Thời của MV và cuộc đua tiền tỷ trên thị trường nhạc Việt

ĐINH NGUYỄN| 04/12/2018 06:22

Giải quyết được cả nhu cầu nghe và xem của công chúng trong một sản phẩm âm nhạc, MV (Music Video) ngày càng được ưa chuộng, nhất là khi các phương tiện nghe nhạc trực tuyến bùng nổ.

Thời của MV và cuộc đua tiền tỷ trên thị trường nhạc Việt

Cảnh trong MV "Hello"

Và tình trạng MV như "nấm mọc sau mưa" đang tạo ra những cuộc đua tiền tỷ.

MV "nở rộ"

Thực tế, MV là loại hình âm nhạc được đăng tải miễn phí trên mạng, khán giả không mất bất cứ khoản phí nào để xem. Trong khi đó, với các loại hình như CD hay liveshow, họ luôn phải bỏ ra một khoản tiền nhất định để thưởng thức. Bởi vậy, thời mạng xã hội phát triển, MV nghiễm nhiên trở thành một trong những kênh giúp ca sĩ tiếp cận khán giả nhanh nhất. Thế nên gần đây, việc MV nở rộ tại thị trường nhạc Việt là phù hợp với xu thế chung.

Theo một thống kê, gần như trung bình 2 ngày lại có một MV của ca sĩ hay nhóm nhạc nào đó ra đời. Nếu trước kia các ca sĩ thường mất vài ba năm, thậm chí cả chục năm để làm một album (CD hoặc DVD, đĩa than), thì nay nhiều ca sĩ có thể phát hành vài ba MV trong một năm, như Đàm Vĩnh Hưng, Bích Phương, Hòa Minzy, Nguyễn Trần Trung Quân, Osad..., hay Nguyễn Đình Thanh Tâm - Quán quân Sao Mai Điểm Hẹn 2012 ra 5 MV chỉ trong một tháng.

Sự nở rộ của định dạng âm nhạc này là bởi từ những ngôi sao nổi tiếng như Đàm Vĩnh Hưng, Sơn Tùng M-TP, Issac, Đông Nhi, Văn Mai Hương, Noo Phước Thịnh, Hương Tràm, Bích Phương... cho đến những "tân binh" bước ra từ các cuộc thi ca hát trên truyền hình, tốt nghiệp trường nhạc chập chững vào nghề... đều đua nhau phát hành MV.

Rồi những ca sĩ vắng bóng lâu ngày như Bảo Thy, Vy Oanh cũng chọn MV để đánh dấu ngày trở lại. Và những ca sĩ đi hát nhiều năm vẫn chưa nổi tiếng như Hòa Minzy, Hương Giang, Nguyễn Trần Trung Quân, Phan Ngọc Luân, Châu Khải Phong, Thanh Hưng... thì chọn MV làm đòn bẩy cho sự nghiệp.

Cảnh trong MV Người ta có thương mình đâu

Cảnh trong MV Người ta có thương mình đâu

Nhờ MV nở rộ mà thị trường nhạc Việt phần nào có được sự đa dạng. Dù rất nhiều ca sĩ chọn dòng nhạc pop ballad, nhưng vẫn có không ít MV nhạc latin, dance, R&B, rap, chill hay dream pop. Nhiều MV được đầu tư công phu, từ bối cảnh, trang phục, kịch bản đến cả diễn xuất minh họa đều mang dáng dấp phim ca nhạc ngắn.

Trong năm 2018 có các MV Bùa yêu (Bích Phương), Chạy ngay đi (Sơn Tùng M-TP), Duyên mình lỡ (Hương Tràm), Em không thể (Tiên Tiên), Màu nước mắt (Nguyễn Trần Trung Quân), Người lạ ơi (Karik và Orange), Chạm đáy nỗi đau (Erik)... được khán giả ưa chuộng hay đạt cả trăm triệu view (lượt xem). Còn Hoa Vinh hay Orange là "tân binh", Châu Khải Phong và Thanh Hưng hát mãi chưa nổi... đã bất ngờ vụt sáng, được nhiều người biết đến hơn nhờ MV tạo được "hit".

Link bài viết

Những cuộc đua tiền tỷ

Mặc dù những con số về "view" không hoàn toàn quyết định chất lượng của một MV, nhưng có thể thấy nghệ sĩ và khán giả đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến yếu tố này. Đó là bằng chứng cho thấy mức độ phổ biến của một MV với công chúng, đồng thời là dấu ấn trong hoạt động nghề nghiệp của ca sĩ.

Ở thời điểm MV như "nấm mọc sau mưa" hiện nay, từ ca sĩ nổi tiếng đến vô danh đều không ngại đổ tiền ra làm sản phẩm âm nhạc sao cho hoành tráng, hấp dẫn công chúng tối đa. Có thể điểm danh một số MV như Nỗi đau thấu trời (Phan Ngọc Luân) có kinh phí chạm 1 tỷ đồng, Người ta có thương mình đâu (Trúc Nhân) cũng 1 tỷ đồng, Hello (Đàm Vĩnh Hưng) 1 tỷ 380 triệu đồng.

Theo ước tính của giới sản xuất, mức chi phí trung bình làm một MV vào khoảng 500 triệu đồng, bao gồm chi phí cho toàn bộ ekip, từ đạo diễn, quay phim đến vũ công, tiền may trang phục, dựng bối cảnh. Có những MV như Bùa yêu hay Hello, chỉ tínhriêng chi phí trang phục đã lên đến nửa tỷ đồng. Nếu MV quay bối cảnh ở nước ngoài, chi phí sẽ đội lên khá nhiều. MV cổ trang còn tốn thêm chi phí cho phần kỹ xảo...

Tất nhiên, vẫn có nhiều MV chi phí chỉ khoảng 200 - 300 triệu hay dưới 100 triệu đồng, khá phổ biến với giới indie hay underground, những giọng ca vừa bước ra từ gameshow thi hát, hát nhạc dân gian và thính phòng. "Tiền nào của đó", nhiều MV kinh phí thấp thường không có sự đầu tư về bối cảnh, ngoại cảnh, đạo cụ, hoặc đồ họa, thiết kế, nên không tạo được ấn tượng, đồng nghĩa lượng "view" không cao.

Cảnh trong MV Người lạ ơi

Cảnh trong MV Người lạ ơi

Cũng chính vì MV nở rộ mà chuyện xin tài trợ để bù vào chi phí sản xuất hiện nay rất khó khăn. Chỉ có rất ít ca sĩ đang được ưa chuộng như Sơn Tùng M-TP hay Mỹ Tâm, Tóc Tiên, Hồ Ngọc Hà... được các nhãn hàng quan tâm, còn đa phần phải bỏ tiền túi để làm MV.

Mới đây, nhóm nhạc OPLUS xin được tài trợ cho bối cảnh, phương tiện di chuyển nên MV Follow me chỉ tốn khoảng 70 - 80 triệu đồng, trong khi lẽ ra phải chi khoảng 300 triệu đồng. Nhưng vì có tài trợ nên không khó để nhận ra trong Follow me xuất hiện những hình ảnh, logo của doanh nghiệp, nhãn hàng. Trước đó, MV Phía sau một cô gái của Soobin Hoàng Sơn từng gây "bão" dư luận bởi nhà tài trợ xuất hiện từ đầu đến cuối, trong nhiều cận cảnh.

Trên thực tế, vẫn có nhiều ca sĩ nổi tiếng đầu tư MV bằng kinh phí cá nhân, hạn chế xin tài trợ để nội dung MV không bị can thiệp, ekip nghệ sĩ được sáng tạo thoải mái. Đôi khi ca sĩ được "tài trợ" bằng chính sự ủng hộ của đồng nghiệp, như MV Hello của Đàm Vĩnh Hưng có dàn khách mời tên tuổi đều không nhận cát-xê.

Hay MV Đường tình chia hai của ca sĩ Vy Oanh được thực hiện bởi ekip lên tới 50 người trong bối cảnh xa hoa, sử dụng nhiều phương tiện giao thông đường thủy như tàu cao tốc, xà lan chở cả đoàn phim, jeski, nhà container... để quay nhiều phân cảnh hành động trên biển. Tuy nhiên, bối cảnh và đạo cụ được khu resort biển 5 sao thuộc sở hữu của người nhà Vy Oanh cung cấp miễn phí.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thời của MV và cuộc đua tiền tỷ trên thị trường nhạc Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO