FIFA chào đón "cứu tinh" Trung Quốc

THÁI VY| 14/06/2017 06:44

Cơn hoạn nạn của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) có thể là thời cơ để các nhà đầu tư Trung Quốc nhảy vào ứng cứu, và đó là một phần trong kế hoạch đầy tham vọng của nước này.

FIFA chào đón

Cơn hoạn nạn của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) có thể là thời cơ để các nhà đầu tư Trung Quốc nhảy vào ứng cứu, và đó là một phần trong kế hoạch đầy tham vọng của nước này. 

Đọc E-paper

Lần cuối cùng bóng đá Trung Quốc "tỏa sáng" trên cầu trường thế giới là năm 2002, khi họ tham dự vòng chung kết World Cup tổ chức tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Sau 15 năm, họ hiện xếp thứ 82 trên bảng xếp hạng FIFA, sau cả những nền bóng đá nhỏ như đảo Faroe hay Cộng hòa Benin. Thế nhưng, tham vọng phát triển bóng đá và thể thao nói chung của Trung Quốc là không thể bàn cãi.

FIFA ngập màu Trung Quốc

Khán giả bóng đá quốc tế không xa lạ với hình ảnh Sony hay Castrol xuất hiện trên màn hình tivi ở các giải đấu của FIFA. Và giờ, sắp tới tất cả sẽ khoác một chiếc áo mới.

Hơn một tuần trước, trong phông nền của World Cup 2018 (sẽ tổ chức tại Nga), FIFA giới thiệu hợp đồng mới ký với nhà sản xuất điện thoại thông minh Vivo từ Trung Quốc. Một tuyên bố của FIFA khẳng định: "Logo của Vivo sẽ xuất hiện trên bảng quảng cáo bên đường biên trong mọi trận đấu, trên những tấm vé, thông cáo truyền thông và những nền tảng quảng bá quan trọng khác".

FIFA đang cần huy động tài chính với mục tiêu đắp thêm 100 triệu USD cho chu kỳ 4 năm từ sau sự kiện World Cup 2018. Thêm vào đó, chủ tịch mới của liên đoàn này là Gianni Infantino đã hứa sẽ tăng số tiền chia cho 211 liên đoàn thành viên nhằm phát triển môn bóng đá, theo Reuters.

Vivo đã theo chân hãng điện tử Hisense, công ty ký hợp đồng tài trợ với FIFA hồi tháng Tư, và đại gia bất động sản - truyền thông Wanda, đối tác của FIFA từ năm ngoái. Ngoài ra, ông trùm thương mại điện tử của Trung Quốc là Tập đoàn Alibaba cũng ký hợp đồng với giải vô địch thế giới các câu lạc bộ (FIFA Club World Cup) trước Vivo 18 tháng.

>>Trung Quốc ào ạt "mua lại" Châu Âu

Lựa chọn thời điểm cho tham vọng

"Vivo đã được FIFA đón nhận nồng nhiệt, mà đó là lý do tại sao hợp đồng được chốt rất nhanh chóng. Các cuộc thảo luận khó khăn ở số tiền, nhưng kết thúc chưa đầy 100 ngày", CEO của công ty Momentum Sports, môi giới cho thương vụ trên, cho biết.

Tiết lộ của phía Momentum Sports vô tình mô tả chính xác những gì FIFA thực sự đang trải qua: họ quá thiếu tiền.

Cuộc khủng hoảng của FIFA bắt đầu với hàng loạt vấn đề, như việc bóng đá hiện đại cũng ngày càng bị cạnh tranh khá nhiều ở cấp độ câu lạc bộ (UEFA), và kể cả chuyện "Quả bóng vàng" của họ cũng không được tiếp tục thống nhất với giải thưởng France Football.

Câu chuyện France Football một phần cũng diễn tả nguồn cơn thảm họa mà FIFA gánh chịu từ năm 2015, thời điểm nổ ra cuộc khủng hoảng tham nhũng gây chấn động dẫn tới việc Chủ tịch Sepp Blatter và Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) Michel Platini từ chức.

Sau vết nhơ ấy, hàng loạt nhà tài trợ lớn như Sony, Emirates, Castrol, Continental và Johnson & Johnson đều rút khỏi hợp đồng. Năm 2016, FIFA lỗ 391 triệu USD, chủ yếu là chi phí pháp lý gia tăng từ vụ lùm xùm trên, và năm 2017 dự kiến lỗ thêm 489 triệu USD, theo Reuters.

Giữa lúc "dầu sôi lửa bỏng" ấy, Trung Quốc nhảy vào như một mạnh thường quân thứ thiệt. Nguồn tài chính dồi dào từ Đông Á này sẽ là dòng nước mát giải tỏa cho FIFA trong thậm chí 25 năm nữa.

Nói "Trung Quốc" là bởi, các công ty lớn của nước này đều háo hức chớp lấy thời cơ và không quên rằng đó cũng là hành động hợp với kế hoạch phát tiển thể thao mang tầm nhìn 2050 của Chủ tịch Tập Cận Bình - một người có tình yêu đặc biệt với trái bóng tròn.

Mặt khác, sự đầu tư của Trung Quốc vừa qua cũng mới là màn khởi động. Theo quy định FIFA, World Cup phải tổ chức xoay tua giữa các châu lục. Năm 2022 là ở Qatar, một phần châu Á, thế nên ít nhất đến 2030 Trung Quốc mới có thể đăng cai.

Những người Trung Quốc, ví như Phó chủ tịch Liên đoàn bóng đá Trung Quốc Zhang Jian, một thành viên tại Hội đồng FIFA, năm ngoái từng "ướm lời" muốn đăng cai World Cup. Dẫu vẫn còn nhiều ý kiến từ phe cực đoan, như Aleksander Ceferin - Chủ tịch UEFA cho rằng không thể "bán" World Cup chỉ vì tiền, nhưng quả thực cơ hội của Trung Quốc không phải không có.

Đây hẳn là nơi rất nhiều tiền, có kế hoạch hẳn hoi, có sự ủng hộ của chính phủ, và là lối thoát cả về tài chính lẫn chính trị cho các hoạt động thể thao. Sau tất cả, khi người ta còn phải dè chừng các địa điểm như Nga, hay cuộc chia ly về quan điểm của châu Âu, thì Trung Quốc cũng không phải phương án tồi. Hoặc ít nhất, ý tưởng tổ chức ở ba nước Đông Á như Nhật Bản - Hàn Quốc - Trung Quốc cũng khá thú vị.

>>FIFA: Cuộc đối đầu của những ông lớn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
FIFA chào đón "cứu tinh" Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO