![]() |
Trong một nỗ lực chống lại việc lạm dụng chất cấm (cụ thể là chất kích thích hoặc doping) trong thể thao, Liên đoàn Điền kinh Quốc tế (IAAF) đề xuất kế hoạch xóa sổ mọi kỷ lục thế giới trước năm 2005.
Đây là hướng đi nhằm đem lại sự "công bằng" trong thể thao, lên án hành vi gian lận. Nhưng nó vấp phải sự phản đối kịch liệt từ một số lượng không nhỏ những kỷ lục gia vốn tự hào rằng họ không hề chơi xấu để đạt thành tích.
Trong số những người lên án kế hoạch này của IAAF có nhà vô địch thế giới môn marathon Paula Radcliffe, nhà vô địch nhảy ba bước Jonathan Edwards và nhà vô địch chạy hàng rào cự ly 60m trong nhà Colin Jackson.
Jackson là người giữ kỷ lục thế giới trong bộ môn của mình từ năm 1994. Anh cho biết "không thể tin được" khi nghe thông tin ấy.
"Nó bôi nhọ toàn bộ sự nghiệp của tôi bằng cách khơi gợi ý tưởng rằng việc xóa kỷ lục của tôi cũng đồng nghĩa tôi dùng doping như bao vận động viên bị cáo buộc khác", Jackson nói.
IAAF đã chật vật trong cuộc chiến chống lại doping. Đề xuất của họ lần này tiếp tục vướng chỉ trích. Những người như Jackson cho rằng, IAAF muốn xóa kỷ lục sự nghiệp của vận động viên chỉ vì bản thân tổ chức này yếu kém trong khâu quản lý, không thể kiểm soát doping, và rằng "nên tập trung vào việc tiếp tục và đảm bảo rằng họ đang hành xử đúng đắn".
Radcliffe trong khi đó từng giữ kỷ lục marathon năm 2003 với thời gian 2 tiếng, 15 phút và 25 giây ở London. Trong một bài viết trên Twitter tuần trước, cô khẳng định ý đồ của IAAF là "hèn nhát" và "nặng tay".
"Có thật là chúng ta tin rằng một kỷ lục lập năm 2015 thì hoàn toàn sạch sẽ, còn năm 1995 thì không sạch sẽ hay không? Tôi tổn thương và thực sự cảm thấy danh tiếng, nhân phẩm của mình bị tổn hại", Radcliffe bức xúc.
Về phần cơ quan chức năng, họ khẳng định việc xóa hết các kỷ lục sẽ giúp phủ sạch nghi ngờ doping đối với các màn trình diễn thực chất. IAAF chỉ có mẫu thử máu vận động viên từ năm 2005, và nói rằng tất cả các kỷ lục lập trước thời điểm ấy đều không thể đáp ứng tiêu chí ba điểm của tiêu chuẩn mới.
"Có những vận động viên, những kỷ lục gia hiện tại, sẽ cảm thấy rằng chúng tôi đang muốn lấy đi điều gì đó của họ trong quá khứ, nhưng tôi nghĩ đây là bước đi đúng hướng và nếu được tổ chức - cấu trúc đúng đắn, chúng ta sẽ có cơ hội chiến thắng trở lại trong lĩnh vực này", Lord Coe - Chủ tịch IAAF nói.
Chủ tịch tổ chức Điền kinh châu Âu Svein Arne Hansen thì cho rằng, điền kinh cần các kỷ lục để đo đếm giới hạn của con người, nhưng sẽ hoàn toàn vô nghĩa nếu đó chẳng phải kỷ lục thực chất.
Ông nói: "Những gì chúng tôi đề xuất đều mang tính cách mạng, không chỉ vì hầu hết kỷ lục thế giới và châu Âu sẽ bị thay thế, mà còn bởi chúng tôi muốn thay đổi khái niệm về một kỷ lục, và nâng cao tiêu chuẩn đến một điểm mà mọi người hoàn toàn cảm thấy tự tin rằng tất cả đều công bằng, hiện hữu".