Bước đi kinh tế trong kế hoạch chiếm biển của Trung Quốc

04/08/2012 05:12

Đúng như các nhà phân tích dự đoán, sau hai mặt trận đầu tiên là ngoại giao và quân sự, Trung Quốc đang thực hiện bước tiếp theo trên mặt trận kinh tế, cụ thể là đưa hàng ngàn tàu đánh bắt ra vùng biển tranh chấp trên Biển Đông.

Bước đi kinh tế trong kế hoạch chiếm biển của Trung Quốc

Đúng như các nhà phân tích dự đoán, sau hai mặt trận đầu tiên là ngoại giao và quân sự, Trung Quốc đang thực hiện bước tiếp theo trên mặt trận kinh tế, cụ thể là đưa hàng ngàn tàu đánh bắt ra vùng biển tranh chấp trên Biển Đông.

Ngư dân tỉnh Hải Nam đã chuẩn bị dụng cụ đánh bắt và thức ăn dự trữ cho chuyến đánh bắt kéo dài khoảng một tháng tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam sau khi hết hạn cấm đánh bắt mà Trung Quốc tự ý ban hành

Trưa 1/8, tin tức từ các báo Trung Quốc cho biết hơn 1.000 tàu đánh bắt cá ở thành phố cảng Dương Giang, phía tây tỉnh Quảng Đông, đã hướng ra biển sau hai tháng rưỡi thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá, mà theo cục thuỷ sản Biển Đông thuộc bộ Nông nghiệp là để bảo vệ nguồn tài nguyên biển và thúc đẩy nhận thức về môi trường giữa các ngư dân.

Lệnh cấm đánh bắt do Trung Quốc tự ý ban hành có hiệu lực từ ngày 16/5 và kết thúc vào ngày 1/8. Phó chủ tịch tỉnh Quảng Đông cho biết, đã có 14.000 tàu đánh bắt cá đăng ký tại tỉnh này sẽ ra khơi để đến khai thác tại Biển Đông. Trong khi đó, tỉnh Hải Nam đưa ra con số khoảng 9.000 tàu do 35.611 ngư dân nắm giữ cũng sẽ bắt đầu kế hoạch khai thác xa bờ.

Như vậy, có gần 23.000 tàu đánh bắt của Trung Quốc, và dự kiến con số này sẽ tăng lên đến khoảng 30.000 khi các tỉnh khác phục hồi sau cơn bão Saola vừa qua, sẽ vào Biển Đông để khai thác tôm hùm, ốc biển và cá lớn hơn nhiều so với khu vực gần bờ.

Một số thuyền trưởng các tàu có trọng tải hơn 100 tấn cho biết: “Trong suốt hai tháng rưỡi qua, cá con đã lớn hơn. Mỗi năm chúng tôi có vụ thu hoạch từ 10 – 20 tấn sau khi lệnh cấm đánh bắt hết hạn. Sau tháng 9, chúng tôi đánh bắt ở gần vịnh Bắc bộ, Quảng Tây, rồi di chuyển đến quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam) ở “thành phố Tam Sa”. Thuỷ thủ trên tàu đã chuẩn bị tất cả các dụng cụ cho một tháng xa bờ sắp tới”.

Trước đó, tỉnh Hải Nam đã phát động chiến dịch 18 ngày đánh bắt xa bờ ở quần đảo Trường Sa (phía Trung Quốc gọi là Nam Sa). Các ngư dân tại đây còn “ngang nhiên” bày tỏ mong muốn có nhà máy chế biến hải sản ngay tại cái gọi là “thành phố Tam Sa” để tiết kiệm thời gian và tiền bạc của ngư dân!

Để làm vững chắc hơn bước đi “kinh tế”, tập đoàn dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã chính thức mời dự thầu khai thác các lô dầu khí trên vùng biển đang tranh chấp vào cuối tháng 6, các công ty dầu mỏ có thời gian suy nghĩ đến hết tháng 6/2013 để quyết định xem có nên đấu thầu cho chín lô thăm dò và khai thác dầu khí mà Trung Quốc đưa ra trên Biển Đông hay không.

CNOOC cho biết đã nhận được nhiều yêu cầu từ các công ty dầu mỏ nước ngoài, bao gồm cả các công ty Mỹ, trong khi khu vực có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt phong phú vào loại bậc nhất thế giới này đang được các quốc gia như Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia tuyên bố chủ quyền. 

Tuy nhiên, các công ty nước ngoài dù có háo hức muốn biến vùng biển này thành nguồn lợi nhuận khổng lồ thì cũng e dè về mặt pháp lý và an toàn mà Bắc Kinh có thể đảm bảo cho họ.

Ông Stephanie Kleine-Ahlbrandt, giám đốc nhóm Khủng hoảng quốc tế khu vực Đông Bắc Á, cho rằng:

“Hoạt động thăm dò năng lượng trong vùng biển tranh chấp sẽ dẫn đến ngày càng nhiều hơn các hoạt động ngoại giao, và có khả năng gây đụng độ về khảo sát và pháp lý, mặt trận mà Trung Quốc được xem là yếu thế hơn, mặc dù vậy nó sẽ ít khả năng dẫn đến đối đầu quân sự. Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh quyết định đi sâu vào khai thác các khu vực này thì tình hình có thể thay đổi”. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bước đi kinh tế trong kế hoạch chiếm biển của Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO