hai ngày để bàn sâu về vấn đề này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Các nước phát triển thất thoát 1 ngàn tỉ USD/năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO