Lỗi tại... mùa Đông

PHƯƠNG VY| 02/07/2010 06:29

Lần đầu tiên trong lịch sử, châu Phi có nhiều đại diện ở một Vòng chung kết World Cup (6 đội). So với các đội bóng khác, họ còn được hưởng lợi thế "sân nhà" khi giải đấu lần đầu được tổ chức ở lục địa đen. Thế nhưng, sau khi kết thúc vòng bảng, 5 đội bóng đã phải xách va- li về nước. Tại sao?

Lỗi tại... mùa Đông

Lần đầu tiên trong lịch sử, châu Phi có nhiều đại diện ở một Vòng chung kết (VCK) World Cup (6 đội). So với các đội bóng khác, họ còn được hưởng lợi thế "sân nhà" khi giải đấu lần đầu được tổ chức ở lục địa đen. Thế nhưng, sau khi kết thúc vòng bảng, 5 đội bóng đã phải xách va- li về nước. Tại sao?

Điều dị thường nhất ở World Cup 2010 so với các VCK khác chính là thời tiết và khí hậu. Lẽ thường, ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh phải được tổ chức vào dịp Hè, nhưng Nam Phi thời điểm này đang là những ngày Đông lạnh giá.

Nỗi buồn châu Phi

Một hình ảnh đập vào mắt những khán giả truyền hình chính là việc các cầu thủ dự bị của Pháp phải... đắp chăn ở bên ngoài sân, trong khi rất nhiều đội bóng phải trang bị găng tay cho các cầu thủ. Ở trận Brazil - Triều Tiên trên sân Ellis Park ở thủ đô Pretoria, nhiệt độ trên sân đo được thậm chí còn xuống đến -2 độ C.

Và đối với những cầu thủ châu Phi, vốn được xem là có nền tảng thể lực và sức bền tốt trước nắng nóng sa mạc, thì mùa Đông lại là điều phiền toái nhất. "Thời tiết ở đây lạnh quá, thật là khó thích nghi! Đặc biệt là với các cầu thủ châu Phi, vì chúng tôi không quen phải chịu đựng dưới điều kiện như thế", Asamoah Gyan, tác giả ba bàn thắng cho Ghana.

Ghana cũng là đội bóng duy nhất lọt vào vòng hai, trong khi 5 đại diện kia đều đã phải khăn gói về nước. Ở vòng hai, trận đấu giữa họ và Mỹ diễn ra vào 8g30 tối tại sân Royal Bakofeng, nơi mà khả năng hạn chế sức gió là gần như không có. Ghana từng hai lần không thể tập ở đây vào buổi sáng vì mặt sân bị phủ tuyết.

Tất nhiên, còn khá nhiều lý do dẫn đến thất bại của các đội bóng châu Phi. Đó là thiếu sự dính kết trong đội hình giữa những cầu thủ đang thi đấu trong nước với các "lính lê dương". Bên cạnh đó là sự thiếu kỷ luật và tính tổ chức, điểm yếu cố hữu của bóng đá lục địa đen. Sức ép “chủ nhà” cũng là một nhân tố khác ảnh hưởng đến phong độ của các đại diện châu Phi.

“Chúng tôi không quen với những áp lực khi cứ mỗi lần ra sân là phải khoác lên mình cái danh xưng Niềm hy vọng của cả châu Phi”, một tuyển thủ Ghana giấu tên nói với phóng viên của hãng Reuters. Song, điểm khác biệt có thể nhận thấy rõ ràng nhất là dưới cái lạnh ở Nam Phi, các cầu thủ Tây Phi hay Bắc Phi đã không thể hiện được những tố chất như tốc độ trong những pha theo bóng, so với các đối thủ đã quen với cái lạnh hơn. Việc Cameroon trắng tay hoàn toàn trước những đội bóng phương Bắc như Đan Mạch, Hà Lan, Nhật Bản là một minh chứng.

Theo thống kê sau khi kết thúc của vòng bảng, số điểm trung bình mỗi trận của các đội châu Phi chỉ là 0,8 điểm/trận, bằng 1/3 so với các đại diện Nam Mỹ (2,27), đồng thời cũng kém hẳn các khu vực khác như châu Âu (1,38), châu Á - châu Đại Dương (1,13) hay CONCACAF (1,11).

Một lý do giải thích tại sao những đại diện Nam Mỹ lại thi đấu thành công đến như thế (cả 5 đội đều qua vòng bảng) là vì nhiều sân bóng ở Nam Phi có độ cao lên đến 1.200m trên mực nước biển. Cá biệt như sân Ellis Park có độ cao 1.700m. Trong suốt quá trình vòng loại, những đại diện Nam Mỹ đã phải thi đấu với những điều kiện thậm chí còn khắc nghiệt hơn thế. Sân La Paz của Bolivia ở độ cao 3.300m, gấp đôi Ellis Park. Bởi thế, chiến dịch vòng loại của các đội Nam Mỹ đã trở thành những màn tập dượt khá lý tưởng cho sức chịu đựng ở Nam Phi.

Một VCK kỳ dị với thời tiết của một kỳ... Olympic mùa Đông. Buồn cho châu Phi, vì sẽ phải rất lâu nữa, ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh mới quay lại với lục địa đen. Cũng may là khi đó, nỗi ám ảnh mùa Đông sẽ không đeo đuổi họ nữa.

NHIỀU SUẤT, ĐÁ KÉM HƠN

Hai thập kỷ trước, châu Phi chỉ được phân vỏn vẹn hai suất trong tổng số 24 đội tham dự World Cup 1990, song Cameroon đã lập kỳ tích khi trở thành đội bóng châu Phi đầu tiên lọt vào tứ kết. Con số này tăng dần lên 3 (1994), rồi 5 (1998), và đến bây giờ là 6 (tính cả chủ nhà Nam Phi), song thành tích thì vẫn khá khiêm tốn, thậm chí thua cả châu Á.

2010

Tham dự: Nam Phi (chủ nhà), Bờ Biển Ngà, Algeria,
Cameroon, Nigeria, Ghana.

Thành tích: Ghana (tứ kết), 5 đội còn lại bị loại từ vòng 1

2006

Tham dự: Ghana, Togo, Tunisia, Bờ Biển Ngà, Angola

Thành tích: Ghana (vòng 2), 4 đội còn lại bị loại từ vòng 1

2002

Tham dự: Cameroon, Nigeria, Senegal, Nam Phi, Tunisia

Thành tích: Senegal (tứ kết), 4 đội còn lại bị loại từ vòng 1

1998

Tham dự: Cameroon, Maroc, Nigeria, Nam Phi, Tunisia

Thành tích: Nigeria (vòng 2), 4 đội còn lại bị loại từ vòng 1

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lỗi tại... mùa Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO