Bất đồng chia rẽ kinh tế thế giới tương lai

LAM HỒNG| 17/07/2014 08:25

Cả phương Tây và Trung Quốc đang bỏ qua các cơ hội phát huy tính hiệu quả của Hiệp định Bretton Woods, ký kết cách đây 70 năm, nhằm giúp nền kinh tế thế giới ổn định hơn.

Bất đồng chia rẽ kinh tế thế giới tương lai

Cả phương Tây và Trung Quốc đang bỏ qua các cơ hội phát huy tính hiệu quả của Hiệp định Bretton Woods, ký kết cách đây 70 năm, nhằm giúp nền kinh tế thế giới ổn định hơn.

Đọc E-paper

Tập Cận Bình trong Đối thoại Chiến lược và Kinh tế thường niên kết thúc sau hai ngày (9 và 10/7) đàm phán mà không thể gạt bỏ được các khác biệt

Trước khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, các nước đồng minh đã tính tới việc xây dựng một hệ thống tiền tệ quốc tế nhằm thúc đẩy các quan hệ tiền tệ và thương mại quốc tế.

Vào năm 1944, một hội nghị quốc tế được nhóm họp tại Bretton Woods (Mỹ), với sự tham gia của đại diện 44 quốc gia, thoả thuận hình thành hệ thống tiền tệ quốc tế Bretton Woods. Hệ thống này duy trì tỷ giá hối đoái cố định trong ngắn hạn, giá USD được cố định với vàng là 35 USD/ounce. Việc cố định tỷ giá USD với vàng đã tạo lòng tin cho cả thế giới vì Mỹ vào thời điểm đó chiếm 70% dự trữ vàng của thế giới.

Mặc dù không hoàn hảo nhưng Hiệp định Bretton Woods, ký kết cách đây 70 năm, đã mở ra một thời gian dài tăng trưởng kinh tế thế giới. Hệ thống hoạt động với sự thành công rõ ràng và đáng ghi nhận, trong suốt những năm từ 1947 đến 1971 chỉ xảy ra một số lần điều chỉnh.

Hiệp định này cuối cùng bị lãng quên và USD không còn được chuyển đổi sang vàng. Bởi vì, tới năm 1973, tiền tệ của các nước công nghiệp lớn được lưu hành tự do hơn bởi chúng phần lớn được kiểm soát bằng nguồn lực cung và cầu. Bên cạnh đó, sự lưu chuyển ngoại tệ tăng mạnh, từ 70 tỷ USD mỗi ngày trong những năm 1980 tới hơn 1,5 ngàn tỷ USD vào hai thập niên sau đó.

Sau 70 năm, người ta lại đang nhớ về thời bình yên của mô hình Bretton Woods. Kinh tế thế giới đang hồi phục chậm chạp sau khủng hoảng 2008 và 2010, tốc độ tăng trưởng và việc làm không ổn định, còn các cải cách của phương Tây và Mỹ dường như tê liệt. Mỹ và châu Âu đã thất bại trong việc tăng cường và cải cách "con đẻ” của Bretton Woods là định chế Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).

Chẳng hạn, Quốc hội Mỹ đã bỏ lỡ cơ hội thông qua các cải cách IMF liên quan đến phân phối lại cam kết tài chính của Mỹ dành cho IMF khi các thành viên Ủy ban Chuẩn chi Thượng viện cho rằng "quá nhạy cảm chính trị trong một môi trường ngân sách căng thẳng". Các nước đang phát triển luôn quan sát IMF với thái độ ngờ vực vì các quyết sách của IMF luôn bị coi là hoàn toàn bị Mỹ và phương Tây chi phối.

Khi sự thất vọng gia tăng và lòng tin vào sự lãnh đạo của Mỹ giảm xuống, những mối quan tâm về các thỏa thuận thay thế một lần nữa nổi lên. Lãnh đạo nhiều nền kinh tế khác tin rằng thế bế tắc hiện nay sẽ tạo ra động lực mới cho các thỏa thuận thay thế mang tính khu vực, chẳng hạn như Sáng kiến Đa phương hóa Chiang Mai (CMIM).

Bộ trưởng Tài chính Nga ngày 9/7 cho biết, các nước trong nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ,Trung Quốc và Nam Phi) đã sẵn sàng ký kết việc thành lập ngân hàng phát triển của nhóm. Trong giai đoạn đầu, ngân hàng này sẽ có một ngân quỹ 10 tỷ USD và có thể tăng lên đến 100 tỷ USD. Năm 2013, nhóm BRICS đã tiết lộ dự án thành lập một ngân hàng phát triển và một quỹ tiền tệ canh tranh với WB và IMF mà họ cho là họ không được đại diện một cách hợp lý.

Với dự trữ ngoại tệ khổng lồ, Trung Quốc cũng có kế hoạch riêng thành lập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng Châu Á (AIIB) nhằm cạnh tranh với Ngân hàng Phát triển Châu Á hiện do Mỹ và Nhật Bản dẫn đầu. Trung Quốc đã chính thức đề nghị Hàn Quốc tham gia ngân hàng AIIB và Seoul đã phản ứng tích cực. Hàn Quốc nói rằng một ngân hàng như vậy có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế khu vực và Seoul có thể cân nhắc đề nghị của Bắc Kinh.

Như vậy, thay vì tìm ra được tiếng nói chung như Hiệp định Bretton Woods đã mang lại, những nền kinh tế có ảnh hưởng nhất lại đang chia rẽ và cạnh tranh lẫn nhau. Nếu nhà kinh tế học ảnh hưởng nhất của thế kỷ XX John Maynard Keynes còn sống, hẳn ông sẽ thở dài vì sự bất đồng hiện nay đã ngày càng thu hẹp cơ hội tự do và dân chủ hóa nền kinh tế thế giới.

Hoặc tưởng tượng những gì sẽ xảy ra nếu phương Tây và Trung Quốc thỏa thuận được với nhau để tự do hóa thị trường tài chính, khi đó thị trường tài chính của Trung Quốc sẽ trở nên ít bị bóp méo, trong khi đồng nhân dân tệ sẽ như một đồng tiền dự trữ toàn cầu, qua đó giảm bớt những lo ngại của phương Tây về "thuyết đe dọa tiền tệ” của Bắc Kinh.

>5 năm khủng hoảng kinh tế thế giới: Nỗi đau chưa dừng
>Kinh tế thế giới 2014 sẽ tăng trưởng chậm
>
Bài toán mới cho kinh tế thế giới
>10 dự báo đáng chú ý về kinh tế thế giới 2014
>
Kinh tế thế giới 2014: Đi trên dây

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bất đồng chia rẽ kinh tế thế giới tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO