Đây là kết quả của một nghiên cứu mới được đăng trên báo cáo Hypertension của Hiệp hội Tim mạch Mỹ.
Các nhà nghiên cứu đã thu thập thông tin từ cơ sở dữ liệu y sinh chứa thông tin sức khỏe và di truyền của nửa triệu người tham gia ở Anh. Nghiên cứu đã thực hiện khảo sát 4 lần từ năm 2006 - 2019, người tham gia báo cáo về tần suất ngủ trưa của mình, từ “không bao giờ”, “hiếm khi”, “thỉnh thoảng” đến “thường xuyên”.
GS. Wang, Chủ nhiệm khoa Gây mê tại Bệnh viện Xiangya, Đại học Central South (Trung Quốc) cho biết, những người tham gia dưới 60 tuổi thường ngủ trưa có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp cao hơn 20% so với những người cùng tuổi không bao giờ ngủ trưa. Sau 60 tuổi, ngủ trưa thông thường có liên quan đến nguy cơ tăng huyết áp cao hơn 10% so với những người cho biết không bao giờ ngủ trưa. Nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ nguy cơ cao hơn đối với nam giới thường ngủ trưa và có hút thuốc lá, uống rượu hằng ngày, theo USA Today.
Các nhà nghiên cứu lưu ý những người tham gia vào nghiên cứu chủ yếu là người trung niên và cao tuổi, vì vậy kết quả có thể không khách quan với tất cả mọi người.
TS. Michael Grandner, Phó giáo sư tâm thần học tại Đại học Arizona (Mỹ), nhà nghiên cứu về giấc ngủ, nhận định bản thân việc ngủ trưa không có hại nhưng có thể nhiều người ngủ trưa là do ngủ không ngon giấc vào ban đêm. Ngủ kém vào ban đêm phản ánh sức khỏe cơ thể đang yếu và giấc ngủ ngắn buổi trưa không đủ để bù đắp điều đó.
Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, việc ngủ đủ giấc vào ban đêm có vai trò quan trọng đối với sức khỏe tim mạch. Thể trạng mỗi người có nhu cầu về thời gian ngủ khác nhau, nhưng theo khuyến cáo chung của các nhà thần kinh học, người lớn cần ngủ khoảng 7 - 9 giờ mỗi ngày.