Thất bại với Mỹ, Triều Tiên tìm hậu thuẫn từ Nga

Lê Phan| 25/04/2019 09:14

Sau cuộc đàm phán thất bại về tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào cuối tháng 2, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong- un sắp sửa có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào cuối tháng 4 này. Phải chăng Triều Tiên đang muốn tìm hậu thuẫn nơi Moksva sau thất bại với Mỹ?

Thất bại với Mỹ, Triều Tiên tìm hậu thuẫn từ Nga

Nhiều lý do để thăm Nga

Mới đây Điện Kremlin ra thông cáo cho biết lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ thăm Nga vào cuối tháng 4 theo lời mời của Tổng thống Vladimir Putin. Lần gặp gần đây nhất giữa lãnh đạo cấp cao hai nước là vào năm 2011, khi đó lãnh đạo Kim Jong-il đi xe lửa đến thăm Nga và gặp Tổng thống Nga lúc đó là ông Dmitry Medvedev.

Trước diễn biến này, một số ý kiến cho rằng Triều Tiên có thể tìm cách xích lại gần Nga hơn sau khi không đạt được kết quả đàm phán với Mỹ, trước tình hình nền kinh tế nước này vẫn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, có nhiều lý do khác để ông Kim thăm Nga trong bối cảnh hiện nay.

Thứ nhất, về mặt lịch sử, Nga luôn là một đối tác quan trọng với Triều Tiên và đã từng nhiều lần hỗ trợ cho nước này, trong thời kỳ chiến tranh Triều Tiên lẫn thời kỳ hậu chiến và giai đoạn chiến tranh lạnh sau này. Nga cũng từng là một trong các nước tham gia cuộc đàm phán sáu bên về giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, bên cạnh Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên, cũng như nhiều lần kêu gọi Mỹ giảm các gói trừng phạt lên Triều Tiên đển thể hiện thiện chí đối với những động thái tích cực thời gian qua của Bình Nhưỡng.

Thứ hai, không như người cha quá cố có xu hướng đóng cửa đất nước, lãnh đạo Kim Jong-un luôn thể hiện mong muốn đa dạng hóa các mối quan hệ, hạn chế phụ thuộc quá lớn vào Bắc Kinh. Kể từ khi lên nắm quyền đến nay, ông Kim đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bốn lần, gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ba lần và gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump hai lần, nhưng lại chưa có cuộc gặp nào với Tổng thống Nga Putin, do đó một cuộc gặp là cần thiết vào lúc này. 

Cũng không loại trừ khả năng Triều Tiên muốn kéo Nga tham gia trở lại các cuộc đàm phán nhiều bên về tiến trình giải giáp hạt nhân, thay vì đàm phán song phương với Mỹ theo mong muốn của Tổng thống Trump mà có thể khiến ông Kim thất thế và chịu nhiều sức ép, nhất là khi những năm gần đây Nga đề xuất nối lại các cuộc đàm phán sáu bên

Thứ ba, cuộc gặp lần này để hiện thực hóa kế hoạch gặp nhau giữa hai nhà lãnh đạo, khi mà Tổng thống Putin đã gửi lời mời ông Kim Jong-un tới thăm Nga từ tháng 6/2018, chỉ hai ngày sau thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất tại Singapore. Tuy nhiên, trong nỗ lực ngoại giao và đàm phán với Mỹ thì ông Kim đã trì hoãn cuộc gặp với Nga để tránh mất lòng Tổng thống Trump, nhưng với cuộc gặp thất bại gần đây tại Hà Nội thì việc tìm thêm đối trọng từ phía Nga có lẽ là cần thiết.

Vẫn để ngỏ cơ hội thượng đỉnh với Mỹ lần ba

Theo giới phân tích, kể từ sau cuộc gặp thất bại với Mỹ cách nay gần hai tháng, Triều Tiên đã có một loạt động thái gây sự chú ý, từ lời đe dọa có thể phóng tên lửa và thử hạt nhân trở lại, thử vũ khí chiến thuật mới, cho đến lên kế hoạch cuộc gặp với Nga. Việc gặp Tổng thống Putin cũng giúp Kim Jong-un cho Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc thấy Triều Tiên còn một người bạn khác để dựa vào khi đối mặt với áp lực trừng phạt.

Cũng không loại trừ khả năng Triều Tiên muốn kéo Nga tham gia trở lại các cuộc đàm phán nhiều bên về tiến trình giải giáp hạt nhân, thay vì đàm phán song phương với Mỹ theo mong muốn của Tổng thống Trump  mà có thể khiến ông Kim thất thế và chịu nhiều sức ép, nhất là khi những năm gần đây Nga còn đề xuất nối lại các cuộc đàm phán sáu bên. 

Nếu có thêm Nga tham gia cùng với đồng minh thân cận là Trung Quốc vào các cuộc đàm phán với Mỹ, Triều Tiên có thể hạn chế bớt những điều khoản quá khắt khe được đưa ra từ phía chính quyền Trump, cũng như đảm bảo khả năng Mỹ sẽ không đột ngột phá vỡ các thỏa thuận. Hội nghị thượng đỉnh với Nga còn giúp Triều Tiên có được sự ủng hộ từ một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Moskva có thể phủ quyết bất cứ đề xuất nào của Washington về việc áp đặt lệnh trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên.

Về phía Nga, dù quan trọng nhất hiện nay là ở Trung Đông chứ không phải Đông Á, khi mà nước này đã đổ công sức và tiền bạc vào mặt trận Syria cũng không có nghĩa Tổng thống Putin phớt lờ bán đảo Triều Tiên. Với vị trí địa lý gần kề, Moksva vẫn xem bán đảo Triều Tiên là ưu tiên thứ hai trong các vấn đề đáng quan tâm của chính sách ngoại giao Nga, và sự ổn định, hòa bình trên bán đảo Triều Tiên cần được duy trì là điều quan trọng nhất. Rõ ràng Nga hoàn toàn không muốn xảy ra một cuộc xung đột ngay cạnh biên giới của mình

Phản hồi về việc Mỹ gần đây cho biết đang suy nghĩ về hội nghị thượng đỉnh lần ba và ám chỉ rằng muốn giải quyết vấn đề thông qua đối thoại với Triều Tiên, ông Kim cho rằng Mỹ cần phải thay đổi và tiếp cận đàm phán theo lập trường mới. Bộ Ngoại giao Triều Tiên cũng muốn loại Ngoại trưởng Mỹ khỏi các cuộc đàm phán trong tương lai, khi yêu cầu một đối tác "cẩn thận và thành thực" hơn Pompeo trong trường hợp đàm phán Mỹ - Triều được nối lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thất bại với Mỹ, Triều Tiên tìm hậu thuẫn từ Nga
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO