Lại bàn về cân bằng thương mại

16/04/2011 08:06

Nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững và cân bằng thương mại toàn cầu của G-20 đang trục trặc và nhiều khả năng tình hình sẽ không có gì thay đổi sau hội nghị bộ trưởng tài chính tại Washington ngày 15/4.

Lại bàn về cân bằng thương mại

Nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững và cân bằng thương mại toàn cầu của G-20 đang trục trặc và nhiều khả năng tình hình sẽ không có gì thay đổi sau hội nghị bộ trưởng tài chính tại Washington ngày 15/4.

Thặng dư thương mại Trung Quốc và thâm hụt Mỹ không có sự thay đổi trong hai năm qua - Ảnh: AFP

Theo báo Wall Street Journal, trong cuộc họp ngày 15/4 bên lề hội thảo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), bộ trưởng tài chính các nước G-20 đã thảo luận về các “hướng dẫn” để xác định tình trạng mất cân bằng kinh tế toàn cầu và phát triển các chính sách đối phó với tình trạng này. G-20 cũng lắng nghe châu Âu trình bày kế hoạch kiểm soát cuộc khủng hoảng nợ công và các biện pháp đối với từng quốc gia đang khủng hoảng, cũng như bảo vệ những nước đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ như Bồ Đào Nha.

Trước hội nghị G-20, đại diện các quốc gia G-7 cũng đã thảo luận về tác động của giá dầu, núi nợ công của các nước và ảnh hưởng của thảm họa động đất - sóng thần ở Nhật Bản đối với nền kinh tế toàn cầu. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner, như Wall Street Journal dẫn lời, tỏ ra lạc quan khi khẳng định nền kinh tế toàn cầu vẫn đang tăng trưởng ở mức độ hợp lý, bất chấp các nguy cơ từ giá dầu, nợ châu Âu hay thảm họa ở Nhật Bản.

Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế nhận định nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng cân bằng của G-20 đang giống như một đoàn tàu trật bánh. Tại hội nghị thượng đỉnh tháng 9/2009, các lãnh đạo G-20 cũng đã cam kết tái cân bằng kinh tế toàn cầu. Điều đó có nghĩa các nước thặng dư lớn như Trung Quốc và Đức cần tăng chi tiêu và nhập khẩu, trong khi những nước thâm hụt lớn như Mỹ cần tăng cường xuất khẩu.

Thế nhưng, mới đây IMF nhận định: “Tái cân bằng nhu cầu toàn cầu không có sự tiến triển”. Tính đến cuối tháng 3/2011, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc, một yếu tố phản ánh sức mạnh xuất khẩu, tăng lên mức kỷ lục 3.000 tỉ USD. Các nền kinh tế lớn không chia sẻ quan điểm về tình trạng mất cân bằng thương mại, do đó các chính sách đưa ra không tương thích nhau. Nhiều chuyên gia lo ngại cuộc họp tại Washington sẽ lại chỉ là một màn đấu khẩu mà thiếu hành động.

Mỹ vẫn duy trì quan điểm Trung Quốc đã dìm giá đồng nhân dân tệ quá thấp để thúc đẩy xuất khẩu và tăng thặng dư thương mại. Trong khi đó, Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác như Brazil lại cho rằng chính các nước phát triển đã gây ra tình trạng mất cân bằng, đồng thời kêu gọi Cục Dự trữ liên bang Mỹ và ngân hàng trung ương các nước phát triển nới lỏng chính sách tiền tệ.

Các nước đang phát triển “cự “ IMF

Mới đây, nhóm G-24 (gồm các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi) lên tiếng cảnh báo IMF đã áp đặt các quy định mới nhằm kiểm soát cách các nước quản lý nguồn vốn đổ vào nền kinh tế nước mình. G-24 cũng bác bỏ đề nghị của IMF về các quy định khung hướng dẫn các nước đối phó với dòng vốn gia tăng và đặt điều kiện đi kèm sự hỗ trợ của IMF.

Đề xuất của IMF bao gồm các biện pháp như nâng giá đồng tiền, mua ngoại hối nếu tỉ lệ dự trữ không đáp ứng quy định, giảm lãi suất, thắt chặt chính sách tài khóa... Tuy nhiên, đại diện G-24 khẳng định việc các nước giàu chống suy thoái bằng chính sách tiền tệ lỏng lẻo đã dẫn đến tình trạng đầu cơ và đẩy dòng vốn nóng đổ ồ ạt vào các nước đang phát triển.

Hồi tháng 6/2010, Trung Quốc bày tỏ thiện chí khi cam kết điều chỉnh linh hoạt tỉ giá đồng nhân dân tệ. Tuy nhiên đến nay, đồng nhân dân tệ chỉ tăng giá 4,5% so với đồng USD và giảm tới 12% so với đồng euro. Trong cuộc họp riêng rẽ ở Trung Quốc hôm 14/4, lãnh đạo năm nền kinh tế mới nổi là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (BRICS) kêu gọi cải tổ hệ thống tiền tệ toàn cầu theo hướng ít phụ thuộc đồng USD.

Báo Financial Times dự báo kết quả cụ thể nhất mà hội nghị bộ trưởng tài chính G-20 lần này có thể đạt được là thỏa thuận về cách đánh giá xem chính sách của một quốc gia có khiến tình trạng mất cân bằng thương mại toàn cầu trở nên tồi tệ hơn hay không. Trong vài tháng tới, bộ trưởng tài chính G-20 sẽ còn hội đàm ít nhất hai lần để xác định các biện pháp đánh giá. Nếu mọi việc diễn ra ổn thỏa, hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Cannes (Pháp) tháng 11 tới sẽ đưa ra danh sách các nước và các chính sách dẫn đến mất cân bằng thương mại toàn cầu kéo dài.

Khi đó, lãnh đạo G-20 sẽ gây sức ép buộc các nước vi phạm thay đổi chính sách. Tuy nhiên, G-20 không đưa ra cơ chế ép buộc, do đó các nước có tên trong danh sách hoàn toàn có thể phớt lờ yêu cầu của G-20. Theo các nguồn tin ngoại giao, G-20 đang tranh cãi gay gắt về danh sách này. Nhiều khả năng Mỹ, Trung Quốc, Nhật và Đức sẽ bị nêu tên, và câu hỏi đặt ra là liệu các nước này có chấp nhận thay đổi hay không.

“Tất cả các bên đều có thái độ sẵn sàng và cởi mở” - Reuters dẫn lời Thứ trưởng Tài chính Đức Joerg Asussen khẳng định. Tuy nhiên, chỉ có thời gian mới có thể đưa ra câu trả lời thật sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lại bàn về cân bằng thương mại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO