Bầu cử TT Mỹ: Cuộc đấu trí căng thẳng bắt đầu

ĐÌNH NAM tổng hợp - DNSGCT| 16/10/2012 05:11

Chính trường Hoa Kỳ đang nóng lên, thu hút sự quan tâm không chỉ của người dân xứ cờ hoa mà của cả nhiều nước trên thế giới.

Bầu cử TT Mỹ: Cuộc đấu trí căng thẳng bắt đầu

Chính trường Hoa Kỳ đang nóng lên, thu hút sự quan tâm không chỉ của người dân xứ cờ hoa mà của cả nhiều nước trên thế giới. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2012 đã bước vào giai đoạn quyết liệt với việc hai ứng viên vừa hoàn tất một trong ba cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình.

Đọc E-paper

Hôm 3/10 vừa qua, đương kim Tổng thống Barack Obama và đối thủ thuộc đảng Cộng hòa Mitt Romney, cựu thống đốc bang Massachusetts, đã có buổi tranh luận đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống năm nay.

Trong vòng ít tháng qua, Obama đã tạo được khoảng cách trước Romney dù mong manh. Đương kim tổng thống hiện đang dẫn trước ứng viên Cộng hòa trong các cuộc thăm dò dư luận trên toàn quốc, cũng như trong nhiều cuộc thăm dò mới đây ở các bang vốn có vai trò quyết định kết quả cuộc bầu cử sắp tới.

Cuộc tranh luận ngày 3/10 tại Đại học Denver là lần đầu tiên cử tri trên khắp nước Mỹ chứng kiến Obama và Romney xuất hiện trên cùng sân khấu. Với các cử tri, các cuộc tranh luận trực tiếp sẽ cung cấp cho họ cơ sở để thẩm định lại hoặc đưa ra sự quyết định cuối cùng lựa chọn tổng thống cho nhiệm kỳ bốn năm sắp tới. Còn đối với hai ứng viên thì đây cũng là cơ hội để họ giới thiệu về bản thân một lần nữa trước công chúng.

Mặc dù có quá trình tranh cử kéo dài nhưng hai ứng viên đều khá lạ lẫm với nhau, bởi trong thực tế cả hai chỉ mới gặp nhau ba hay bốn lần trước đây mà thôi. Ông Obama từng có nhiều kinh nghiệm tranh luận từ chiến dịch năm 2008, nhưng trên cương vị một tổng thống đương nhiệm, thách thức lại mới hơn và cũng nhiều hơn bội phần.

Chỉ vài ngày trước khi đứng trên bục tranh luận, ông Obama đã phải bay tới Nevada vài hôm để thực hành tránh “phân tâm” khi nhóm trợ lý phát hiện ông có biểu hiện mất tập trung trong một buổi lễ kỷ niệm. Trong cuộc tranh luận kéo dài một tiếng rưỡi được trực tiếp truyền hình đến người dân Mỹ, hai ứng viên đã đấu nhau trên các lập trường về thuế khóa, cải cách y tế và vai trò chính phủ.

Ông Romney cáo buộc Obama theo đường lối “chính phủ chi tiêu”, nhấn mạnh đến tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao của Mỹ và khẳng định rằng với kinh nghiệm trên thương trường bản thân ông Romney có thể xoay chuyển tình thế của kinh tế Mỹ.

Về phần mình, Obama nói rằng đối thủ của ông không đưa ra được gì nhiều ngoại trừ lặp lại các chính sách truyền thống của đảng Cộng hòa từng thất bại và gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế hồi năm 2008 và cáo buộc đối thủ sẽ “nhân rộng” các chính sách kinh tế dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush.

Tuy nhiên, theo nhận định của giáo sư chính trị học Susan McManus thì “Obama hơi có hội chứng của các tổng thống tại nhiệm, quá tự tin vào bản thân và không chuẩn bị đầy đủ”. Đối mặt với ứng cử viên tổng thống sắp mãn nhiệm, ông Mitt Romney tuy được coi là người khó có khả năng thắng cuộc trong cuộc bỏ phiếu sắp tới nhưng đã tỏ ra ở thế thượng phong trong cuộc tranh luận.

Biên tập viên Bắc Mỹ của đài BBC Mark Mardell nhận xét ông Romney trong buổi tranh luận này có vẻ sôi nổi, chủ động lý lẽ và có lúc nói át đi người điều phối. Ngay sau khi kết thúc cuộc tranh luận, kết quả điều tra dư luận chớp nhoáng của hãng truyền thông CNN cho thấy có đến 67% người được hỏi đã nhận định rằng ông Romney thắng thế trong màn đấu khẩu trực diện này.

Một cuộc điều tra dư luận khác của hãng CBS cũng đưa kết quả tương tự, 46% người được phỏng vấn cho rằng ông Romney thể hiện thuyết phục hơn. Tuy nhiên cả hai hãng truyền hình cùng nhấn mạnh rằng kết quả này chỉ giới hạn trong số những người theo dõi cuộc tranh luận trên truyền hình.

Còn nhóm thân cận với ông Romney vẫn tỏ ra thận trọng và khẳng định cục diện của cuộc tranh cử hiện vẫn chưa thay đổi. Hai cuộc tranh luận tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 16 và 22/10. Chỉ còn hơn ba tuần nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống nhưng vẫn chưa cho thấy thắng lợi rõ ràng thuộc về ứng cử viên nào, ít nhất là qua kết quả báo cáo từ hàng chục hãng thăm dò dư luận đã mạnh tay chi hàng triệu đôla để bắt mạch cử tri mỗi ngày.

Phần lớn tỷ lệ chênh lệch giữa hai ứng viên đều nằm trong sai biệt xác suất thống kê 4% không mấy ý nghĩa bởi tùy thuộc vào khoảng một chục bang được đánh giá là “xôi đậu”. Điểm bất lợi lớn nhất cho ông Obama là tình hình kinh tế Mỹ hiện nay. Ngày nhậm chức bốn năm trước đây, Tổng thống Obama nhận lãnh một gia tài khủng hoảng kinh tế “lớn nhất thế kỷ” từ người tiền nhiệm là Tổng thống Bush và đến nay tình hình tiếp tục tồi tệ với mức thâm thủng ngân sách và công nợ ở mức kỷ lục.

Trong quý II vừa qua, tăng trưởng kinh tế vẫn chỉ là 1,5%, thất nghiệp ở mức 8,1% và mới giảm xuống 6,5% trong tuần lễ này. Nhưng công bằng mà nói, ứng viên Obama cũng có nhiều điểm thuận lợi, đó là người dân Mỹ thường khá kiên nhẫn và chấp nhận cho tổng thống đương nhiệm có thời gian để làm việc, nhất là khi ông Obama đã từng thuyết phục hữu hiệu cử tri rằng ông đã đạt được nhiều tiến bộ trước những khó khăn cực lớn và đang đi đúng hướng.

Ông Obama cũng có vẻ ôn hòa, vị tha, gần gũi cử tri hơn triệu phú Romney. Điểm bất lợi của ứng viên Romney là phải chạy đua với một đương kim tổng thống được sự tiếp sức công khai, mạnh mẽ của khối truyền thông với những tờ báo lớn nhất nước Mỹ và các đài truyền hình chính, trong đó có CNN.

Một ví dụ điển hình: khi hai cơ quan thăm dò là Gallup và Rasmussen đưa kết quả hai ứng viên bằng tỷ lệ hay hơn thua nhau chỉ 1 - 2% thì các báo đưa những hàng tít lớn như sau:

-Washington Post: Tại sao Obama đang thắng?

- The New Republic: Không quá sớm để khẳng định cuộc tranh cử của Romney đã hết.

- The New Yorker: Màn kết của Romney.

- New York Times: Khó tưởng tượng được Romney sẽ thắng.

Một lợi điểm khác của Tổng thống Obama là sự thành công gần đây về kinh tế tại một số bang mà, trớ trêu thay, vị thống đốc lại thuộc đảng Cộng hòa. Trong số 17 bang thuộc dạng này tỷ lệ thất nghiệp đều giảm toàn diện từ 2,4% đến 0,6%, trong đó có tám bang thuộc loại “xôi đậu” chưa biết cử tri ủng hộ đảng nào.

Điều này giúp ông Obama hóa giải phần nào hình ảnh thất bại kinh tế khiến cử tri chống đối trước đây. Chỉ cần ba bang Florida, Ohio và Pensylvania tập trung bầu cho ứng viên Obama thì hy vọng của ông Romney xem như tan thành mây khói. Một lợi thế nữa là 15 triệu người thất nghiệp và hơn 45 triệu người lãnh phiếu thực phẩm hiện rất thoải mái nhận tài trợ của chính phủ, tất nhiên lực lượng cử tri đông đảo này không muốn có sự thay đổi nào về chính sách xã hội đang có lợi cho họ.

Cũng đừng quên yếu tố màu da trong cuộc bầu cử, kể cả những người da trắng cấp tiến e ngại là có thành kiến kỳ thị, sẽ ủng hộ cho vị tổng thống đương nhiệm. Tuy ông Obama đang có ưu thế tương đối, nhưng nếu ông Romny vận động được khối cử tri bảo thủ thì vẫn có cơ hội, như cựu Tổng thống Bush trước đây đã từng thắng hai nhiệm kỳ liền.

Tại Ohio, cử tri ghi tên đi bầu lần này đã giảm 500.000 người so với kỳ bầu cử năm 2008 mà phần lớn trong những địa bàn cử tri Dân chủ. Các bang khác cũng tương tự vì cử tri Dân chủ đã mất sự phấn khởi của bốn năm về trước. Thế nhưng, trong các kỳ bầu cử tổng thống Mỹ, mọi bất ngờ đều có thể xảy ra, cho dù các cuộc thăm dò trước đó có đưa ra dự đoán gần như chắc chắn về một kết quả nào đó.

Bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra thế nào?

Bầu cử tổng thống ở Mỹ thường được tổ chức vào ngày thứ Ba sau ngày thứ Hai đầu tiên trong tháng 11.

Về mặt kỹ thuật thì cá nhân các cử tri Mỹ (voter) không trực tiếp bầu tổng thống. Lá phiếu của họ gọi là phiếu phổ thông và việc của họ là chọn ra đại diện cử tri hay còn gọi là Đại cử tri (Elector), tức những người đã tuyên bố rõ ủng hộ ứng viên này hay ứng viên kia.

Những Đại cử tri nói trên hợp thành Cử tri đoàn (Electoral College). Tùy thuộc vào dân số mà mỗi bang của Mỹ có một số Đại cử tri nhất định trong Cử tri đoàn này. Do đó ở hầu hết các bang, ứng viên nào được nhiều nhất phiếu phổ thông (popular vote) thì cũng nhận được toàn bộ phiếu của Cử tri đoàn bang đó.

Bang đông dân nhất nước Mỹ California cũng là bang có nhiều phiếu Đại cử tri nhất: 55 phiếu. Trong khi đó, một số bang nhỏ dân cư thưa thớt thì chỉ có 3 phiếu Đại cử tri.

Tổng cộng nước Mỹ có 538 Đại cử tri trong Cử tri đoàn. Để trở thành tổng thống, một ứng viên cần hội đủ tối thiểu 270 phiếu trong Cử tri đoàn.

Chính do hệ thống bỏ phiếu này, một ứng viên chỉ cần đạt được đa số phiếu của Cử tri đoàn là có thể bước vào Nhà Trắng, dù không nhận được đa số phiếu phổ thông (popular vote), như trong cuộc bầu cử năm 2000 khi ông George Bush thuộc đảng Cộng hòa thắng đối thủ Al Gore của Dân chủ.

Năm đó, ứng viên Al Gore giành được 48,38% phiếu phổ thông cả nước so với 47,87% của ông George Bush. Tuy vậy Al Gore vẫn phải nhường bước cho ông Bush vào Nhà Trắng, bởi ứng viên Cộng hòa này nhận được 271 phiếu Đại cử tri trong khi Al Gore chỉ được 266 phiếu.

Bang quyết định chuyện thắng thua này là Florida, nơi mà toàn bộ 25 Đại cử tri đều bỏ phiếu cho Bush, bất chấp việc chênh lệch phiếu phổ thông tại Florida của hai ứng viên chỉ là 537.

Trước đó hơn một thế kỷ, trường hợp này cũng từng xảy ra trong bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm 1888, khi ứng viên Benjamin Harrison trở thành tổng thống Mỹ nhờ giành đa số phiếu Đại cử tri mặc dù thua đối thủ là Grover Cleveland về số phiếu phổ thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bầu cử TT Mỹ: Cuộc đấu trí căng thẳng bắt đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO