Bóng bầu dục - hướng mới của thể thao Trung Quốc

THÁI VY| 12/10/2016 05:42

Trong cuộc cải tổ lĩnh vực thể thao, người Trung Quốc tới đây sẽ đón nhận môn bóng bầu dục từ Mỹ như một món ăn tinh thần mới.

Bóng bầu dục - hướng mới của thể thao Trung Quốc

Trong cuộc cải tổ lĩnh vực thể thao, người Trung Quốc tới đây sẽ đón nhận môn bóng bầu dục từ Mỹ như một món ăn tinh thần mới.

Đọc E-paper

Ngày 1/10 đã chứng kiến một cột mốc của bộ môn bóng bầu dục khi thứ "đặc sản" của Mỹ này chính thức được giới thiệu ở sân chơi Trung Quốc. Hơn 11.500 người Trung Quốc đã đến xem trận mở màn của giải vô địch bóng đá kiểu Mỹ ở Trung Quốc, như là cách khai màn cho bộ môn thể thao của người Mỹ trong việc chinh phục người hâm mộ ở đại lục.

Mới mẻ

Tại Mỹ, từ "Football" rất nổi tiếng nhưng không phải là bóng đá có xuất xứ từ nước Anh, mà là bóng bầu dục. Xét tổng quan, Football cũng chính là môn "rugby" mà người Anh dùng để gọi môn thể thao sử dụng quả bóng hình bầu dục, với luật chơi khác hẳn bóng đá (người Mỹ gọi bóng đá là soccer). Và nếu ở Anh, Premier League là giải đấu số 1, thì ở Mỹ có giải NFL (National Football League) với sức hút ngang ngửa giải bóng chuyền NBA (National Basketball Association).

Trong lần đầu tiên chính thức du nhập vào Trung Quốc và hình thành giải vô địch chuyên nghiệp, môn bóng đá của người Mỹ có tên China Arena Football League (CAFL), với 6 đội tham gia, gồm Beijing Lions, Shanghai Skywalkers, Guangzhou Power, Shenzhen Naja, Dalian Dragon Kings và Qingdao Clipper. Người sáng lập nên CAFL là Martin Judge, một ông trùm về môn bóng đá ở Mỹ, đã bắt đầu kế hoạch mang các đội bóng từ giải American Arena Football League tới Trung Quốc từ năm 2012.

Trên thực tế, chưa có người Trung Quốc nào thực sự "chuyên nghiệp" trong bộ môn bóng đá của người Mỹ, kể cả khi vài năm gần đây đã có phong trào phát triển môn thể thao này ở cấp nghiệp dư. Tuy nhiên, Trung Quốc đã kèm theo điều khoản phát triển nhân lực địa phương bằng cách đăng ký 10 cầu thủ Trung Quốc, 10 cầu thủ Mỹ trong tổng số 20 cầu thủ của mỗi đội bóng CAFL nói trên.

Trong các bài viết của tờ Time hay The Los Angeles Times, đa phần người hâm mộ xem bóng đá kiểu Mỹ đều thừa nhận họ không biết gì về luật chơi của môn này, nhưng cảm thấy phấn khích. Nói như ông David Niu - Chủ tịch CAFL, thì môn bóng đá kiểu Mỹ thường rất sôi động với diễn biến dồn dập và các trận đấu luôn có tỷ số cao, thường tổng cộng vài chục bàn thắng, khác với chỉ "vài bàn thắng" hoặc hòa 0 - 0 như môn bóng đá châu Âu. Trong trận đấu cuối tuần trước, Shenzhen Naja thắng Dalian Dragon Kings với tỷ số 47 - 19.

Tạo thói quen

Trung Quốc cũng như đa phần các châu lục khác ngoài Bắc Mỹ, xem bóng đá kiểu châu Âu (football hay soccer của người Mỹ) là môn thể thao thân thuộc. Trung Quốc cũng là nơi có đông đảo cổ động viên của các đội như Manchester United, Arsenal, Chelsea ở Premier League. Đó chắc chắn là rào cản đầu tiên mà môn bóng đá kiểu Mỹ phải vượt qua để chinh phục thị trường khổng lồ 1,4 tỷ dân này.

"Tôi nghĩ rằng trong 5 năm tới, môn bóng đá này có thể trở thành một điểm nhấn tương đối lớn ở Trung Quốc. Tôi rất lạc quan một cách có cân nhắc", The Los Angeles Times ngày 6/10 dẫn lời Xiao Shen, một nhà bình luận về giải NFL của Mỹ trên LeSports.

Trung Quốc lâu nay vẫn nặng về các môn bóng bàn, điền kinh, thể dục dụng cụ... những môn thể thao đem lại cho họ huy chương vàng ở các kỳ Thế vận hội. Sẽ khó khăn để họ chấp nhận một bộ môn mới với luật chơi lạ lẫm và cả yêu cầu cao về thể hình như bóng bầu dục.

Trong các môn thể thao, có thể thấy bóng rổ đã xây dựng tên tuổi khá nhanh, vì người Trung Quốc rất thần tượng Yao Ming - vận động viên bóng rổ đầu tiên làm ngôi sao tại giải NBA. Như cậu bé Liu Sicheng, 10 tuổi, rất muốn làm người Trung Quốc đầu tiên thi đấu tại NFL của Mỹ, và chắc chắn không gì thuận lợi hơn là khởi đầu từ CAFL, một giải đấu sẵn có trong nước.

Thêm vào đó, việc Chính phủ Trung Quốc chủ trương phát triển thể thao về thành tích lẫn kinh tế sẽ là một "liều thuốc bổ trợ" đáng kể cho môn bóng bầu dục tại nước này.

Từ năm 2014, Trung Quốc đã mạnh tay thúc đẩy thể thao thành một trọng điểm kinh tế, với dự án phát triển trên 500% để đạt mốc 750 tỷ USD tính tới năm 2025, chiếm 1,3% GDP theo dự kiến. Trong kế hoạch này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng mong muốn kết hợp rèn luyện sức khỏe và các kỹ năng xã hội cho thế hệ trẻ Trung Quốc.

Tổng giám đốc của CAFL - Gary Morris thừa nhận: "Chính phủ Trung Quốc nói với chúng tôi rằng họ muốn thấy bóng bầu dục giúp các chàng trai Trung Quốc trở thành những người đàn ông thực thụ”.

Để phát triển bóng bầu dục, dĩ nhiên cần đầu tư, và điều này phải đợi những doanh nhân Trung Quốc vào cuộc. Trong hai năm qua, doanh nghiệp Trung Quốc lại đầu tư khá nhiều vào bóng đá kiểu châu Âu, mua các đội ở Premier League, Tây Ban Nha hay Serie A. Điều đó có thể sẽ cần nhiều thời gian để thay đổi.

Mặt khác, một yếu tố không thể bỏ qua là với một môn như bóng bầu dục, việc không khí ô nhiễm ở Trung Quốc thực sự là mối lo, và đã có phản ánh từ những chuyên gia, bác sĩ thể thao từ Mỹ.

>Rio 2016: Trung Quốc "thất bại toàn diện"

>Thêm một đội bóng Anh vào tay người Trung Quốc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bóng bầu dục - hướng mới của thể thao Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO