4 lý do kinh tế châu Á chưa qua thời phụ thuộc phương Tây

Nguồn VnEconomy| 22/09/2009 07:42

Theo thuyết phân ly cho rằng các thị trường đang nổi lên ở châu Á sẽ không chịu nhiều tác động từ sự đổ vỡ trong hệ thống tài chính của các nước phương Tây

4 lý do kinh tế châu Á chưa qua thời phụ thuộc phương Tây

Trước thời điểm tháng 9/2008, người ta vẫn bàn nhiều về thuyết phân ly (decoupling) - lý thuyết cho rằng các thị trường đang nổi lên ở châu Á sẽ không chịu nhiều tác động từ sự đổ vỡ trong hệ thống tài chính của các nước phương Tây và tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế này sẽ không còn phụ thuộc nhiều vào “sức khỏe” của các nền kinh tế công nghiệp phát triển.

Những chiếc xe ôtô đang chuẩn bị được đưa lên tàu tại cảng biển ở Yokohama, Nhật - Ảnh: AP.

Theo thuyết phân ly, các nền kinh tế mới nổi có sức đề kháng tốt trước cơn bão kinh tế đang đổ xuống Mỹ và châu Âu nhờ có thị trường nội địa mạnh, dự trữ ngoại hối cao và chính sách kinh tế vĩ mô khôn ngoan.

Tới tháng 9/2008, thuyết phân ly đột ngột bị xé toạc khi sự chao đảo của Phố Wall tạo ra những cơn sóng thần lan tỏa toàn bộ hệ thống tài chính của thế giới, khiến các thị trường mới nổi ở châu Á cũng rung chuyển theo.

Tuy nhiên, tới thời điểm hiện nay, thuyết phân ly đang trở lại. Tháng 5 vừa qua, tạp chí kinh tế uy tín Economist đã nhận định về sự xuất hiện của “thuyết phân ly phiên bản 2.0”, theo đó, những nền kinh tế mới nổi có quy mô lớn, mà dẫn đầu chính là Trung Quốc, sẽ chứng kiến sự phục hồi mạnh, trong lúc Mỹ, Nhật Bản và châu Âu vẫn phải đắm chìm trong sự suy giảm tăng trưởng kéo dài.

Trong những tháng gần đây, việc ngày càng có thêm nhiều thông tin kinh tế tích cực, đặc biệt là từ các nền kinh tế mới nổi của châu Á, đã khẳng định thêm quan điểm cho rằng, sự phục hồi kinh tế đang diễn ra tại khu vực này, và các nền kinh tế của châu Á trên thực tế đã giảm bớt sự phụ thuộc vào sự may rủi của các nền kinh tế phương Tây.

Tuy nhiên, liệu có là hợp lý nếu coi đây là sự phân ly?

Nếu lý thuyết về sự phân ly kinh tế không chỉ bao gồm quan điểm cho rằng các nền kinh tế mới nổi có tốc độ tăng trưởng cao hơn các nước G-7 như bấy lâu nay thế giới vẫn chứng kiến, thì lý thuyết này phải chỉ ra rằng các chu kỳ kinh tế ở các nền kinh tế mới nổi không còn nằm dưới sự định đoạt của các chu kỳ kinh tế diễn ra ở các nền kinh tế lớn, mà chủ yếu được quyết định bởi các yếu tố khác. Vậy đây có đúng là những gì đang diễn ra ở các nước châu Á ở thời điểm hiện nay?

Mặc dù những thay đổi cơ cấu đã diễn ra trong nền kinh tế thế giới từ lâu trước khi lần khủng hoảng này nổ ra và có khả năng sẽ được đẩy mạnh hơn trong và sau cuộc khủng hoảng này, có thể vẫn còn quá sớm để nói tới việc các nền kinh tế đang nổi của châu Á đã thoát khỏi sự ảnh hưởng của thị trường phương Tây. Có 4 lý do để đưa ra nhận định này.

Thứ nhất, mặc dù hầu hết các nền kinh tế châu Á đều chịu ảnh hưởng của lần khủng hoảng tài chính này, những thiệt hại mà họ phải gánh chịu, ít nhất là trong lĩnh vực tài chính, nhỏ hơn rất nhiều những mất mát mà châu Âu và Mỹ phải đối mặt.

Bởi thế, sự phục hồi kinh tế của châu Á chắc chắn sẽ diễn ra dễ dàng hơn và nhanh chóng hơn. Việc tăng trưởng sớm được nối lại ở châu Á chưa chắc đồng nghĩa với việc các nền kinh tế ở khu vực này đã không còn phụ thuộc và phương Tây, đặc biệt là trong bối cảnh các tín hiệu phục hồi đang phát đi từ khắp nơi trên thế giới chứ không riêng gì châu Á.

Ngay cả Đức, nước xuất khẩu lớn nhất thế giới và chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự lao dốc của thương mại toàn cầu thời gian qua, giờ đây về phương diện kỹ thuật đã thoát khỏi suy thoái với tốc độ tăng trưởng kinh tế dương trong quý 2/2009.

Thứ hai, mặc dù nền kinh tế thế giới đã dần ổn định trở lại trong những tháng gần đây và môi trường kinh doanh đã không còn đầy rẫy những bất ổn như trước, hiện vẫn còn quá sớm để tuyên bố về sự kết thúc của khủng hoảng, ngay cả ở châu Á cũng như các nơi khác.

Người ta hy vọng rằng, thậm chí cả ở Mỹ và châu Âu, nền kinh tế đang trên đà hồi phục, nhưng vẫn còn đó những rủi ro không thể biết trước và những rắc rối chưa thể được giải quyết trong ngành tài chính có thể gây ra những rào cản cho quá trình phục hồi.

Những cú sốc mới đối với các nền kinh tế phương Tây, nếu xảy ra, có thể sẽ cản trở sự phục hồi toàn diện của kinh tế châu Á. Có thể thấy, phản ứng của thị trường chứng khoán châu Á với các dữ liệu kinh tế Mỹ, chẳng hạn tỷ lệ thất nghiệp của nước này, phản ánh khá rõ nét việc giới đầu tư chứng khoán ở châu Á không hề thờ ơ trước vấn đề tăng trưởng kinh tế Mỹ.

Thứ ba, phần lớn các chính phủ ở châu Á thời gian qua đều chứng tỏ khả năng thực hiện nhanh chóng các gói kích thích tài khóa để bình ổn nền kinh tế của nước mình.

Về phương diện này, Trung Quốc là quốc gia đi đầu với một gói kích thích kinh tế lên tới gần 585 tỷ USD. Một điều nữa còn chưa chắc chắn là liệu sự phục hồi hiện nay của kinh tế châu Á có bền vững một khi tác động của những gói kích thích kinh tế giảm dần đi. Thêm vào đó, nguy cơ về tỷ nợ xấu có thể gia tăng trong hoạt động tín dụng được đẩy mạnh của Trung Quốc thời gian qua cũng sẽ là một vấn đề nữa.

Thứ tư, các nền kinh tế đang nổi khác ở Đông Á vẫn còn ràng buộc với kinh tế Mỹ thông qua đồng USD.

Chừng nào các đồng tiền của châu Á còn ràng buộc với đồng USD Mỹ qua các mối neo buộc mềm hay cứng, sự độc lập về chính sách tiền tệ của các nước này tất yếu sẽ bị hạn chế, do chính sách tiền tệ của họ sẽ chịu ảnh hưởng từ chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Nếu không có sự chia tách giữa các đồng tiền của khu vực khỏi đồng USD, lý thuyết về sự phân ly giữa các nền kinh tế châu Á với kinh tế Mỹ sẽ vẫn chỉ là lý thuyết.

Tuy nhiên, dù sao, các chu kỳ kinh tế ở châu Á, đặc biệt là ở Đông Á, đã có quan hệ mật thiết hơn với nhau do các mối liên kết thực và liên kết tài chính giữa các nền kinh tế ở đây đã được tăng cường. Trên thực tế, sự phát triển của một mạng lưới thương mại-sản xuất mở rộng khắp Đông Á đã tạo ra một nền kinh tế khu vực có mức độ nhất thể gần như châu Âu.

Các hoạt động hội nhập kinh tế khu vực sâu hơn và việc phát triển một thị trường tiêu dùng nội châu Á sẽ giảm bớt sự phụ thuộc của châu lục này vào các nền kinh tế Âu-Mỹ, đặc biệt một khi sự hội nhập này xảy ra đồng thời với việc giảm bớt dần mức độ phụ thuộc vào đồng USD và các nỗ lực nhằm tăng cường hợp tác kinh tế vĩ mô và tài chính trong khu vực.

Tóm lại, “lý thuyết phân ly phiên bản 2.0” có thể đang trên đường hình thành, nhưng vẫn còn ở cách hiện thực một khoảng cách xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
4 lý do kinh tế châu Á chưa qua thời phụ thuộc phương Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO