Art Basel Hong Kong - hội chợ mỹ thuật lớn nhất ở Hồng Kông, theo dự kiến sẽ khai mạc vào giữa tháng 3/2020, đã phải hủy bỏ, trong khi cách đó nửa vòng trái đất, các hội chợ mỹ thuật mùa xuân quan trọng ở New York cũng đã được hoãn lại với lý do chính: khách hàng giàu có đến từ Trung Quốc không thể có mặt để mua tác phẩm.
Trước nạn dịch đang xảy ra tại Trung Quốc với số người nhiễm virus Corona và người tử vong vẫn tăng, hàng chục triệu người phải cách ly, đồng thời các nhà khoa học chưa biết thật đích xác virus Corona lây lan như thế nào, thì các nhà buôn tác phẩm nghệ thuật bị thiệt hại lớn nhất cũng phải hiểu rằng việc ngăn chặn dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu.
Art Basel Hong Kong không thể diễn ra khiến nhiều nhà buôn và nghệ sĩ mất một cơ hội quan trọng để giới thiệu tác phẩm với khách hàng khắp thế giới, đặc biệt là khách hàng đến từ Đại lục. Art Basel Hong Kong không được tổ chức càng khiến khung cảnh Hồng Kông thêm ảm đạm sau nhiều tháng diễn ra các cuộc biểu tình phản kháng chính quyền với quy mô lớn.
Ông Ben Brown - một chủ gallery ở London và Hồng Kông cho biết, mỗi năm các phòng tranh đã mang lại lợi nhuận rất lớn cho ông tại Art Basel Hong Kong, còn năm nay thì bằng không. Và rồi hậu quả sẽ còn kéo dài như ông nói: “Art Basel Hong Kong là trung tâm của nghệ thuật toàn cầu trong vòng một tuần và nó còn dẫn dắt nhiều hoạt động nghệ thuật khác suốt năm tại đặc khu này. Thử tưởng tượng khi Giải Oscar bị hoãn lại, điện ảnh thế giới vẫn tiếp tục hoạt động, phim vẫn được sản xuất, nhưng đó vẫn là một thảm họa, huống chi Art Basel Hong Kong không thể diễn ra”.
Nhiều gallery khắp thế giới đã đăng ký và thuê mặt bằng tham dự Art Basel Hong Kong 2020 từ rất sớm trước khi có dịch Corona. Để có gian hàng rộng nhất tại hội chợ này, chủ gallery phải thuê với giá 125.000 USD. Nay hội chợ bị hoãn, họ chỉ được hoàn lại 75% khoản tiền đó. Song còn nhiều thiệt hại khác. Theo ông Cliff Vernon - Giám đốc Công ty Gander & White chuyên vận chuyển tác phẩm nghệ thuật, vẫn còn hai tàu của công ty chở tác phẩm của 5 nhà buôn tranh đang tới Hồng Kông. Giờ tàu phải quay về nhưng mỗi nhà buôn phải chi thêm khoảng 15.000 USD.
Các bảo tàng lớn ở phương Tây cũng là nạn nhân của dịch Corona. Nhiều tour hạng sang được tổ chức để du khách Trung Quốc đi xem tranh, tượng tại các bảo tàng danh giá bậc nhất như MoMa (New York) hay Louvre (Paris), nay bị hoãn vô thời hạn. Bảo tàng Louvre cho hay, trong số 10 triệu khách đến với Louvre năm 2018, có đến 800.000 người Trung Quốc. Với các gallery ở Hồng Kông thì tình hình không đáng lo khi mà khách mua tranh, tượng thay vì phải đến tận nơi thì có thể mua tác phẩm qua Internet hay giao dịch qua điện thoại.
Bà Emerald Mou gallery Mine Project chia sẻ, một nửa những tác phẩm được triển lãm tại gallery được giao dịch qua e-mail, qua WhatsApp hay WeChat.
Ông Mathieu Borysevicz - Giám đốc BANK gallery ở Thượng Hải vừa bán được một bức tranh cho khách mua ở Bắc Kinh qua WeChat, song ông cho biết một nhà sưu tập ở Thái Lan đã hủy giao dịch với lý do dịch bệnh.
Trước khi dịch Corona xảy ra, có nhiều vụ đấu giá tác phẩm nghệ thuật đã được tiến hành qua điện thoại gây chấn động, chẳng hạn tỷ phú Lưu Ích Khiêm mua bức Khỏa thân của danh họa Ý Modigliani với giá 170,4 triệu USD tại nhà Christie’s ở New York. Các nhà sưu tập sang chảnh ở Trung Quốc nay cũng dễ dàng ngắm nhìn qua màn hình laptop hay iPad để có thể ngã giá một bức tượng đầu Đức Phật bằng cẩm thạch có từ thời nhà Tùy (giá ước tính ban đầu là 500.000 - 700.000 USD) hay một lư hương thế kỷ XVII (giá 800.000 - 1,2 triệu USD), sẽ được nhà Christie’s đưa lên sàn ở New York vào mùa xuân 2020. Các cuộc đấu giá của Christie’s, Sotheby’s được tiến hành hằng năm ở New York vào tháng 3 và kéo dài đến tháng 6.
Corona đang “làm khổ” giới kinh doanh tác phẩm nghệ thuật ở Mỹ, nhưng chưa hết, bất kỳ tác phẩm hay đồ vật nghệ thuật nào có nguồn gốc từ Trung Quốc còn bị áp thuế 15% (trước đây ở mức 7,5%) bởi Chính phủ của Tổng thống Donald Trump đang gia tăng áp lực thương mại với Bắc Kinh. Không chỉ người bán gặp khó khăn mà người mua cũng phải bỏ thêm tiền nếu muốn sở hữu tác phẩm nghệ thuật quý hiếm đến từ Trung Quốc.