Cạnh tranh bằng cách đầu tư cho sản phẩm và kênh phân phối
Năm nay, thị trường có sự quay trở lại của nhiều thương hiệu bánh trung thu nội và ngoại. Trong nước, có thương hiệu KIDO’s Bakery sau 6 năm vắng bóng, với sản lượng dự định là 300 tấn bánh các loại và thương hiệu ACB Bakery sau một năm tạm ngưng.
Thương hiệu ngoại quay lại có Hong Kong MX với 8 dòng bánh sản xuất tại Hồng Kông, trong đó dòng bánh lava tan chảy nổi tiếng, với nhiều hương vị như nhân chocolate, macchiato vị cà phê, phô mai...
Điều ghi nhận là các nhà sản xuất ngoài việc chú trọng thiết kế bao bì, nhắm đến người mua để biếu, tặng, còn nghiên cứu ra những dòng bánh mới lạ, với nguyên liệu đa dạng. Đơn cử, Công ty Mondelez Kinh Đô có 3 dòng sản phẩm mới để phục vụ nhu cầu biếu tặng, trong đó có “Trăng vàng Black" và "Gold yến sào” với những nguyên liệu đắt tiền như bào ngư, cua, yến sào…
Còn các dòng bánh của ACB Bakery sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ Hoa Kỳ (trong đó có kem phô mai từ California) với nhân tomyum hải sản, ngũ hạt yến mạch và nhân quế hoa kỷ tử… và 20% là dòng bánh trung thu làm từ nông sản như nhân thanh long phô mai, nhân sầu riêng Sáu Ri, nhân cà phê dừa, hoa đậu biếc… Công ty cũng đầu tư thêm một số máy móc thiết bị để tăng năng suất, đáp ứng nhanh nhu cầu của khách hàng.
Các dòng bánh của thương hiệu Hong Kong MX không chỉ đa dạng về hương vị mà còn được chăm chút kiểu dáng, trong đó có dòng bánh cho trẻ em Minion Bob với tạo hình hộp bánh là nhân vật Minion vui tươi. Ngoài ra, Hong Kong MX còn ra dòng bánh trung thu hạt sen trắng ít đường dành cho người ăn kiêng.
Các doanh nghiệp chú trọng sản xuất bánh trung thu với quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm |
Cùng với việc đầu tư cho sản phẩm, các DN cũng đầu tư cho khâu phân phối. Ngoài các cửa hàng trực tiếp tại các siêu thị, trung tâm thương mại, các tuyến đường, các DN còn bán bánh trung thu trên các sàn thương mại như Lazada, Tiki, Shopee…
Mặt khác, thị trường bánh trung thu cũng bùng nổ trên mạng xã hội, với hàng loạt cơ sở gia đình làm bánh trung thu nướng, bánh trung thu dẻo, bánh trung thu tuyết, bánh trung thu rau câu... rao bán với giá khá 'mềm' (trên dưới 500.000 đồng/hộp). Dạng bánh làm thủ công kiểu gia đình này thu hút nhóm khách hàng trẻ, không quan tâm đến bao bì mà chỉ quan tâm đến vị bánh và giá cả.
Phải giảm lợi nhuận để giữ sức mua là đương nhiên
Hiện giá bánh trung thu của các thương hiệu có tiếng năm nay cao hơn 5-10% so với năm trước, với mức trung bình trên dưới 1 triệu đồng/hộp. Tuy nhiên, theo các DN, đây là mức điều chỉnh thấp nhất so với chi phí.
Bà Nguyễn Thị Đậu - chủ thương hiệu bánh trung thu Như Lan cho biết, hầu hết các chi phí đầu vào, từ nguyên liệu, nhân công… đều tăng khá cao so với mọi năm, trong đó, giá trứng muối, bao bì tăng gần gấp đôi so với năm trước. Nhờ không phải tốn tiền thuê mặt bằng và bán với số lượng nhiều nên giá bán trung thu Như Lan chỉ điều chỉnh tăng 5-10% so với năm trước.
Thương hiệu ACB Bakery cũng điều chỉnh giá bán bánh trung thu tăng 5 - 7% so với năm ngoái. Và để duy trì sức mua trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng lên từ 30-50%, DN phải tăng năng suất lao động và giảm biên lợi nhuận.
Còn Mondelez Kinh Đô giữ nguyên giá bán nhiều dòng bánh chủ lực và chỉ điều chỉnh tăng 2-3% một số sản phẩm.
Các DN cho biết, hiện tại sức mua khả quan và hy vọng doanh thu tăng trưởng tốt khi còn chưa đầy tháng nữa sẽ đến Trung thu. Ông Hứa Ngọc Lâm - Tổng giám đốc Công ty thực phẩm TM Đại Phát cho biết, từ sau thời gian dịch bệnh đến nay, sức mua tốt nên công ty chuẩn bị lượng hàng tăng hơn 20% so với năm 2019. Và dựa vào mức tăng trưởng hiện tại, công ty hỵ vọng sản lượng tiêu thụ sẽ tăng hơn năm 2019 ít nhất từ 20-30%.
Sức mua bánh trung thu đang khả quan nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp chuyên kinh doanh bánh trung thu được dự đoán sẽ thấp hơn mọi năm. Ngoài lý do như trên đã nói là giá nguyên liệu và chi phí nhân công tăng, còn một nguyên nhân nữa là nhiều người tiêu dùng có thể tự làm bánh trung thu tại nhà, vừa để ăn vừa dùng biếu tặng, với giá rẻ hơn nhiều so với đi mua, lại được tiếng "bánh nhà làm".