Thành tựu ngót nửa thế kỷ thống nhất đất nước (*)
Ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử khi kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc kéo dài 30 năm. Khát vọng về một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh sánh vai với các cường quốc năm châu từng bước thành hiện thực.
Giá trị của độc lập - Tự Do
Chiến thắng trong hai cuộc chiến tranh giữ nước vào ngày 30/4/1975 về cơ bản đã kết thúc cuộc chiến kéo dài 30 năm khi nước nhà phải liên tục đương đầu với các thế lực hùng mạnh nhất thời đại. Chiến thắng này là sự vĩ đại nhưng cái giá phải trả là không nhỏ. Nhưng vì độc lập - tự do, vì quyền tự quyết của dân tộc nên nhân dân Việt Nam sẵn sàng đổi bằng máu xương để có được những quyền này.
Đất nước liền một dải nhưng trên mình đầy thương tích. Việc đầu tiên phải làm là hàn gắn vết thương chiến tranh, chăm lo đời sống nhân dân sau những năm dài nền kinh tế bị tàn phá nặng nề và phải thắt lưng buộc bụng cho kháng chiến. Bộ máy quản trị quốc gia vốn chỉ quen với chiến trận nay phải tìm cơ chế, mô hình phát triển để đưa đất nước hội nhập thế giới trong bối cảnh nền kinh tế bị bao vây, cấm vận.
Sau 30 năm chiến tranh (1945 - 1975), một bộ phận lớn nguồn nhân lực trẻ khỏe đều phải ra chiến trường, nhiều người trong số họ đã ngã xuống, một bộ phận khác bị thương tật, nhiễm chất độc dioxin, khiến lực lượng lao động bị tổn thất nặng nề. Nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, sản xuất quy mô nhỏ, tiềm lực yếu kém. Năm 1975, GDP bình quân đầu người đạt 232 đồng, tương đương 80 USD, thuộc vào nhóm nghèo nhất thế giới.
Thực hiện hai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội là kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976-1980) và kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981-1985), nhân dân Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng: Khắc phục từng bước hậu quả nặng nề của chiến tranh, khôi phục phần lớn những cơ sở công nghiệp, giao thông ở miền Bắc và xây dựng lại các vùng nông thôn ở miền Nam bị chiến tranh tàn phá. Nhưng nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi việc dựa vào viện trợ của nước ngoài, hơn thế, Nhà nước quản lý nền kinh tế chủ yếu bằng mệnh lệnh hành chính dựa trên hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh áp đặt từ trên xuống dưới; doanh nghiệp hoạt động trên cơ sở các quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và chỉ tiêu pháp lệnh được giao. Cơ chế quản lý kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp đã kìm hãm nguồn lực và làm cho nền kinh tế trở nên thiếu năng động, kém hiệu quả.
Công cuộc đổi mới kinh tế từ năm 1986
Từ việc “xé rào” của TP.HCM, Nhà nước bắt đầu có một số thay đổi trong chính sách quản lý kinh tế để rồi đi đến quyết định đổi mới, chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch tập trung, bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, hoạt động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước.
Đường lối đổi mới của Đảng nhanh chóng khơi dậy tiềm năng và sức sáng tạo của các loại hình kinh tế để phát triển sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, tăng sản phẩm cho xã hội. Giai đoạn 1986-2000, tổng sản phẩm trong nước bình quân mỗi năm tăng 6,51%, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,72%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,06%, khu vực dịch vụ tăng 6,66%. Đó là tốc độ tăng trưởng cao thuộc hàng “top” của thế giới.
Con số từ Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2000, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 24,53% GDP, giảm 13,53% so với năm 1986, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36,73%, tăng 7,85%, khu vực dịch vụ chiếm 38,74%, tăng 5,68%. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế là đúng hướng và phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Một trong những thành tựu kinh tế to lớn của thời kỳ đổi mới là phát triển sản xuất nông nghiệp. Từ cách tổ chức sản xuất theo mô hình hợp tác xã, Việt Nam đã giao khoán đến hộ nông dân, thừa nhận hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ ở nông thôn, đánh dấu sự mở đầu của thời kỳ đổi mới trong nông nghiệp và nông thôn nước ta.
Khi nông dân được trao quyền tự chủ sản xuất và được hưởng thành quả từ sự tự chủ ấy, năng suất đã không ngừng tăng. Ngành nông nghiệp đã đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đưa Việt Nam từ nước thiếu gạo trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới.
Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, GDP 26,3 tỷ USD trong những năm đầu đổi mới, trong gần 40 năm qua, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 430 tỷ USD năm 2023, GDP bình quân đầu người đạt mức 4.300 USD, tăng 58 lần so với những năm đầu đổi mới, tỷ lệ hộ theo chuẩn nghèo đa chiều còn 2,9%.
Những thành quả về xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam trong thời gian qua được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những thành công nổi bật trong công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế.
Chủ động hội nhập quốc tế
Từ những thành tựu kinh tế ban đầu, nền kinh tế Việt Nam tăng cường hướng ngoại. Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chúng ta đã phá thế bị bao vây, cấm vận, tạo dựng và củng cố ngày càng vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, thuận lợi cho công cuộc đổi mới; tạo dựng được môi trường quốc tế thuận lợi và huy động được các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội…”.
Đối ngoại, ngoại giao đóng vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới được nâng cao, đóng góp tích cực và đầy tinh thần trách nhiệm vào việc giữ vững hòa bình, hợp tác phát triển và tiến bộ trên thế giới.
Qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường, đồng thời, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Từ một nền kinh tế khép kín, Việt Nam thành một nền kinh tế có mức hội nhập toàn cầu khi trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 thế giới, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt gần 700 tỷ USD, thu hút đầu tư từ nước ngoài đạt 23 tỷ USD, là mức đầu tư cao nhất của Việt Nam từ trước đến nay.
Việc hội nhập sâu rộng với các nước trên thế giới khiến Việt Nam có cơ hội tiếp thu tinh hoa của thế giới, thu thập thêm nhiều bài học kinh nghiệm trong việc hoạch định đường lối phát triển, cải cách hệ thống chính sách, đạt được những mục tiêu đề ra trong phát triển bền vững với tầm nhìn hướng tới 100 năm lập nước - 2045.
(*) Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.