Cần những hình phạt thật nặng!

PHƯƠNG VY| 07/05/2014 03:49

Hai video gây sốt trong tuần qua trên internet không phải là những pha ăn mừng bàn thắng hay ghi điểm đẹp mắt mà liên quan đến vấn đề vô cùng nhạy cảm là phân biệt chủng tộc.

Cần những hình phạt thật nặng!

Đầu tiên là hành động nhặt quả chuối lên ăn của hậu vệ Barcelona Daniel Alves, và thứ hai là đoạn ghi âm cho thấy ông chủ của đội bóng rổ Los Angeles Clippers có lời lẽ nhục mạ màu da. Cả hai vụ đều được coi là những trường hợp điển hình minh họa cho việc chống lại tệ phân biệt chủng tộc vốn gây nhức nhối trong làng thể thao như căn bệnh ung thư khó chữa. Việc các cổ động viên quá khích ném chuối về phía các cầu thủ da màu là chuyện không hiếm trên các sân bóng ở châu Âu. Thường thì các cầu thủ bị ném chuối sẽ phản ứng lại hành vi xấu xa đó bằng cách quay lại chửi bới hoặc phàn nàn với trọng tài. Nhưng hậu vệ người Brazil Daniel Alves của Barcelona lại có hành động được coi là khác thường.

Trong trận đấu trên sân của Villarreal, sau khi bị ném chuối lúc đang chuẩn bị thực hiện quả phạt góc, Alves đã bình thản nhặt quả chuối lên rồi...bóc ăn ngon lành, sau đó tiếp tục thực hiện quả đá phạt. Phản ứng "lạ” của Alves đã nhận được sự tán thưởng từ khắp nơi, thậm chí làm dấy lên phong trào... ăn chuối để chống phân biệt chủng tộc với sự tham gia của nhiều ngôi sao thể thao lẫn giải trí. Sau trận đấu, Alves tâm sự rằng anh đã phải đối mặt thường xuyên với sự kỳ thị kể từ khi chuyển tới thi đấu ở châu Âu. Thế nên, việc bình thản đối diện với sự phân biệt ấy lại được coi là cú đấm mạnh giáng vào những kẻ xấu xa kia, nhất là khi nó nhận được sự hưởng ứng rộng rãi. Nó có ý nghĩa như một thông điệp lớn kêu gọi mọi người chung tay làm sạch môi trường bóng đá nói riêng cũng như thể thao nói chung.

Tuy vậy, theo cựu tiền đạo người Pháp Louis Saha, người mà khi còn thi đấu cũng thường xuyên là nạn nhân của tệ phân biệt chủng tộc, thì cách phản ứng của Alves là đáng khen song vẫn chưa đủ. Bởi để hạn chế đến mức tối đa tệ nạn này trong thể thao thì còn cần đến những chế tài mạnh tay của cơ quan chức năng. Bản thân Alves cũng thừa nhận rất khó để làm thay đổi nhận thức của những kẻ có đầu óc phân biệt màu da. Theo Saha thì chỉ có những hình phạt thật nghiêm khắc mới có thể ngăn chặn được tệ nạn trên, giống như cách mà Ban tổ chức giải bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA đã làm. Hồi tuần trước, NBA đã ra quyết định cấm suốt đời, đồng thời phạt 2,5 triệu USD với ông chủ của đội Los Angeles Clippers sau khi ông trùm bất động sản này có lời lẽ phân biệt chủng tộc trong đoạn nói chuyện giữa ông này với bạn gái.

Điều đáng nói là quyết định buộc Sterling phải bán đội Clippers được ba phần tư các ông chủ của 29 đội bóng tại giải NBA thông qua và hình phạt nặng nhất trong lịch sử này đã thực sự tạo nên "quả bom" trong làng thể thao Mỹ. Để hưởng ứng điều đó, ở vòng đấu tiếp theo tại NBA cuối tuần rồi, hàng loạt đội bóng đã ra sân với tất (vớ) màu đen để bày tỏ sự ủng hộ những cầu thủ da màu vốn chiếm phần lớn ở các sân bóng rổ.

Donald Sterling

Trong khi đó, phát biểu tại hội thảo bóng đá toàn cầu tổ chức ở Manchester hôm 2/5 vừa rồi, Saha nói rằng các hình phạt trong bóng đá còn quá nhẹ, chưa đủ khiến những kẻ có hành vi phân biệt chủng tộc phải "chùn tay". Trước các trận đấu quốc tế, Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) đều đề nghị các đội ra sân với lá cờ mang thông điệp "No to Racism". Nhưng theo Saha, thông điệp đó chỉ là lời nói suông chứ không đem lại tác dụng gì nhiều, ngay cả với thông điệp "ăn chuối" mà Alves phát động.

"Tôi thấy cách phản ứng đó rất hay" - Saha phát biểu trong cuộc hội thảo - "Nhưng giờ nhiều người lại xem đó như một trò đùa vui, nên nó đã phản tác dụng". Anh đề nghị các liên đoàn bóng đá nên học người Anh hiện đã áp dụng những hình phạt nặng ngay cả với những lời lẽ phân biệt chủng tộc của các cổ động viên trên Twitter. Những cổ động viên này sẽ bị cấm vào sân, thậm chí là suốt đời, bởi các câu lạc bộ có thể kiểm tra lý lịch của khán giả khi bán vé. Đồng quan điểm với Saha, một cựu cầu thủ da màu khác là John Barnes nói: "Tôi không chỉ trích Sterling hay kẻ ném chuối. Lỗi là ở môi trường mà họ sinh sống. Đây là vấn đề xã hội, nếu cả xã hội cùng lên án thì chắc chắn những điều tệ hại tương tự sẽ không bao giờ xảy ra".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần những hình phạt thật nặng!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO