![]() |
Mọi ngả đường đều dẫn đến Copenhagen. Hôm 7/12, hơn 17.000 đại biểu từ 191 quốc gia trên thế giới cùng tề tựu về thủ đô Đan Mạch để bàn việc cứu lấy Trái đất.
![]() |
Khẩu hiệu của những người biểu tình ở London: “Công lý cho khí hậu ngay bây giờ” - Ảnh: Reuters |
Trong hai tuần (từ ngày 7 đến 18/12), các đại biểu sẽ cùng thảo luận, tìm giải pháp nhằm đạt được một thỏa thuận cho vấn đề sống còn đối với nhân loại hiện nay: Trái đất đang nóng lên.
Bộ trưởng môi trường Na Uy Erik Solheim nhấn mạnh: “Đây là cuộc đàm phán khó khăn nhất mà nhân loại từng tiến hành. Ảnh hưởng của hội nghị sẽ là từ những nông dân trồng lúa ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) tới cả tổng hành dinh của Google ở Seattle hay kể cả những người khai thác dầu ở Na Uy.” Thế nhưng, như Reuters dẫn lời một quan chức Anh, “khả năng đạt được thỏa thuận và thất bại giờ là ngang nhau”.
Trung tâm hội nghị xanh Trung tâm hội nghị Belle Centre sẽ là điểm nhấn của hội nghị với khoảng 17.000 đại biểu, các nhà hoạt động môi trường và báo giới tham gia. Để thể hiện tinh thần “xanh” cho hội nghị, các đại biểu sẽ dùng nước máy thay vì nước đóng chai, các ly uống nước được làm từ vật liệu tự phân hủy và dùng để sản xuất biogas sau khi sử dụng. 65% đồ uống và thực phẩm tại hội nghị có nguồn gốc hữu cơ. Các đại biểu cũng sẽ di chuyển bằng các phương tiện giao thông công cộng. |
105/191 nguyên thủ quốc gia đã đồng ý tới dự hội nghị mà như mô tả của Thủ tướng Đan Mạch Lokke Rasmussen là “đại diện cho 82% nhân loại, 89% GDP thế giới và 80% lượng khí thải trên toàn cầu hiện nay”. Do vậy, “nếu nhóm các nhà lãnh đạo này có thể thống nhất thì quyết định của họ có thể chuyển hướng đi của hành tinh này”.
Ngoài thỏa thuận về mức cắt giảm khí thải, các nước giàu dự kiến còn phải đạt được thỏa thuận về số tiền trợ giúp các nước nghèo nhất hiện đang là nạn nhân của biến đổi khí hậu để thích ứng và ngăn chặn các hậu quả của biến đổi khí hậu. Thế nhưng, đây lại là vấn đề mà các nước giàu vẫn lảng tránh cho đến nay.
Đến nay đã đạt được hai nghị định thư từ hội nghị Rio de Janeiro năm 1992 và Kyoto năm 1997. Tuy vậy, các thỏa thuận này đều bị coi là thiếu hiệu lực khi các nước có lượng khí thải lớn nhất như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil... không đưa ra cam kết cắt giảm của mình.
Copenhagen dự kiến chỉ đưa ra một hiệp ước mang tính chuyển giao khiêm tốn trong khi một nghị định thư chính thức dự kiến sẽ chỉ đạt được vào năm 2010.
Ý KIẾN CỦA BẠN