Giá vàng lên, đồng USD rớt giá, thị trường chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ là những gì thị trường tài chính thế giới (Việt Nam cũng không ngoại lệ) phản ứng trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra ngày 8/11 (giờ địa phương), khi khả năng ứng cử viên Donald Trump đắc cử tăng cao trở lại.
Đọc E-paper
Nền kinh tế Mỹ đạt mức tăng trưởng 2,9% trong quý III/2016 - mức tăng cao nhất trong 2 năm trở lại đây, trong khi chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 9 tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2015 và là mức tăng mạnh nhất trong vòng 5 tháng qua.
Phản ứng tiêu cực
Cùng với triển vọng lạc quan về tăng trưởng kinh tế cũng như lạm phát của Mỹ tiến dần tới mục tiêu 2%, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có khả năng sẽ tăng lãi suất vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, thị trường vàng thế giới vẫn đi lên từ quanh 1.250 USD/oz lên gần 1.300 USD/oz kể từ giữa tháng 10 đến nay, đặc biệt tăng mạnh trong những ngày gần đây sau khi FBI tuyên bố sẽ điều tra việc sử dụng email cá nhân của ứng viên Hillary Clinton thời kỳ còn làm Ngoại trưởng Mỹ. Giá vàng tại Việt Nam cũng tăng theo từ mức quanh 35,5 triệu đồng/lượng lên mức cao hơn 37 triệu đồng, trước khi giảm về quanh 36,5 triệu đồng/lượng.
Ngược lại, đồng USD chịu áp lực giảm giá, với chỉ số USD Index dùng để đo sức mạnh đồng USD với các loại ngoại tệ mạnh khác đã giảm từ quanh mức 99 xuống 97.
Nỗi lo về kinh tế Mỹ có khả năng rơi vào khủng hoảng và tác động lên toàn bộ nền kinh tế toàn cầu đang thúc đẩy giới đầu tư bán đồng bạc xanh, bất chấp khả năng Mỹ sẽ tăng lãi suất cơ bản đồng USD vào tháng 12 tới.
Tương tự, thị trường chứng khoán toàn cầu cũng chịu áp lực giảm nhiều hơn tăng. Chỉ số S&P 500 đã rớt từ mức 2.150 về 2.090 điểm và có thể tiếp tục giảm, khi khả năng ứng viên Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ đang lên cao trở lại
Theo kết quả thăm dò của Washington Post và ABC News vừa được công bố sáng sớm ngày 6/11, cựu Ngoại trưởng Clinton chỉ đang dẫn trước tỷ phú Trump 5 điểm, ở mức 48% so với 43%.
Những chính sách có thể gây hại cho kinh tế Mỹ
Không phải ngẫu nhiên mà giới đầu tư lo lắng trước khả năng ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, khi nhìn vào những quan điểm cực đoan mà ông này thể hiện trong suốt quá trình tranh cử.
Với sự đề cao chủ nghĩa bảo hộ nền kinh tế nội địa, chống các hiệp định thương mại quốc tế khi cho rằng thương mại tự do là có hại cho kinh tế và việc làm của Mỹ, thì nếu đắc cử, nhiều người cho rằng Trump sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu nói chung và thậm chí cả nền kinh tế Mỹ nói riêng.
Chính vì vậy đã có 370 nhà kinh tế, trong đó có những người đã từng đoạt giải Nobel kêu gọi cử tri Mỹ không bỏ phiếu cho Trump. Hiện tại ông Trump đang bị giới đầu tư và các nhà kinh tế chỉ trích khi ông đe dọa đến thương mại tự do, đòi nâng thuế nhập khẩu, rút Mỹ khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), đồng thời đe dọa sẽ lập hàng rào thương mại với Mexico và Trung Quốc.
Tuy nhiên, bà Clinton cũng không nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ các nhà kinh tế. Với quan điểm chống TPP, chính sách năng lượng chống lại nhiên liệu hóa thạch, kế hoạch tăng thuế và đề nghị tăng lương của bà gây lo ngại sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế Mỹ. Dù vậy, những chính sách dự kiến của bà Clinton vẫn ít nguy cơ gây hại hơn chính sách cực đoan của ông Trump.
Khó xảy ra trường hợp tương tự như Brexit
Trong bối cảnh những rủi ro từ nền kinh tế Mỹ thì giới đầu tư đang tìm đến những tài sản an toàn như vàng, đồng yên Nhật và đồng Franc Thụy Sĩ, trong khi tránh xa đồng USD và những tài sản rủi ro như thị trường chứng khoán.
Giới đầu tư lo ngại rằng, nếu ông Trump đắc cử thì sẽ có thể xảy ra một trường hợp tương tự như Brexit (Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu), theo đó Mỹ có thể rút dần khỏi các hiệp định thương mại với các nước và khu vực. Với những gì đã diễn ra trên thị trường tài chính quốc tế khi Anh rút khỏi Liên minh Châu Âu đã làm giới đầu tư buộc phải tăng cường quản trị và kiểm soát rủi ro lên mức cao hơn.
Nhưng trong thời điểm mà đa số nhà đầu tư đều lo ngại thì những ai đi ngược lại đám đông sẽ có cơ hội kiếm lợi nhuận cao hơn. Vì với cơ chế tam quyền phân lập của Mỹ thì Tổng thống Mỹ không phải là người có quyền định đoạt tất cả và có thể có bất kỳ quyết sách nào gây hại cho nền kinh tế lớn nhất thế giới mà không bị phản đối.
Trong diễn biến mới nhất, Giám đốc FBI James Comey đã gửi thư cho Quốc hội Mỹ thông báo rằng bà Clinton sẽ không bị truy tố hình sự về việc sử dụng email cá nhân trong thời gian giữ chức vụ ngoại trưởng. Thị trường tài chính lập tức phản ứng khi giá vàng thế giới giảm hơn 10 USD/oz trong phiên giao dịch sáng 7/11, chỉ số USD Index có dấu hiệu tăng lên trở lại, các chỉ số chứng khoán xanh trở lại.
>Bầu cử tổng thống Mỹ và "đế chế" kinh doanh Donald Trump
>Ảnh hưởng của bầu cử tổng thống Mỹ đến kinh tế châu Âu