APEC và G20: Tránh cuộc chiến thương mại

09/11/2010 08:21

Các bộ trưởng tài chính 21 nước thuộc diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) cam kết hạn chế can thiệp vào tiền tệ và để thị trường quyết định tỉ giá hối đoái. Nội dung tương tự với quan điểm tại hội nghị thượng đỉnh G-20, nhóm họp tại Hàn Quốc ngày 11/11.

APEC và G20: Tránh cuộc chiến thương mại

Các bộ trưởng tài chính 21 nước thuộc diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) cam kết hạn chế can thiệp vào tiền tệ và để thị trường quyết định tỉ giá hối đoái. Nội dung tương tự với quan điểm tại hội nghị thượng đỉnh G-20, nhóm họp tại Hàn Quốc ngày 11/11.

Chủ đề chính tại hội nghị G20 là tránh cuộc chiến tranh thương mại có thể đưa kinh tế toàn cầu suy thoái trở lại. Ảnh: Reuters

G-20: tránh cuộc chiến thương mại toàn cầu

Chủ đề chính tại hội nghị G20 là tránh cuộc chiến tranh thương mại có thể đưa kinh tế toàn cầu suy thoái trở lại. Hội nghị Bộ trưởng và Thống đốc Ngân hàng G20 diễn ra cuối tháng 10 đã thống nhất nhiều vấn đề họp bàn trong hội nghị thượng đỉnh như việc chấm dứt những tranh luận về tỉ giá, thúc đẩy các hệ thống tỉ giá hối đoái do thị trường quyết định nhiều hơn.

Hội nghị sẽ bàn về mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu nhằm ngăn ngừa khủng hoảng thông qua hợp tác quốc tế và tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển nhằm thiết lập một trật tự kinh tế quốc tế công bằng. Một vấn đề quan trọng cũng được đề cập đến là cải cách các thiết chế tài chính toàn cầu, trước mắt là IMF trong đó có việc tăng thêm quyền cho nhóm BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc).

APEC: họp bàn phát triển thương mại tự do

Trong khi đó, hội nghị APEC (tại Nhật Bản trong hai ngày 13 - 14/11) tập trung vào chuyện phát triển thương mại tại châu Á, nền kinh tế năng động nhất thế giới hiện nay. Lãnh đạo APEC sẽ bàn việc thiết lập khu vực tự do mậu dịch Châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP), nhằm đảm bảo hệ thống đầu tư thương mại tự do trong vùng vận hành hiệu quả. Các thành viên APEC, khu vực chiếm 53% GDP, chiếm 44% thương mại và chiếm 40% dân số thế giới, đồng ý “có những bước cụ thể để thực hiện FTAAP bao gồm 21 thành viên quanh Thái Bình Dương”.

Tuy nhiên, trong khi chưa định ra được thời gian cụ thể cho FTAAP, tương lai gần, sáng kiến Thỏa thuận thương mại tự do Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được đặt lên bàn nghị sự. TPP có bốn thành viên chính Brunei, Chile, New Zealand, Singapore và năm thành viên đang thương lượng tham gia gồm Mỹ, Úc, Malaysia, Việt Nam và Peru.

Bên cạnh đó, lãnh đạo APEC sẽ bàn về cân bằng tăng trưởng toàn cầu, thắt chặt các vấn đề tài chính và đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế, tăng cường tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những ngành công nghệ tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Tăng trưởng cân bằng được chọn là mục tiêu nóng của hội nghị lần này, tuy nhiên nhiều chuyên gia đang quan sát việc làm sao APEC đạt được sự tăng trưởng cân bằng khi điều này bao gồm cả vấn đề tái tổ chức tiền tệ toàn cầu nhằm giảm sự mất cân bằng trong thương mại.

Tiền tệ sẽ là vấn đề nóng

Nhiều nhà phân tích cho rằng, các tranh cãi về vấn đề tiền tệ nhiều khả năng xuất hiện và trở thành đề tài nóng trong hai hội nghị trên. Nhiều nền kinh tế châu Á đang "đau đầu" trước tình trạng nội tệ tăng giá so với đồng USD nhiều tháng qua. Quyết định bơm 600 tỉ USD vào thị trường tiền tệ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) hôm 3/11 bị chỉ trích có thể gây nên bong bóng tài sản tại các nền kinh tế mới nổi và gây bất ổn cho tiền tệ của họ.

Nhiều nhà phân tích cảnh báo, động thái của FED có thể sẽ khiến “tình trạng mất cân bằng toàn cầu và tiền tệ” trở thành đề tài chính trong cuộc họp G20. Trong khi đó, bộ trưởng tài chính Philippines, Cesar Purisima cũng cho rằng các nước ASEAN có thể sẽ đề cập đến vấn đề này với Mỹ trong hội nghị APEC. Nhiều nhà phân tích cho rằng, nội dung về tiền tệ được đề cập trong hội nghị APEC thế nào sẽ tùy thuộc vào kết quả liên quan sau cuộc họp G20.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
APEC và G20: Tránh cuộc chiến thương mại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO