Bangladesh: Dệt máu

THỤY KHA| 16/05/2013 00:56

Ngành công nghiệp dệt may 18 tỷ USD của Bangladesh phát triển dựa vào sự thống khổ của 4 triệu phụ nữ lao động nước này.

Bangladesh: Dệt máu

Ngành công nghiệp dệt may 18 tỷ USD của Bangladesh phát triển dựa vào sự thống khổ của 4 triệu phụ nữ lao động nước này.

Đọc E-paper

Bangladesh là một trong những nước có ngành công nghiệp dệt may lớn nhất thế giới. Lĩnh vực này chiếm gần 80% tổng lượng xuất khẩu thường niên của đất nước. Ngành dệt may cũng cung cấp việc làm cho khoảng 4 triệu người lao động.

Thủ tướng nước này, bà Sheikh Hasina từng nói rằng, các doanh nghiệp dệt may là con đường duy nhất giúp nhiều người dân thoát khỏi đói nghèo dai dẳng.

Năm 2005, hiệp định thương mại toàn cầu hạn chế số lượng hàng may mặc xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu và Mỹ đã bắt đầu hết hạn.

Ngân hàng Thế giới dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Bangladesh sẽ suy yếu do sự tấn công của hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo ước tính của McKinsey, xuất khẩu hàng dệt may của Bangladesh tăng gấp ba lần từ năm 2005 đến năm 2010 và dự kiến sẽ tăng gấp ba lần nữa vào năm 2020, đến gần 50 tỷ USD/năm.

Bí mật của thành công này chỉ gói gọn trong bốn chữ: lao động giá rẻ. Theo Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản, mức lương trung bình hằng tháng năm 2009 cho người lao động ở Dhaka là 47 USD, so với 235 USD ở Thâm Quyến và 100 USD tại Hà Nội.

Đến năm 2010, Bangladesh có khoảng 5.000 nhà máy may mặc, chỉ đứng sau Trung Quốc, xếp trên Indonesia và Việt Nam.

Theo một nghiên cứu của Đại học Yale, tính đến năm 2011, khoảng 12% phụ nữ từ 15 đến 30 tuổi làm việc trong ngành công nghiệp dệt may ở Bangladesh.

Điều kiện làm việc của họ tồi tệ và mức lương không thay đổi suốt từ năm 2000 đến 2010. Khoảng 70% của 988 công nhân được khảo sát bị ông chủ chửi mắng và hơn 40% bị đánh đập, quấy rối tình dục.

Hơn một nửa số phụ nữ được phỏng vấn không được phép để có được đảm bảo về mặt pháp lý nghỉ thai sản 100 ngày. Phần lớn phụ nữ làm việc cho đến những tuần cuối của thai kỳ và thường bị sa thải khi họ nghỉ việc để sinh con.

Vụ sập tòa nhà Rana Plaza tại thủ đô Dhaka vừa qua khiến 1.500 người thiệt mạng là đỉnh điểm của thảm kịch lao động trong các xưởng may ở Bangladesh. Những vết nứt đã xuất hiện ở Rana Plaza từ đầu tuần nhưng chủ các xưởng may có cơ sở đặt trong tòa nhà vẫn cố tình lờ đi cảnh báo và yêu cầu công nhân phải tiếp tục đi làm.

Tại thời điểm xảy ra sự cố, 3.122 người, chủ yếu là nữ công nhân ở các xưởng may, đang có mặt trong tòa nhà. Kamrul Anam, thành viên Liên đoàn Các lao động dệt may Bangladesh, nói rằng "Vụ sập nhà giống như hành động giết người!".

Đầu tuần này, một nhóm các nhà bán lẻ, bao gồm cả H & M, Wal-Mart và Gap gặp gỡ với các tổ chức phi chính phủ và quyền ủng hộ lao động tại Frankfurt (CHLB Đức) để thảo luận về vấn đề an toàn, sức khỏe trong 4.500 nhà máy tại Bangladesh.

Chính phủ Mỹ dọa sẽ tước mọi ưu đãi cho hàng dệt may từ Bangladesh. Trước đó, Công ty Walt Disney đã ngừng sản xuất tại Bangladesh, để phản ứng với hàng loạt vụ tai nạn nhà máy gây tử vong vào năm ngoái...

Những áp lực tương tự đe dọa tương lai của công nghiệp dệt may Bangladesh khi người tiêu dùng thế giới tẩy chay các sản phẩm may mặc "sản xuất bằng máu" từ Banglades.

Tuy nhiên, nhiều nhà hành động đánh giá việc tẩy chay hàng dệt may Bangladesh là "sẽ kéo theo nhiều nạn nhân nữa, không phải chết vì sập nhà mà chết vì đói nghèo". Việc cần làm là gấp rút cải thiện điều kiện lao động tại các nhà máy ở đây, tổ chức lại ngành công nghiệp dệt may hiện đại hơn.

Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên Hợp Quốc cho biết, 200 thanh tra xây dựng sẽ tiến hành kiểm tra các nhà máy may mặc tại Bangladesh trong vòng 6 tháng và buộc phải tu sửa tất cả những cơ sở sản xuất có vấn đề.

Khatun và chị gái may mắn giữ được mạng sống sau thảm họa. Khi được hỏi bản thân có kế hoạch gì cho tương lai, Merina đã nói: "Tôi bỏ việc. Tôi sẽ trở về làng và sẽ mua một chiếc máy khâu và thử làm ra các sản phẩm của chính mình".

Thế nhưng, trong một đất nước nghèo như Bangladesh, Khatun và chị gái có rất ít cơ hội để quyết định cuộc sống của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bangladesh: Dệt máu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO