Các chủ nhà hàng ở Venezuela sống sót thế nào trong khủng hoảng kinh tế?

THÁI BẢO| 20/09/2018 06:00

Trong tình trạng khủng hoảng kinh tế kéo dài khiến giá thực phẩm tăng cao, hàng loạt nhà hàng và quán ăn tại Venezuela buộc phải xoay sở từng ngày để tồn tại.

Các chủ nhà hàng ở Venezuela sống sót thế nào trong khủng hoảng kinh tế?

Một người đàn ông đi ngang cửa hàng McDonald ở Caracas với mức giá cho một chiếc bánh hamburger là 14.200.000 bolivar

Ông Freddy de Freitas, một chủ nhà hàng tại thủ đô Caracas (Venezuela), cho biết trước đây ông thường đổi giá thực đơn theo mỗi tháng. Thế nhưng, sau những biện pháp điều chỉnh kinh tế quyết liệt của Tổng thống Nicolas Maduro hồi giữa tháng 8, ông phải cập nhật giá hàng tuần. “Nếu bạn không đổi giá kịp, bạn không thể sống sót”, ông Freitas nói.

Ông Freitas là chủ một nhà hàng theo phong cách địa trung hải mang tên Posada de Cervantes. Em trai ông từng phát hiện anh mình tính sai giá thực đơn vì nhầm lẫn mức thuế 16% thành 12%. Đối với ông chủ nhà hàng này, việc theo kịp sự thay đổi chóng mặt trong các khoản thuế của Thổng thống Maduro gần như không tưởng.

Venezuela, đất nước nổi tiếng với nguồn dầu mỏ dồi dào, đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, hệ quả của nhiều năm gồng mình với giá dầu lao dốc. Theo các chuyên gia kinh tế, mức lạm phát ghi nhận được trong tháng 8 là mức cao nhất trong lịch sử quốc gia này. Ngoài ra, đến cuối năm, lạm phát được dự đoán sẽ cán mốc 1 triệu phầm trăm.

Link bài viết

Đối với các chủ doanh nghiệp tại đây, môi trường kinh doanh vốn đã khắc nghiệt của họ đang ngày càng tệ. Nhiều cửa hàng đã phải đóng cửa, số khác buộc phải cân nhắc cắt giảm nhân sự. Hơn 130 quản lý và nhân viên văn phòng đã bị bắt vài tuần vừa qua, bị chính phủ cáo buộc đầu cơ do tăng giá quá cao.

Ông Maduro đã thực hiện nhiều nỗ lực để cân bằng lại nền kinh tế đang chình trong khủng hoảng của Venezuela. Vị tổng thống này đã thử cách bỏ 5 số 0 khỏi đồng bolivar, tăng thuế và thậm chí tăng lương tối thiểu lên gấp gần 30 lần. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng cốt lõi của vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Chính phủ phải thực hiện kiểm soát giá cả, tỷ giá hối đoái, và đặc biệt là việc ngân hàng trung ương in tiền, để tài trợ cho chi tiêu chính phủ.

Rất nhanh chóng, các dấu hiệu cho những biện pháp của ông Maduro tỏ ra không hiệu quả dần xuất hiện. Giá hàng hóa gần như gấp đôi, giá trị mức lương cơ bản rớt từ 30 USD xuống còn 18 USD theo giá chợ đen. Các thực phẩm cơ bản như thịt gà và trứng, vốn được chính phủ kiểm soát, đã biến mất khỏi các siêu thị.

Chuỗi thức ăn nhanh lớn của Mỹ, McDonald’s, đã đóng cửa nhiều cửa hàng của họ tại Venezuela vào cuối tháng 8. Chủ một chuỗi thức ăn nhanh khác nói ông buộc phải sa thải 1/3 trong số 1.800 nhân viên của mình, và đóng cửa ít nhất 15 trong 85 nhà hàng của mình vì giá tăng cao, thiếu nguyên liệu và lương cũng tăng.

Với quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với những chuỗi quán ăn trên, ông Freitas vẫn phải vật lộn từng ngày để duy trì Posada de Cervantes. Thỉnh thoảng, ông trao đổi thực phẩm với các chủ quán khác, thế nhưng nguồn thịt ít ỏi của ông vẫn không đủ để duy trì đến cuối tháng. Phía cung cấp bảo họ không còn gì để bán cho ông nữa. Thịt nằm trong danh sách thực phẩm bị nhà nước quản lý giá và được cho là khó sinh lời cho các doanh nghiệp kinh doanh ở Venezuela.

Số khách đến nhà hàng của ông Freitas chỉ bằng 1/3 cách đây 3 năm. Trong năm nay, họ khó lòng kiếm được chút lợi nhuận nào, ông đã phải vét tiền tiết kiệm của mình để cố gắng duy trì nó.  Thế nhưng, ông Freitas vẫn cho biết mình sẽ tiếp tục nỗ lực để duy trì nhà hàng do cha ông để lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Các chủ nhà hàng ở Venezuela sống sót thế nào trong khủng hoảng kinh tế?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO