Thị trường bất động sản chờ ngày phục hồi

Gia Lê| 12/01/2023 06:00

Sau giai đoạn tăng nóng, đặc biệt là có dấu hiệu bong bóng vào cuối năm 2021, thị trường bất động sản (BĐS) năm 2022 đã có dấu hiệu hạ nhiệt, trong khi các doanh nghiệp BĐS cũng rơi vào tình cảnh khó khăn trăm bề khi sản phẩm tiêu thụ hạn chế, dòng tiền đứt gãy, các kênh huy động vốn gần như không còn. Thậm chí một số lãnh đạo tập đoàn BĐS còn rơi vào vòng lao lý vì những vi phạm liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán.

-2867-1673324337.jpg

Không ít doanh nghiệp đứng trước nguy cơ "chết" trên đống tài sản và các dự án chưa kịp triển khai vì không thể tiếp cận các nguồn lực tài chính.

Trong tình thế này, nhiều doanh nghiệp đã buộc tìm kiếm giải pháp như chủ động cơ cấu lại phân khúc khách hàng, sản phẩm, giá cả, thời hạn thanh toán, phương thức thanh toán... phù hợp, khả thi, thuận lợi cho khách hàng, nhất là những đối tượng có nhu cầu thực sự và có tính khả thi, đặc biệt chấp nhận giảm giá sâu khi chào bán ở một số tòa chung cư. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp tìm cách tái cấu trúc trái phiếu đã phát hành và đa dạng hóa kênh huy động vốn, tín dụng, cổ phiếu, trái phiếu cho đến các quỹ đầu tư, REIT...

Vốn là yếu tố ảnh hưởng đáng kể lên các kênh đầu tư, do đó lãi suất duy trì ở mức cao cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp BĐS. Chính vì vậy, một trong những tín hiệu đảo chiều của thị trường BĐS có lẽ là xu hướng lãi suất. Theo đó, nếu lãi suất sớm ổn định trở lại, ngừng tăng hoặc thậm chí đảo chiều giảm, đó sẽ là dấu hiệu cho thấy thị trường BĐS có thể sắp quay trở lại thời  kỳ tăng trưởng. 

Đáng chú ý, năm 2023, một số chính sách mới liên quan khung giá đất, đánh thuế, hồ sơ chào bán, pháp lý dự án... dự báo sẽ mang đến những tác động lớn với thị trường BĐS. 

Một trong những chính sách quan trọng được quan tâm phải kể đến Nghị quyết 18-NQ/TƯ ngày 16/6/2022 giúp quyền lợi của người dân được đảm bảo hơn, việc sử dụng đất linh hoạt hơn, tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và DN trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại. Đặc biệt, nghị quyết này cũng giúp nhà đầu tư biết rõ các trường hợp cần đấu giá đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất, từ đó chủ động hơn trong sản xuất và kinh doanh.

Việc hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và các luật khác có liên quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng sẽ tác động đáng kể lên thị trường BĐS, như việc bỏ khung giá đất, có phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; người sở hữu nhiều nhà, đất sẽ đánh thuế cao hơn, giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; cơ sở tôn giáo sử dụng đất vào mục đích khác phải trả tiền thuê đất theo quy định.

Ở góc độ tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, Nghị định 65/2022/NĐ-CP được Chính phủ ban hành vào ngày 16/9/2022 về chào bán trái phiếu riêng lẻ cũng có nhiều điểm mới đáng chú ý, theo hướng nâng cao tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp, tăng cường minh bạch thông tin, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, yêu cầu chặt hơn về hồ sơ chào bán và phương thức phát hành, xếp hạng tín nhiệm bắt buộc trong trường hợp cụ thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường bất động sản chờ ngày phục hồi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO