Thoái hóa khớp gối: Nhận biết và điều trị

TS-BS. PHẠM CHÍ LĂNG - Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện quốc tế City| 22/04/2016 02:33

Thoái hóa khớp gối là hiện tượng mòn lớp sụn bọc hai đầu xương của khớp gối, gây đau và làm ảnh hưởng đến khả năng đi đứng.

Thoái hóa khớp gối: Nhận biết và điều trị

Thoái hóa khớp gối là hiện tượng mòn lớp sụn bọc hai đầu xương của khớp gối, gây đau và làm ảnh hưởng đến khả năng đi đứng.

Đọc E-paper

Thoái hóa khớp gối là một bệnh lý thường gặp, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Theo thống kê từ Philips và Krackow (Mỹ), tỷ lệ mắc bệnh thoái hóa khớp gối ở Mỹ ở độ tuổi từ 55 - 64 là 1%, ở độ tuổi từ 65 - 75 nam giới là 2% và nữ giới là 6,5%. Đây là gánh nặng cho xã hội, nếu xét về mặt ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như chi phí điều trị.

Nguyên nhân

Thứ nhất là do tuổi tác. Sau vài chục năm sử dụng, khớp gối bắt đầu mòn. Mức độ và tốc độ mòn có thể khác nhau ở từng người, nhưng tiến trình thì giống nhau: càng có tuổi thì khớp gối càng mòn nhiều. Vì vậy, bệnh thoái hóa khớp gối thường xảy ra nhiều nhất ở người lớn tuổi.

Thứ hai là do bệnh viêm đa khớp dạng thấp ảnh hưởng lên tất cả các khớp, trong đó có khớp gối. Bệnh gây phá hủy lớp sụn ở mặt khớp, lâu ngày dẫn đến tàn phế. Bệnh thường xảy ra ở độ tuổi trung niên.

Thứ ba là do chấn thương khớp gối. Những tai nạn như ngã từ xe gắn máy, ngã cầu thang có thể gây ra gãy xương vùng gối. Những gãy xương này nếu không được điều trị tốt có thể dẫn đến thoái hóa khớp gối sớm, dù xương đã liền. Những chấn thương khi đá bóng, chơi quần vợt có thể làm đứt dây chằng chéo trước hoặc rách sụn chêm. Những tổn thương này nếu không được điều trị đúng cách sẽ dẫn đến thoái hóa khớp gối sớm.

Nhận biết bệnh thoái hóa khớp gối

Tùy theo giai đoạn của bệnh mà có những triệu chứng khác nhau.

Nếu ở giai đoạn sớm, bệnh nhân vẫn đi đứng gần như bình thường. Tuy nhiên, ở một số tư thế như khi lên xuống cầu thang, hoặc khi ngồi xổm rồi đứng lên sẽ thấy đau ở khớp gối. Nếu được chụp X quang khớp gối thì kết quả thường không phát hiện thấy gì. Nhưng nếu không điều trị, bệnh sẽ tiếp tục tiến triển và chuyển sang giai đoạn trung bình. Ở giai đoạn này bắt đầu thấy đau khớp gối khi đi một đoạn đường dài.

Thỉnh thoảng khớp gối bị sưng và đau nhiều. Đó là những đợt viêm. Chụp X quang ở giai đoạn này bắt đầu thấy những dấu hiệu của mòn khớp gối như khe khớp hẹp lại, có gai xương.

Ở giai đoạn nặng, khớp gối bị đau thường xuyên, khả năng đi đứng rất hạn chế, thậm chí chỉ còn có thể đi được vài chục mét, việc lên xuống cầu thang trở thành khó khăn hoặc không thể. Khớp gối có thể bị vẹo cong vào trong hay ra ngoài. Chụp X quang trong giai đoạn này cho thấy khớp gối bị mòn hoàn toàn.

Phương pháp điều trị

Để điều trị thoái hóa khớp gối có nhiều phương pháp, tùy thuộc vào bệnh đang ở giai đoạn nào. Nếu bệnh ở giai đoạn sớm thì kết hợp ba phương pháp.

Dùng thuốc. Bác sĩ sẽ kê toa thuốc kháng viêm, giảm đau. Bệnh nhân cũng có thể sử dụng các loại thuốc hỗ trợ cho sụn khớp bằng đường uống hoặc tiêm, nhưng nên tư vấn bác sĩ trước khi sử dụng.

Vận động trị liệu. Chủ yếu tập cơ tứ đầu đùi. Cơ tứ đầu đùi là cơ chủ lực gánh bớt sức tải lên khớp gối. Nếu cơ này đủ mạnh sẽ giúp giảm áp lực lên khớp gối khi đi hay khi chạy nhảy. Bệnh nhân có thể chơi một số môn thể thao cường độ vừa phải như đạp xe, chạy bộ, đi bộ, bơi lội... Những môn thể thao này giúp làm khỏe toàn cơ thể, trong đó có khớp gối.

Giảm cân. Những người bị dư cân thường dễ bị thoái hóa khớp gối hơn những người bình thường. Dư cân là một yếu tố làm tăng tải lên khớp gối, nếu lâu dài có thể dẫn đến thoái hóa khớp gối. Vì thế, giảm cân là biện pháp cần thiết trong điều trị thoái hóa khớp gối.

Nếu bệnh ở giai đoạn trung bình vẫn có thể sử dụng phương pháp điều trị như ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên trong một số trường hợp có thể cần đến sự can thiệp của phẫu thuật, như nội soi khớp gối, cắt xương chỉnh trục xương chày. Để biết trường hợp nào cần phải phẫu thuật, cần tư vấn bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình.

Ở giai đoạn nặng, phương pháp điều trị hiệu quả nhất mà trên thế giới đang áp dụng là thay khớp gối nhân tạo. Đây là phương pháp nhằm bọc lại hai đầu xương của khớp gối bằng những vật liệu thay thế, làm bằng một loại kim loại đặc biệt, có thể để luôn trong cơ thể. Tuy nhiên, đây là phương pháp đòi hỏi kỹ thuật cao, trang thiết bị đầy đủ, điều kiện phòng mổ vô trùng tuyệt đối và nhất là phẫu thuật viên phải được đào tạo bài bản, có nhiều kinh nghiệm. Chi phí của ca mổ cũng rất cao, nên không phải bệnh nhân nào cũng có đủ điều kiện để được mổ.

Tóm lại, thoái hóa khớp gối là bệnh lý ngày càng thường gặp, không chỉ ở những người lớn tuổi mà còn ở độ tuổi trung niên. Bệnh cần phải được chẩn đoán sớm, khi đó việc điều trị sẽ đơn giản và hiệu quả. Nếu để bệnh được phát hiện ở giai đoạn nặng, việc điều trị sẽ khó khăn và tốn kém hơn nhiều.

>Vận động đúng cách để điều trị thoái hóa khớp

>Bệnh thoái hóa khớp: Vận động thường xuyên và vừa sức

>Ebook "Ung thư chớ để trời kêu"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thoái hóa khớp gối: Nhận biết và điều trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO