10 đội bóng huyền thoại trong lịch sử World Cup

02/06/2010 00:13

Mới chỉ có 7 quốc gia được vinh dự nâng cao Cúp vàng bóng đá thế giới để đi vào huyền thoại. Tuy nhiên, bên cạnh đó, có những đội bóng dù không vô địch World Cup nhưng vẫn trở thành huyền thoại.

10 đội bóng huyền thoại trong lịch sử World Cup

Mới chỉ có 7 quốc gia được vinh dự nâng cao Cúp vàng bóng đá thế giới để đi vào huyền thoại. Tuy nhiên, bên cạnh đó, có những đội bóng dù không vô địch World Cup nhưng vẫn trở thành huyền thoại.

Hungary 1954 (á quân):

Là một trong 2 đội bóng duy nhất (cùng với Hà Lan) không phải là đội vô địch nhưng xứng đáng có tên trong danh sách này. Những “gã phù thủy Magyar” đến World Cup 1954 với tư thế của ứng cử viên số một. Và sức mạnh khủng khiếp của Hungary lập tức được thể hiện qua hai trận đầu với 17 bàn thắng (hạ Triều Tiên 9-0 và Đức 8-3). Ghi được tổng số 27 bàn thắng và đánh bại cả Brazil lẫn ĐKVĐ Uruguay đều với tỷ số 4-2, đáng tiếc đội bóng của những huyền thoại Puskas, Kocsis, Hidegkuti bất ngờ thất bại trước Đức với tỷ số 2-3 ở chung kết. 

Brazil 1958 (vô địch):

Đây là kỳ World Cup đánh dấu việc xuất hiện của sơ đồ chiến thuật 4-4-2, nhưng hơn cả là sự tỏa sáng của một thiên tài, Pele. Chàng trai 17 tuổi đã cùng với những cái tên nổi tiếng khác như cặp tiền vệ cánh Garrincha và Didi, tiền vệ trung tâm Mario Zagallo và chân sút Vava lần đầu tiên đem Cúp về cho Brazil. Họ xứng đáng là một trong những tập thể hay nhất còn nhờ lối chơi phóng khoáng và đậm chất cống hiến. 

Brazil của Pele vinh dự được giữ vĩnh viễn Cúp tượng nữ thần Vàng

Brazil 1970 (vô địch):

Với những chân sút đẳng cấp nhất thế giới lúc đó, gồm Pele, Jairzinho, Tostao, Rivelino và Gerson, đội bóng áo vàng xanh luôn được biến đến là đội bóng vĩ đại nhất mọi thời đại. Họ đã toàn thắng cả 6 trận, đặc biệt đã tàn sát những kiêu binh Italia tới 4-1 trong trận chung kết, giành vĩnh viễn Cúp tượng nữ thần Vàng nhờ thành tích 3 lần vô địch World Cup. 

Tây Đức 1974 (vô địch):

Đội hình mơ ước này sở hữu Beckenbauer xuất chúng ở hàng phòng ngự và phía sau là “người gác đền” Sepp Maier, thủ thành vĩ đại nhất trong lịch sử. Ngoài ra, cũng cần kể đến những tài năng khác Breitner, Overath, Bonhof và tay săn bàn khét tiếng Gerd Muller với 14 bàn thắng ở các kỳ World Cup. Các học trò của HLV Helmut Schoen khởi đầu tệ hại khi thua Đông Đức 0-1. Tuy nhiên, càng chơi càng hay, họ đã tiến đến trận chung kết gặp Hà Lan. Bị thủng lưới ngay phút đầu tiên bởi quả phạt đền của Neesken, đội chủ nhà đã thể hiện ý chí thép, lật ngược tình thế thắng 2-1. 

Hà Lan 1974 (á quân):

Cruyff và đồng đội đã tạo nên một đội bóng huyền thoại

Tuy không thể bước lên bục cao nhất sau thất bại 1-2 trước chủ nhà Tây Đức trong trận chung kết được cho là “khó hiểu và kỳ lạ nhất” lịch sử World Cup, nhưng đoàn quân của HLV Rinus Michel với những Johann Cruyff, Neeskens, Rep, Rensenbrink... vẫn rất xứng đáng có tên trong danh sách những đội bóng xuất sắc nhất. 

“Cơn lốc màu da cam” đã trình làng lối đá tấn công tổng lực, mạnh mẽ và nhanh đến chóng mặt, khuất phục bao đối thủ, khiến tất cả phải kiêng nể. Lần lượt những đội bóng mạnh nhất lúc bấy giờ đều bị Hà Lan đánh bại, đáng kể là chiến thắng trước Bulgaria (4-1), Argentina (4-0) và ĐKVĐ Brazil (2-0). 

Argentina 1978 (vô địch):

Đội quân tango đã may mắn khi thắng Peru đến 6-0 ở lượt trận cuối cùng ở vòng bảng thứ 2 để qua mặt Brazil, giành vé vào chung kết nhờ hơn hiệu số bàn thắng. Tuy vậy, không thể phủ nhận Argentina năm 1978 thậm chí còn mạnh hơn thời điểm đăng quang cùng Maradona 8 năm sau. Tuyến trên của họ có vua phá lưới Mario Kempes, tuyến giữa có Leopoldo Luque và Ossie Ardiles mưu mô, còn tuyến dưới là thủ quân “máy quét” Daniel Passarelle. Tất cả được chỉ huy bởi HLV tài ba Cesar Menotti. 

Italia 1982 (vô địch):

Đội bóng của đất nước hình chiếc ủng khởi đầu giải một cách chậm chạp với 3 trận hòa liên tiếp. Tuy nhiên, họ đã trở thành một “cỗ máy” hoàn hảo kể từ vòng đấu loại trực tiếp khi lần lượt vượt qua những ứng cử viên nặng ký nhất gồm Argentina, Brazil, Balan và Tây Đức để lần thứ 3 giành chức vô địch thế giới. Sức mạnh của Italia năm 1982 trải đều ở tất cả các tuyến với một Dino Zoff dù 40 tuổi vẫn “bắt tốt”, 2 tấm lá chắn thép Gentile và Scirea ở hàng phòng ngự, Bruno Conti nguy hiểm ở cánh và nhất là Paolo Rossi ở tuyến trên với 6 bàn trong 3 trận. 

Argentina 1986 (vô địch):

Maradona dẫn dắt đội bóng xứ tango lên ngôi cao nhất

Với “cậu bé Vàng” trong đội hình, Argentina đã là một đội bóng lớn. Ngoài ra, với một dàn cầu thủ đạt độ chín như Burruchaga, Valdano hay Ruggeri, đội bóng xứ tango đã lên ngôi vô địch thế giới lần thứ 2 rất xứng đáng. Hẳn ai cũng nhớ, huyền thoại Maradona đã lập cú đúp vào lưới đội tuyển Anh trong trận chung kết, bàn mở tỷ số là “bàn tay của Chúa”, còn bàn ấn định chiến thắng 2-1 là pha đi bóng qua 5 hậu vệ của “Tam sư”. 

Tây Đức 1990 (vô địch):

Đoàn quân của HLV Beckenbauer năm 1990 là một tập thể hết sức thực dụng và được xem là khó đánh bại nhất trong lịch sử. Nền tảng của mọi thắng lợi là bộ ba Matthaus - Kohler - Augenthaler, trong đó tiền vệ của Inter giữ vai trò thống lĩnh khu trung tuyến còn hai cầu thủ sau là "gọng kìm thép" bẻ gãy mọi đợt tấn công của đối thủ. Khi cần bàn thắng, hậu vệ cánh Brehme và tiền vệ Hassler sẽ đóng vai trò xúc tác cho cặp tiền đạo Klinsmann - Voeller. Cùng với sự tỏa sáng của cầu thủ xuất sắc nhất thế giới năm đó Matthaus, họ đã thanh toán sòng phẳng món nợ với người Argentina để lần thứ 3 đăng quang. 

Pháp 1998 (vô địch):

Lần thứ hai đăng cai tổ chức vòng chung kết bóng đá thế giới sau 60 năm, đội bóng áo lam đã sản sinh ra một thế hệ tài năng đủ sức vươn lên đỉnh cao nhất. Zidane dĩ nhiên là ngôi sao, nhưng tiền vệ thu hồi bóng Deschamps và bộ tứ hậu vệ Lizarazu, Desailly, Blanc, Thuram mới thực sự là nền tảng của thành công. Trong trận chung kết, họ đã đánh bại Brazil với 3 bàn không gỡ để lần đầu tiên vô địch thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
10 đội bóng huyền thoại trong lịch sử World Cup
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO