Bầu cử tổng thống Pháp: Người Pháp đang phân hóa?

THÁI DUY| 08/03/2017 09:00

Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp đang vào giai đoạn căng thẳng, và đặc biệt kịch tính khi nhiều ứng viên sáng giá có quá nhiều tai tiếng.

Bầu cử tổng thống Pháp: Người Pháp đang phân hóa?

Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp đang vào giai đoạn căng thẳng, và đặc biệt kịch tính khi nhiều ứng viên sáng giá có quá nhiều tai tiếng.

Đọc E-paper

"Này, các anh chị đừng bắt chúng tôi phải nằm mơ”, trang Eurasia Times tuần trước dẫn lời một nhà hoạt động trong chiến dịch vận động đòi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama... ứng cử tổng thống Pháp.

Phong trào trên lấy khẩu hiệu "Oui, on peut", tức cụm từ "Yes, we can" (Vâng, chúng ta có thể) trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ của ông Obama năm 2008, và dẫu phi lý, nó quy tụ được tới 42.000 chữ ký trực tuyến tính đến giữa tuần trước.

Bê bối trên chính trường Pháp

Tất nhiên ông Obama không thể tranh cử tại Pháp năm nay, nhưng câu chuyện này phản ánh sâu sắc thái độ thất vọng của ít nhất hàng chục ngàn người Pháp đối với những ứng viên tại nước mình. Năm nay, Pháp hầu như không thể tìm ra gương mặt nào nổi trội để kế nhiệm Fran-cois Hollande - người sắp mãn nhiệm và không ra tranh cử.

Còn hơn một tháng nữa quá trình bỏ phiếu sẽ bắt đầu (23/4), nhưng những gì các ứng viên tổng thống Pháp được thể hiện trên mặt báo chỉ có thể gói gọn trong hai từ: bê bối.

Francois Fillon, ứng viên nổi bật của đảng Cộng hòa, đang đứng trước sức ép rất lớn vì vụ "PenelopeGate". Vợ của ông Fillon bị phát hiện đã nhận thù lao hàng trăm ngàn euro cho một công việc, nhưng thực tế bà chẳng làm ngày nào. The Guardian tuần trước cho hay nhiều nghị sĩ và thượng nghị sĩ gây sức ép kêu gọi ông Fillon rút lui, vì cho rằng ông sẽ dẫn nước Pháp tới "vực thẳm".

Thierry Solere, người phát ngôn và là một trong những nhân vật thân cận nhất của ông Fillon, trở thành một trong 70 chính trị gia dân biểu đình công cuối tuần trước, chạy khỏi "con tàu đắm của Fillon" như cách những người ủng hộ miêu tả.

Bất chấp ông Fillon vẫn "nói cứng", thậm chí khẳng định "sai lầm của tôi quá nhỏ bé so với lợi ích nước Pháp", cuộc khảo sát của Odoxa gần nhất cho thấy 70% cử tri nghĩ rằng chính trị gia 62 tuổi này không nên tiếp tục cuộc đua vào ghế tổng thống.

Ông Fillon là một trong ba ứng viên sáng giá nhất bên cạnh bà Marine Le Pen của Đảng Mặt trận Quốc gia (FN) và ông Emmanuel Macron của Đảng Xung phong (En Marche!). Tuy nhiên, bà Le Pen đang gặp rắc rối lớn vì một nội dung trên mạng xã hội từ tháng 12/2015, với bức ảnh diễn tả tội ác ghê rợn của Nhà nước Hồi giáo (IS).

Các công tố viên đang điều tra vụ việc vì cho rằng bức ảnh chặt đầu ấy là hành động vi phạm quy định "đăng tải những hình ảnh bạo lực", vốn có thể bị phạt tù 3 năm. Hiện cơ quan điều tra đang theo hướng tước luôn quyền miễn trừ truy tố của bà Le Pen.

>>Bầu cử Tổng thống Pháp: Chủ nghĩa dân túy "lên ngôi"

"Obama và Trump" phiên bản Pháp

Nếu không kể những ứng viên khác, nghiễm nhiên người "sạch sẽ” nhất và sáng giá nhất lúc này là ông Emmanuel Macron của El Marche!. Chính trị gia trẻ tuổi này đã không bỏ lỡ cơ hội giương cao ngọn cờ đòi "làm sạch chính trường Pháp", "chấm dứt chủ nghĩa dung túng và mâu thuẫn lợi ích", theo The Guardian.

Macron là cựu bộ trưởng kinh tế, một nhân vật mới thành lập phong trào chính trị năm ngoái, nhưng được đánh giá là ngôi sao mới trên chính trường Pháp. Tài năng ở lĩnh vực tài chính, ngân hàng và kinh nghiệm kinh tế của Macron là một điểm cộng. Thêm vào đó, tuổi tác vừa là điểm yếu, nhưng cũng được đánh giá tích cực ở một góc độ nào đó, nếu người Pháp muốn tìm kiếm sự đổi mới, trẻ trung.

Theo các hãng thống kê, ông Macron đang được đánh giá cao nhất. Chuyên gia phân tích chính trị châu Âu Emmanuelle Schon-Quinilivan nói với CNN: "Đây là một chiến dịch hướng về Macron. Anh ấy là Obama, một sự thay thế cho Le Pen đối với những người nghĩ rằng chúng tôi đã cố thử mọi thứ nhưng không muốn bà Le Pen lên lãnh đạo".

Tại Pháp, bà Le Pen được cho là một bản sao của Tổng thống Mỹ Donald Trump, với những chính sách ưu tiên người Pháp, phản đối tình hình nhập cư quá nhiều. Ngược lại ông Macron ôn hòa hơn và được so sánh với Barack Obama. Theo dự đoán lâu nay, bà Le Pen gần như chắc chắn vượt qua vòng bầu cử đầu tiên, nhưng ông Macron sẽ chiến thắng ở vòng hai.

Chưa ai biết những chính sách cụ thể của Macron, vốn dự kiến được đưa ra trong tuần này. Trong khi đó bà Le Pen là ứng viên đầu tiên có đề xuất chính sách cụ thể, bao gồm cắt giảm nhập cư, áp thuế nhập khẩu và tiền lương của lao động nước ngoài, đưa Pháp ra khỏi hệ thống đồng tiền chung của Liên minh châu Âu (EU) và thậm chí tổ chức trưng cầu về việc Pháp rời EU, theo The Guardian.

"Vào lúc này, tất cả phụ thuộc vào việc mọi người sẽ hành động ở vòng hai, vì người đứng lên đi ngược lại với Le Pen sẽ là tổng thống tiếp theo" - chuyên gia Schon-Quinilivan khẳng định.

>>Tấn công dồn dập tại Pháp, Đức: Vì tôn giáo hay bức bối xã hội?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bầu cử tổng thống Pháp: Người Pháp đang phân hóa?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO