![]() |
Dệt may là ngành dẫn đầu về số lượng các cuộc đình công, lãn công trong thời gian qua. Công đoàn dệt may và Vitas vừa tiến hành ký Thỏa ước lao động tập thể ngành với 69 doanh nghiệp (DN). Việc làm này hy vọng sẽ góp phần giảm thiểu đình công, lãn công bất hợp pháp, cũng như tạo sự gắn bó giữa DN với người lao động trong bối cảnh có nhiều biến động về nhân công hiện nay.
* Thưa ông, vì sao Vitas được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội lựa chọn thí điểm xây dựng Thỏa ước lao động tập thể ngành đầu tiên?
![]() |
- Được chọn vì đây là ngành có số lượng lao động đông nhất (khoảng 1,2 triệu lao động) và xảy ra sự cố đình công, lãn công nhiều nhất. Thực ra, chúng tôi đã chuẩn bị tiến hành việc ký kết Thỏa ước từ khá sớm nhưng cũng gặp nhiều khó khăn như: thảo luận giờ làm thêm, xác định lương tối thiểu cũng khó vì phải xác định cụ thể theo từng thời điểm, những biến động về điều kiện sinh hoạt tác động đến như thế nào...
* Thỏa ước ra đời liệu sớm giải quyết được tình trạng đình công, lãn công?
- Tôi nghĩ tác động đến tinh thần là chính. Bởi vì, xảy ra đình công hay không vẫn phụ thuộc chính vào thái độ của DN. Có Thỏa ước rồi thì ai sẽ đi giáo dục công nhân hiểu về bản chất của Thỏa ước, vì thực ra công nhân cũng không đọc kỹ nội dung này. Mục tiêu mà chúng tôi hướng đến là Thỏa ước sẽ khuyến khích DN chăm sóc người lao động là chính.
* Đặc thù của ngành dệt may xuất khẩu là thường phải tăng ca để kịp giao hàng. Nếu thực hiện đúng thì bản thỏa ước này sẽ gây khó cho DN?
- Những ảnh hưởng này là có, nhưng nếu DN biết điều chỉnh thì cũng không quá khó khăn. Chính Công ty May Sài Gòn 3 từ đầu năm 2010 đã bắt đầu cải tiến. Ví dụ: trước đây, Công ty tổ chức làm việc ngày Chủ nhật, tăng ca đến sau 6 giờ chiều, nhưng nay đã bỏ chế độ này. Giảm giờ làm nhưng lại chủ trương phải đảm bảo thu nhập cho công nhân.
Bù lại, kỷ luật lao động đã tốt hơn hẳn, không xảy ra biến động lao động trong thời điểm khát nhân công như hiện nay. Hội đồng quản trị đặt mục tiêu cho năm nay là thu nhập trung bình phải từ 4,2 đến 4,5 triệu đồng/tháng. Theo tôi, bản thỏa ước này sẽ gây áp lực cho DN phải giảm giờ làm, tránh mở rộng sản xuất một cách vô tội vạ. Thực tế là hiện nay có tình trạng nhiều DN sau khi có được nguồn vốn mạnh đã mở rộng quy mô sản xuất một cách tràn lan, mà lại không chịu đầu tư cải tiến thiết bị.
* Ông đã từng kiến nghị giảm thuế thu nhập DN ngành may để DN có thể chăm sóc tốt hơn cho đời sống người lao động?
- Tôi có thể khẳng định không có chuyện DN dệt may trong nước bóc lột lao động. Thậm chí, trong năm 2009, ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đơn hàng, giá bán giảm 10 - 20% nhưng DN vẫn cố gắng xoay xở để tăng lương 10%, hỗ trợ chi phí cho người lao động. Vì vậy, DN rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước bằng cách có thể giảm, tạm không thu trong ngắn hạn và dài hạn thuế thu nhập DN 20% để lấy khoản chi này chăm lo đời sống người lao động.
Đây cũng là một cách để ngành may thu hút lao động. Nhiều DN nhỏ cho biết, họ đã lo hết mình cho người lao động, lợi nhuận chẳng còn lại bao nhiêu mà lao động vẫn cứ biến động, thì chỉ còn cách đóng cửa nếu không được hỗ trợ kịp thời.
* Xin cảm ơn ông!