Thị trường nhà ở TP.HCM: "Hồi sinh"

HẢI ÂU| 08/08/2015 03:53

Từ giữa năm 2014, hàng loạt dự án nhà ở tại TP.HCM khởi động và tái khởi động nhằm đón đầu sự hồi phục của thị trường.

Thị trường nhà ở TP.HCM:

Từ giữa năm 2014, hàng loạt dự án nhà ở tại TP.HCM khởi động và tái khởi động nhằm đón đầu sự hồi phục của thị trường.

Đọc E-paper

Tái khởi động

Tháng 7/2010, Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy (HoSE: NBB) triển khai nhà mẫu của chung cư City Gate Towers nằm ngay mặt tiền đại lộ Võ Văn Kiệt, Q.8, TP.HCM.

Theo như dự tính của chủ đầu tư, đến quý IV/2012, toàn bộ dự án với hơn 800 căn hộ sẽ được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, những trở ngại về đầu ra thời điểm đó đã tác động không nhỏ đến kế hoạch triển khai dự án.

Gần 4 năm sau, dự án vẫn "án binh bất động". Cho đến tháng 12/2014, khi Creed Group (tập đoàn quản lý tài sản hàng đầu của Nhật Bản) bơm vốn vào, City Gate Towers được tái khởi động.

Cụ thể, đối tác Nhật Bản đã đầu tư khoảng 30 triệu USD, tương ứng 80% vốn đầu tư dự án City Gate Towers.

Không chỉ được được hỗ trợ về mặt tài chính, City Gate Towers còn "trình làng" với diện mạo mới.

Ông Mai Thanh Trúc, Giám đốc Kinh doanh NBB, cho biết, trước đây, phần lớn căn hộ có diện tích lớn, từ 90m2 trở lên nhưng hiện nay, 80% căn hộ tại City Gate Towers có diện tích dưới 70m2 và số lượng căn hộ đã tăng từ 800 lên hơn 1.000 căn hộ, với giá bán bình quân 1,05 tỷ đồng.

Được biết, City Gate Towers là dự án thứ hai trong tổ hợp 3 dự án căn hộ do NBB sở hữu (Carina Plaza đã đưa vào sử dụng), riêng dự án Diamond Riverside (Q.8) cũng sẽ được khởi công xây dựng trong năm nay sau nhiều lần dự kiến đưa ra thị trường (hiện cổ phần chi phối tại dự án thuộc về Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM, HoSE: CII).

Một trường hợp khác là dự án chung cư Linh Tây Tower (3 block 18 tầng với 390 căn hộ, 1 tầng hầm và tầng thương mại), sau gần 5 năm ngừng thi công (thi công đến tầng 2), vào tháng 7 vừa rồi, Công ty CP Địa ốc Dầu khí (PVL) đã tái khởi động dự án, thông qua việc ký kết hợp tác bảo lãnh thực hiện dự án với VP Bank Chi nhánh Vũng Tàu.

Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), đến cuối năm 2014, TP.HCM có hơn 1.400 dự án phát triển nhà ở. Trong đó có 689 dự án đang ngưng triển khai xây dựng, chiếm 49,1%.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến các dự án ngưng triển khai là do chủ đầu tư gặp khó khăn về nguồn vốn hoặc sản phẩm có diện tích lớn, chủ đầu tư phải xin điều chỉnh lại thiết kế, diện tích căn hộ...

Và đây là cơ hội cho những doanh nghiệp có lợi thế về tài chính thực hiện các thương vụ M&A dự án để mở rộng quỹ đất, đón đầu sự hồi phục của thị trường.

Điển hình như trường hợp của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (An Gia Investment), năm 2014, công ty này đã hoàn tất việc mua lại block 2A - 2B thuộc dự án Lacasa (Phú Thuận, Q.7, TP.HCM) từ Công ty CP Vạn Phát Hưng.

Hay như trường hợp của Công ty CapitaLand Việt Nam (Singapore), năm 2014, đã công bố dự án Vista Verde (Đồng Văn Cống, Q.2) ra thị trường.

Trước đây, Vista Verde có tên gọi khác, do doanh nghiệp trong nước đầu tư và ngưng thi công trong một thời gian dài trước khi về với nhà phát triển Singapore.

Đến hết năm 2014, TP.HCM có 1.403 dự án phát triển nhà ở. Trong đó:
+ 426 dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng (chiếm 30,36%).
+ 201 dự án đang triển khai xây dựng (chiếm 14,32%).
+ 689 dự án ngưng triển khai đầu tư xây dựng (chiếm 49,1%).
+ 85 dự án bị thu hồi hoặc hủy bỏ chủ trương đầu tư (chiếm 6,05%)
(Nguồn: HoREA)

Theo chia sẻ của ông Chen Lian Pang, CEO CapitaLand Việt Nam, Vista Verde là dự án thứ hai mà CapitaLand hợp tác với Công ty Thiên Đức (7 năm trước, hai công ty này đã cùng phát triển dự án Vista An Phú, Q.2), sắp tới, hai doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát triển thêm 1 dự án có vị trí gần với Vista Verde.

Xuất hiện nhiều "siêu dự án"

Song song với việc tái khởi động nhiều dự án bị trì hoãn hoặc dừng kế hoạch triển khai, gần đây, không ít dự án có quy mô lớn tại TP.HCM đã cấp tập triển khai.

Đáng chú ý là tại khu đô thị mới Thủ Thiêm 657ha, hồi cuối tháng 6 vừa rồi, UBND TP.HCM đã trao giấy chứng nhận đầu tư dự án 1,2 tỷ USD khu phức hợp tháp quan sát Thủ Thiêm, nằm dọc theo trục đường Mai Chí Thọ (gần hầm vượt sông Sài Gòn) cho Công ty Liên doanh Empire City (với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài là Denver Power Ltd - Anh, trực thuộc Tập đoàn Tài chính đa quốc gia Gaw Capital Partners và hai công ty trong nước là Công ty CP Bất động sản Tiến Phước cùng Công ty TNHH Bất động sản Trần Thái theo tỷ lệ góp vốn 50:50).

Đây là công trình biểu tượng cao nhất Thủ Thiêm, với tòa nhà cao 86 tầng. Dự án được chia thành 4 giai đoạn, dự kiến hoàn thành toàn bộ năm 2022.

Ngoài công trình tỷ đô này, đầu tháng 7/2015, Công ty CII cũng khởi công dự án BT có tổng vốn 2.641 tỷ đồng (xây dựng - chuyển giao) đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc (khu chức năng số 3, 4 có diện tích 89,35ha) và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam trong khu đô thị mới Thủ Thiêm (đoạn từ chân cầu Thủ Thiêm 1 đến đường Mai Chí Thọ).

Đây là hợp đồng BT đổi đất lấy hạ tầng mà CII nhắm đến từ cuối năm 2013. Theo chia sẻ của ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc Công ty CII, với tiềm năng từ các quỹ đất mà Công ty có được khi thực hiện hợp đồng này, nhiều ngân hàng đã không ngần ngại đề xuất cho vay vốn triển khai dự án.

Đại diện của CII cũng tiết lộ, nhanh nhất là vào cuối năm 2015, Công ty sẽ đưa nhà ở tại khu đô thị mới Thủ Thiêm ra thị trường. "Dù chỉ mới giới thiệu các mẫu nhà nhưng số lượng khách hàng đăng ký mua đã vượt quá nguồn cung vì hiện nay, không còn nơi nào có quỹ đất đẹp như Thủ Thiêm", ông Bình tự tin khi nói về dự án nhà có khả năng khiến CII "đổi đời" từ năm 2016 trở đi.

>3 dự án nhà ở xã hội được bổ sung vay gói 30.000 tỷ đồng

>Ngân hàng sẽ hoàn lại tiền nếu dự án nhà ở chậm tiến độ

>Cận cảnh một dự án nhà ở xã hội ở Singapore

>Dự án nhà ở thứ phát không phải đăng ký đầu tư

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường nhà ở TP.HCM: "Hồi sinh"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO