Roland Garros: Federer rộng đường

MINH TRƯỜNG/DNSGCT| 01/06/2013 09:23

Lần đầu tiên kể từ năm 2000, Roger Federer đến Paris mà không có trong tay danh hiệu nào của mùa giải.

Roland Garros: Federer rộng đường

Lần đầu tiên kể từ năm 2000, Roger Federer đến Paris mà không có trong tay danh hiệu nào của mùa giải. Điều bất thường này được giải thích bằng một điều bình thường: phong độ của anh đang giảm dần theo thời gian và ngày càng dễ bị các đối thủ bắt bài.

Đọc E-paper

• Nadal có thể gặp Djokovic ở bán kết

Tránh được cả Djokovic lẫn Nadal trong nhánh của mình và Murray không dự giải vì đau lưng, Federer rộng đường vào chung kết. Nhưng vấn đề là hiện nay anh đang ở đâu?

Tại Roland Garros, tốt hơn là gặp Nadal ở ngày cuối cùng của giải. Việc tay vợt đương kim vô địch và Djokovic có thể phải loại nhau ở bán kết giúp Federer dễ thở hơn.

Tuy nhiên, hành trình vào đến chung kết của Federer sẽ có những chướng ngại gập ghềnh, bắt đầu từ Jo-Wilfried Tsonga, tay vợt chủ nhà được dân Pháp đánh giá là có khả năng đi xa nhất (chiếm 32% trên tổng số 5.500 phiếu), rồi kế tiếp là Tomas Berdych hoặc David Ferrer ở bán kết, nếu những tay vợt này vào sâu đúng như dự đoán.

Kinh nghiệm của các đối thủ nói trên hoàn toàn dày dạn hơn Pablo Carreno-Busta, tay vợt người Tây Ban Nha vượt qua vòng đấu loại và gác vợt trước Federer ở tỷ số 2-6, 2-6, 3-6 tại vòng một. Duy trì lối chơi nhanh, chơi tấn công và đôi công hiệu quả, Federer hài lòng với chính mình ở ngày ra quân và tỏ ra không quan tâm đến vị trí ứng viên.

Ngay sau khi biết mình nằm chung nhánh với Novak Djokovic, Rafael Nadal đã phát biểu: “Thành thật mà nói, điều đó chẳng thay đổi gì cả khi gặp Novak ở chung kết hay bán kết. Có thể nó thay đổi đối với khán giả, nhưng với chúng tôi thì không. Cần phải thắng cả bảy trận đấu (để đoạt giải). Chỉ có vậy thôi”.

Đứng trước khả năng là tay vợt đầu tiên trong lịch sử tám lần đăng quang tại một giải Grand Slam, Nadal cho rằng anh chỉ thống kê thành tích khi kết thúc sự nghiệp.

Việc đoạt sáu danh hiệu và hai lần vào chung kết kể từ khi thi đấu trở lại sau chấn thương gối phải là quá đủấn tượng để anh có thể bảo vệ thành công danh hiệu ở Paris, qua đó bứt phá khỏi vị trí thứ tư hiện nay trên bảng xếp hạng ATP.

Những trận thắng trên sân đất nện gần đây của anh khiến mọi đối thủ e dè, nhưng Nadal cho biết anh cần phải “khẳng định ở vài điểm” tuy nhìn chung là rất hài lòng về lối chơi hiện nay. Dù tại các cuộc họp báo Nadal rất khéo giấu suy nghĩ thật sự của mình, nhưng phát biểu trên có thể phản ánh đúng tâm trạng của anh.

So với trước đây, “cỗ máy” Nadal hoạt động không còn trơn tru. Tại những giải gần đây, anh chơi không đều tay ở vài trận đấu, thậm chí có đến “hai Nadal” trong một trận đấu.

Nadal tự đánh hỏng ngày càng nhiều hơn, dù cuối cùng anh vẫn nghiền nát đối thủ. Cái cảm giác tích cực trong thi đấu nhiều lúc tụt giảm.

Dẫn trước Tsonga 5-1 tại Monte-Carlo mà để đối thủ san bằng cách biệt là điều rất ít thấy ở Nadal. Dù sao đi nữa, Nadal luôn tìm được chìa khóa ở Paris, đặc biệt với thể thức năm ván thắng ba.

Chỉ có điều thời tiết đỏng đảnh ở thủ đô nước Pháp sẽ buộc anh phải tự điều chỉnh nhiều hơn sao cho sức ép không dồn lên đầu gối phải vẫn còn được quấn băng.

Roland Garros qua các con số

6g33: Thời gian trận đấu đơn nam dài nhất trong lịch sử giải, khi Fabrice Santoro thắng Arnaud Clément 6-4, 6-3, 6-7, 3-6, 16-14 ở vòng một giải 2004.

1,5: Trọng lượng (tính bằng đơn vị tấn) số sản phẩm làm từ bột mì được các tay vợt tiêu thụ trong suốt giải 2012.

120: Số kg chuối tiêu thụ ở giải 2012.

30: Số lít thuốc mỡ và dầu massage do 33 thành viên của nhóm liệu pháp hồi phục sử dụng để săn sóc các tay vợt.

330.000: Số sản phẩm “ăn theo” giải được khán giả mua tại các cửa hàng ở Roland Garros.

19: Số nhân viên đan dây vợt thuộc 10 quốc tịch chính thức hoạt động trong 15 ngày tranh tài ở giải 2012. Họ đã đan 3.702 cây vợt (riêng của Rafael Nadal là 60 cây) với chiều dài dây vợt là 44km!

250: Số em nhặt bóng được tuyển chọn qua nhiều giai đoạn thi nghiêm ngặt từ gần 2.500 ứng viên, có độ tuổi từ 12-16.

320: Số trọng tài chính và trọng tài biên làm việc trong 15 ngày.

60.000: Số quả bóng sử dụng ở mỗi lần giải. Từ 2011, Babolat (Pháp) trở thành nhà cung cấp bóng chính thức cho Roland Garros.

430.093: Số khán giả mua vé vào xem giải 2012, một kỷ lục.

1.500.000: Số tiền thưởng (bằng euro) dành cho nhà vô địch đơn 2013. Tay vợt thua ở vòng một nhận được 21.000 euro.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Roland Garros: Federer rộng đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO