Bí ẩn thành quả kinh tế Triều Tiên

THÁI DUY| 27/07/2017 08:50

Bất chấp các áp lực ngoại giao và lệnh cấm vận kinh tế từ Liên Hiệp Quốc, Triều Tiên dưới thời lãnh đạo Kim Jong Un vẫn cho thấy sự phát triển kinh tế đáng kinh ngạc.

Bí ẩn thành quả kinh tế Triều Tiên

Bất chấp các áp lực ngoại giao và lệnh cấm vận kinh tế từ Liên Hiệp Quốc, Triều Tiên dưới thời lãnh đạo Kim Jong Un vẫn cho thấy sự phát triển kinh tế đáng kinh ngạc. 

Đọc E-paper

Hãng tin Reuters ngày 21/7 dẫn số liệu từ Ngân hàng trung ương Hàn Quốc cho biết, nền kinh tế Triều Tiên đã phát triển đỉnh điểm trong 17 năm qua.

Trong năm 2016, kinh tế Triều Tiên tăng trưởng 3,9%, tốc độ nhanh nhất trong 17 năm, tính từ thời điểm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này đạt tốc độ 6,1% năm 1999. GDP Triều Tiên năm 2016 đạt 32 ngàn tỷ won (tương đương 28,5 tỷ USD), trong đó sản xuất và khai thác mỏ là những ngành trụ cột, đóng góp tỷ lệ 33,2%.

Phía Triều Tiên, một quốc gia được cho bí ẩn, không công bố dữ liệu kinh tế của họ. Nhưng Hàn Quốc mỗi năm vẫn đều đặn thống kê về người hàng xóm không thân thiện này từ năm 1991 tới nay, chủ yếu dựa vào nguồn tin tình báo và Cơ quan Thống nhất Liên Triều. Cũng theo báo cáo vừa qua, Trung Quốc tiếp tục là đối tác số một của Triều Tiên, với xuất khẩu tăng 4,6%, nhanh nhất kể từ 11,8% của năm 2013.

Những thống kê trên đây càng khiến nhiều người ngạc nhiên hơn nếu nhìn vào thực tế rằng, Triều Tiên đã gánh chịu áp lực thậm chí còn lớn hơn bao giờ hết, kể từ khi chịu lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc năm 2016, liên quan tới chương trình hạt nhân của nước này.

>>Năm 2016, kinh tế Triều Tiên tăng trưởng nhanh nhất 17 năm qua

Những thông tin hiếm hoi về sự phát triển của Triều Tiên cũng tương xứng với thống kê. Tuần trước, trang 38North, nguồn tin khá uy tín về Bình Nhưỡng, đã có bài phân tích khá sâu về câu chuyện này. Nổi bật nhất trong nền kinh tế Triều Tiên là biểu tượng phát triển ở thủ đô Bình Nhưỡng, mà 38North gọi là "bùng nổ xây dựng".

Lấy ví dụ, khách sạn Ryugyong cao 105 tầng ngay tại trung tâm Bình Nhưỡng là minh chứng cho một thành phố lộng lẫy trái ngược với suy nghĩ của nhiều người. Cũng như hồi năm 2012, khi chứng kiến 18 tòa nhà cao đến 48 tầng tại Bình Nhưỡng, nhiều nhà ngoại giao còn gọi đây là "Pyonghattan", lấy theo tên khu Manhattan của thành phố New York (Mỹ).

Có nhiều đồn đoán về sự phát triển của Triều Tiên, thậm chí cho đó là "vỏ bọc" để tuyên truyền của chính phủ. Tuy nhiên đến khi cả Hàn Quốc lẫn phương Tây đều nhìn thấy sự phát triển qua con số thực tế, thì tất cả lại dẫn tới một câu hỏi: Tại sao Triều Tiên lại phát triển bất chấp cấm vận, và như thế lệnh cấm vận này có hiệu quả hay không.

Nhiều giả thuyết đã được đặt ra. Thứ nhất, Triều Tiên có thể đã xây dựng các công trình do nhà nước quản lý, tích lũy từ sự đóng góp của người dân. Thứ hai, chi tiêu cho quốc phòng đã được tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng và giúp đỡ cuộc sống người dân. Và cuối cùng, đơn giản là Triều Tiên... phát triển thật.

Dù sao đi nữa, những thông số tích cực về nền kinh tế Triều Tiên có thể sẽ đặt dấu hỏi đối với những biện pháp cấm vận lâu nay. Mà trước hết, Trung Quốc sẽ chịu thêm áp lực từ các bên, vì đây vẫn là đồng minh số một của Bình Nhưỡng.

>>Đầu tư tại bán đảo Triều Tiên: Mất niềm tin

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bí ẩn thành quả kinh tế Triều Tiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO