Trung Quốc: Cường quốc mới về bơi lội?

PHƯƠNG VY| 02/08/2012 00:34

Trước đây, khi nhắc tới môn bơi lội, người ta chỉ nói đến Mỹ, Nga, hay Úc, những đoàn thể thao có truyền thống trên đường đua xanh. Nhưng bây giờ, một thế lực lớn khác đang xuất hiện: Trung Quốc, với những màn trình diễn ấn tượng tại Olympic London 2012.

Trung Quốc: Cường quốc mới về bơi lội?

Trước đây, khi nhắc tới môn bơi lội, người ta chỉ nói đến Mỹ, Nga, hay Úc, những đoàn thể thao có truyền thống trên đường đua xanh. Nhưng bây giờ, một thế lực lớn khác đang xuất hiện: Trung Quốc, với những màn trình diễn ấn tượng tại Olympic London 2012.

Đọc E-paper

SunYang

Dậy sóng đường đua xanh


Bốn năm trước, mặc dù được thi đấu trên sân nhà và giành ngôi nhất toàn đoàn với 51 huy chương vàng (HCV), nhưng thành tích trên đường đua xanh của Trung Quốc tương đối khiêm tốn với duy nhất tấm HCV ở nội dung 200 mét bơi bướm nữ của Liu Zige.

Bốn năm sau là một bước tiến cực lớn, bởi mới chỉ sau hai ngày thi đấu, Trung Quốc đã giành 4 tấm huy chương bơi lội, trong đó có hai tấm HCV của Ye Shiwen (400 mét hỗn hợp nữ) và Sun Yang (400 mét tự do nam). Đó là chưa kể bộ đôi He Zi/Wu Minxia còn giành HCV ở nội dung nhảy cầu đôi 3 mét.

Chiến thắng của Ye Shiwen là thành tích ấn tượng nhất trong số này. Cô gái quê ở Hàng Châu (tỉnh Triết Giang) này mới 16 tuổi nhưng đã chiến thắng một loạt đàn chị tên tuổi như Stephanie Rice (Australia), Elisabeth Beisel (Mỹ) để giành tấm HCV.

Không những thế, thành tích 4 phút 28 giây 43 của cô còn xô đổ kỷ lục thế giới đã tồn tại suốt 4 năm qua của Rice (4 phút 29 giây 45). Thành tích này càng ấn tượng hơn nếu biết rằng Ye đã chiến thắng bằng một cuộc lội dòng ngoạn mục trước Beisel

Thậm chí, nếu tính trong vòng 50 mét cuối, Ye còn bơi nhanh hơn cả... Ryan Lochte, nam vận động viên siêu sao của đoàn Mỹ, người đã giành HCV ở nội dung 400 mét cá nhân hỗn hợp. Ở 100 mét cuối cùng của nội dung 400 mét hỗn hợp nữ, các VĐV bơi tự do (freestyle), và Ye đạt thành tích 58 giây 68. còn tính ở 50 mét cuối, thì thành tích của cô là 28 giây 93. Còn Lochte? Thành tích tương ứng của anh là 58 giây 65 và 29 giây 10.

“Đó quả là một thành tích ấn tượng. Quá ấn tượng với một cô gái. Cô ấy thực sự quá nhanh, nếu thi cùng tôi, có lẽ cô ấy sẽ vượt tôi mất”, Ryan Lochte tỏ ra hết sức thán phục người đồng nghiệp trẻ trung đến từ Trung Quốc. HLV của kình ngư này, ông Gregg Troy cũng ngạc nhiên hết sức và khẳng định rằng đây chính là nữ VĐV nhanh nhất mà ông từng chứng kiến.

Ye Shiwen cũng trở thành nữ vận động viên đầu tiên phá được kỷ lục thế giới ở hồ bơi tiêu chuẩn, dài 50 mét, kể từ sau khi Liên đoàn Các môn thể thao dưới nước (FINA) cấm sử dụng đồ bơi công nghệ cao vào cuối năm 2009.

Trước đó, ở cự ly 400 mét tự do nam, Sun Yang - kình ngư chủ lực của đoàn Trung Quốc, đã đổi màu huy chương. Tại Bắc Kinh 2008, Sun chỉ có thể đoạt HCB nhưng giờ đây anh đã có được tấm HCV. Sun cũng là nam kình ngư đầu tiên của Trung Quốc giành HCV Olympic.

Nhờ doping, hay nhờ thực lực?

Ye Shiwen

Ye Shiwen đã khiến làng thể thao thế giới sốc thực sự vì thành tích ấy. Thậm chí Tạp chí Swimming World Magazine còn nghi ngờ rằng cô đã sử dụng doping. Trên website của mình, họ viết: “Không chỉ sau khi Ye Shiwen đoạt HCV mới xuất hiện những cáo buộc. Cô ấy ắt phải dùng doping! Thật là đáng xấu hổ”.

Kết luận như kiểu của Swimming World Magazine đúng là hơi quá đáng, và thậm chí Liên đoàn Bơi lội Trung Quốc hoàn toàn có thể khởi kiện tạp chí này vì tội vu khống. Nhưng rõ ràng sự nghi ngờ là có thực, bởi trước kỳ thế vận hội này, Ye Shiwen không phải ứng cử viên số một, cô cũng chưa bao giờ chiến thắng ở bể dài tại một giải đấu tầm cỡ thế giới.

Thành tích đáng kể nhất của Ye là tấm HCV cự ly 200 mét hỗn hợp tại giải vô địch bơi lội thế giới diễn ra tại Thượng Hải năm ngoái, nhưng đó là thành tích diễn ra tại bể ngắn. Khoảnh khắc kỳ diệu nhất trong chiến tích vừa rồi có lẽ là màn bứt phá kinh hoàng ở 100 mét cuối để vượt mặt đàn chị Beiseil.

Không ấn tượng bằng Ye nhưng ở nội dung 400 mét tự do nam, Sun Yang cũng đã đạt thành tích 2 phút 40 giây 14, vượt kỷ lục Olympic cũ của kình ngư nổi tiếng Ian Thorpe.

Cần nhắc lại là trước ngày khai mạc Olympic, cựu bác sĩ của Đội tuyển Thể dục dụng cụ Trung Quốc Xue Yinxian từng tiết lộ trên tờ Sydney Morning Herald của Úc rằng Trung Quốc từng có chính sách sử dụng doping trong những năm 1980-1990 một cách có hệ thống.

Chen Zhanghao, bác sĩ của đoàn thể thao Trung Quốc hiện tại đã phản bác những ý kiến cho rằng chính sách sử dụng doping vẫn tiếp tục: “Mỹ, Liên Xô và Pháp cũng dính doping đầy ra đó. Tại sao các người cứ chỉ trích Trung Quốc mà lại chừa họ ra”.

Chuyện các VĐV Trung Quốc tại thế vận hội này có dính líu tới doping hay không thì còn chờ đợi, nhưng phải công nhận rằng sau ngôi vô địch toàn đoàn tại Olympic Bắc Kinh, Trung Quốc đã xác định rõ ràng cần phải đưa bơi lội thành một môn thể thao mũi nhọn của họ.

Nên nhớ, tại London 2012, Trung Quốc là đoàn có lực lượng bơi lội hùng hậu nhất với tổng cộng 50 vận động viên (24 nam và 26 nữ). Trong khi đó đội Mỹ - cường quốc số 1 về bơi lội, cũng chỉ có 49 vận động viên và nước chủ nhà Anh có 44 người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trung Quốc: Cường quốc mới về bơi lội?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO