Các hãng bia Nhật Bản: Cơn khát M&A

THỤY KHA| 19/01/2016 00:40

Asahi Group Holdings - hãng bia lớn nhất của Nhật Bản, đang cân nhắc mua lại hai thương hiệu bia của đối thủ châu Âu trong một động thái có thể châm ngòi cho một cuộc thâu tóm thị trường bia lớn nhất lịch sử.

Các hãng bia Nhật Bản: Cơn khát M&A

Anheuser-Busch InBev (AB InBev - Bỉ), công ty sở hữu 2 nhãn hiệu bia Stella Artois và Corona, đang lên kế hoạch bán nhãn hiệu Peroni và Grolsch để tránh các điều khoản cạnh tranh tại châu Âu liên quan đến thương vụ mua lại đối thủ SABMiller lên đến 107 tỷ USD. Trong khi đó, hãng bia lớn nhất của Nhật Asahi bày tỏ mong muốn mua lại hai thương hiệu bia nổi tiếng này. Thương vụ này được tờ Yomiuri Shimbun định giá khoảng 3,4 tỷ USD.

Các nhà đầu tư tiềm năng khác cho thương vụ này bao gồm Heineken, Molson Coors và C&C Group. Tuy nhiên, Asahi là theo đuổi quyết liệt hơn cả vì theo Makoto Morita, nhà phân tích chứng khoán tại Công ty Daiwa, thông qua vụ mua bán này, hãng bia Nhật sẽ tạo nền tảng vững chắc ở thị trường châu Âu. "Asahi sẽ có chỗ đứng quan trọng tại châu Âu, mở đường cho kế hoạch thúc đẩy doanh số thương hiệu bia Super Dry tại đây", ông Morita nói.

Link bài viết

Trước đó, AB InBev tìm cơ hội mua lại chính đối thủ của Budweiser, nhãn hàng SABMiller. Đây là động thái được coi là mở đường cho chiến dịch thâu tóm hãng bia SABMiller của AB InBev khi mức giá hiện tại đang bị đẩy lên tới 107 tỷ USD. AB InBev qua thương vụ này sẽ có cơ hội đẩy mạnh chiến lược kinh doanh và mở rộng danh tiếng ở khu vực châu Phi cũng như châu Mỹ Latinh.

Theo Reuters, quá trình đàm phán sẽ tiếp tục được diễn ra trong năm 2016 và nếu thương vụ này không thành công vì bất cứ lý do nào, AB InBev sẽ phải chịu khoản chi phí lên tới 3 tỷ USD. Chính vì vậy, AB InBev cho biết sẽ quyết tâm mua lại SABMiller.

Thương vụ với AB InBev của Asahi diễn ra trong bối cảnh các công ty đồ uống khác của Nhật Bản đang tích cực mua vào các tài sản nước ngoài, dưới áp lực phải mở rộng doanh số bán hàng thay thế thị trường nội địa đang thu hẹp lại. Doanh thu ở nước ngoài của Asahi đã tăng 48% giữa năm 2012 và 2014 lên 233 tỷ yên thông qua các vụ thâu tóm, sáp nhập (M&A).

Asahi sở hữu 20% máy bia Thanh Đảo của Trung Quốc và đã trả 1,3 tỷ USD nhằm mua lại hãng bia Independent Liquor của New Zealand. Suntory từng công bố kế hoạch mở rộng thị trường  tại Mỹ thông qua thương vụ mua lại một đối thủ của Mỹ trị giá khoảng 98 tỷ USD.

Nhưng kinh doanh ở nước ngoài không hẳn hoàn toàn tích cực. Chẳng hạn, Kirin đã mua lại Lion Nathan, National Foods, San Miguel Brewery tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Schincariol, hãng bia lớn thứ hai của Brazil. Tuy nhiên, tháng trước, Kirin đã cảnh báo về thua lỗ do gặp khó khăn tại thị trường Brazil. Một số ngân hàng đã cảnh báo rằng các công ty của Nhật Bản có thể trở thành mục tiêu mua lại nếu họ không kết hợp với các đối thủ trong nước hoặc mở rộng hoạt động thị trường nước ngoài.

Vì vậy, thâu tóm các đối thủ ở nước ngoài được các doanh nghiệp Nhật xem là cách để đối phó với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ lớn đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc và cũng là giải pháp để thoát khỏi nền kinh tế trì trệ trong nước. Nhu cầu đối với bia và các loại nước giải khát tại Nhật đã giảm mạnh gần 20 năm qua. Trong thời gian này, lượng bia bán ra từ 5 hãng bia hàng đầu của Nhật đã giảm đến 22%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Các hãng bia Nhật Bản: Cơn khát M&A
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO