Thâu tóm doanh nghiệp: Đẩy giá cổ phiếu tăng vọt

Gia Lê| 29/09/2021 09:21

Diễn biến thuận lợi của thị trường chứng khoán góp phần giúp doanh nghiệp (DN) dễ dàng huy động vốn, không chỉ phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ mà còn phát hành trái phiếu để huy động nguồn vốn dài hạn nhằm tăng cường nguồn lực tài chính, thúc đẩy các thương vụ thâu tóm DN...

Cổ phiếu Công ty CP Xây dựng và Đầu tư Trường Giang tính từ đầu năm đến nay đã tăng gần 60 lần, từ mức quanh 1.200 đồng/cổ phiếu lên tận vùng 70.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghiệp Bảo Thư cũng có mức tăng hơn 8,6 lần, nếu so với thời điểm cuối tháng 11 năm ngoái tăng đến gần 24 lần.

Chất xúc tác đẩy giá hai cổ phiếu này tăng mạnh đều đến từ thương vụ thâu tóm của nhóm Louis Holdings, khi tập đoàn này đã thâu tóm thành công BII và mua trên 51% cổ phần của TGG. Những thương vụ thâu tóm liên tục gần đây của nhóm này ở các công ty như Xuất nhập khẩu An Giang, Sametel và Chứng khoán APG đều góp phần đẩy giá cổ phiếu các công ty này tăng mạnh.

Ngay cả những thương vụ dường như chỉ dừng lại ở mục đích đầu tư tài chính như rót vốn vào Công ty CP DAP - VINACHEM hay gần đây là Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức, cũng đều thu hút nhà đầu tư đua nhau mua, đẩy giá cổ phiếu tăng trần liên tục sau đó. Sự “mát tay” của nhóm cổ đông Louis khiến không ít nhà đầu tư phong cho tổ chức này như vị vua huyền thoại Midas, chạm vào đâu chỗ đó liền biến thành vàng! Được biết, Louis Holdings là tập đoàn lớn trong lĩnh vực xuất khẩu gạo với thương hiệu nổi tiếng Gạo Trắng Louis Rice. 

Những thương vụ thâu tóm liên tục của nhóm Louis đẩy giá cổ phiếu tăng vọt đang phản ánh môi trường tiền rẻ tràn ngập, những DN có nguồn vốn dư thừa nhưng không thể mở rộng sản xuất, kinh doanh nên đã chuyển sang thâu tóm DN khác, nhất là khi đại dịch Covid-19 đã đẩy không ít DN rơi vào cảnh khó khăn và thiếu vốn trầm trọng.

bai-1-2929-1632711887.jpg

Báo cáo “Kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế theo pháp luật cạnh tranh giai đoạn 7/2019 - 7/2021” vừa được Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng công bố mới đây cho biết, khó khăn do Covid-19 gây ra với sự đứt gãy chuỗi cung ứng đã tạo ra động lực để DN hợp tác thông qua các hình thức tập trung kinh tế, mua bán và sáp nhập (M&A). Dự báo các DN nước ngoài sẽ gia tăng mua lại và đầu tư gián tiếp vào DN các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, sẽ diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới.

Diễn biến thuận lợi của thị trường chứng khoán cũng góp phần giúp DN dễ dàng huy động vốn, không chỉ phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ mà còn phát hành trái phiếu để huy động nguồn vốn dài hạn để mở rộng sản xuất, kinh doanh, thậm chí để thúc đẩy các thương vụ thâu tóm. Như trường hợp các DN của Louis nói trên đã lên kế hoạch phát hành tăng vốn khủng để đầu tư dự án mới hoặc tiếp tục góp vốn vào các đơn vị khác.

Việc đua nhau mua dựa trên các tin đồn hoặc “ăn theo” các thương vụ thâu tóm thiếu thực chất có thể đẩy nhà đầu tư đối mặt với những rủi ro khó lường trước. Thực tế, các thương vụ thâu tóm dù theo chiều dọc hay chiều ngang thì sau đó luôn phải đi kèm theo việc tái cấu trúc hoạt động của DN thì mới mong bền vững.

Bất chấp điều này, cũng như kết quả kinh doanh không có gì nổi trội, những cổ phiếu thuộc “họ Louis” vẫn tiếp tục tăng, dù cũng có thời điểm đột ngột giảm sàn với khối lượng khủng khi có những thông tin cho rằng những cổ phiếu này đang bị thao túng trắng trợn.

Trong khi đó, trên các diễn đàn chứng khoán, nhà đầu tư vẫn kháo nhau về cổ phiếu này cổ phiếu kia có thể rơi vào tầm ngắm của nhóm Louis nhằm đẩy giá và lôi kéo các nhà đầu tư khác mua theo.

Dù vậy, việc đua nhau mua cổ phiếu dựa trên tin đồn hoặc “ăn theo” các thương vụ thâu tóm thiếu thực chất có thể đẩy nhà đầu tư đối mặt với những rủi ro khó lường.

Thực tế, các thương vụ thâu tóm dù theo chiều dọc hay chiều ngang thì sau đó luôn phải đi kèm với việc tái cấu trúc hoạt động của DN, cải thiện kết quả kinh doanh, nâng cao năng lực tài chính thì mới mong bền vững. 

Còn nếu như thâu tóm chỉ nhằm tạo “sóng cổ phiếu”, hoặc thâu tóm tràn lan khiến hoạt động của nhóm Louis dàn trải, thiếu định hướng ngành nghề cốt lõi, có thể đẩy DN vào thế phải đối mặt với những rủi ro bất ổn.

Trong khi đó, việc thâu tóm, đầu tư tài chính nhằm tạo “sóng cổ phiếu” thì trước sau gì nhóm cổ đông này cũng sẽ bán ra trở lại. Thực tế là mới đây Louis Capital - thành viên trong nhóm Louis Holdings đã đăng ký thoái toàn bộ cổ phiếu tại AGM. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thâu tóm doanh nghiệp: Đẩy giá cổ phiếu tăng vọt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO