“Thanh lọc” thị trường sữa

H.NGA - T.PHƯƠNG| 06/10/2008 03:57

Thông tin sữa Trung Quốc nhiễm melamine gây sỏi thận khiến người tiêu dùng trong nước hoang mang, lo lắng. Để làm“trong sạch” thị trường sữa, cùng với Nhà nước, các doanh nghiệp, nhà kinh doanh đã vào cuộc!

“Thanh lọc” thị trường sữa

Thông tin sữa Trung Quốc nhiễm melamine gây sỏi thận khiến người tiêu dùng trong nước hoang mang, lo lắng. Để làm“trong sạch” thị trường sữa, cùng với Nhà nước, các doanh nghiệp, nhà kinh doanh đã vào cuộc!

Hàng ngàn thùng sữa Yili Trung Quốc do Công ty Kim Ấn nhập có chứa độc chất melamine.

"Sữa bẩn" có mặt khắp nơi

Ngay sau khi thông tin sữa Trung Quốc chứa chất melamine, các cơ quan chức năng Việt Nam đã vào cuộc kiểm tra, “thanh lọc thị trường sữa”. Và chỉ trong vòng hai tuần lễ, lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ hàng ngàn tấn sữa Trung Quốc và sữa không có nguồn gốc.

Lãnh đạo Chi cục Quản lý Thị trường (QLTT) TP.HCM cho biết, đợt cao điểm kiểm tra này đã phát hiện nhiều vi phạm trong kinh doanh, sản xuất. Nổi cộm nhất là vi phạm về nguyên liệu đầu vào sản xuất bột sữa và các sản phẩm sữa, cũng như xuất xứ nhãn hiệu hàng hóa của các loại sữa nhập.

Mặc dù hiện nay, hầu hết các điểm kinh doanh sữa bột tại TP.HCM đã khá dè dặt, đề phòng sự kiểm tra của các cơ quan chức năng bằng việc không kinh doanh công khai mặt hàng sữa bột ngoại nhập của Trung Quốc hoặc không rõ xuất xứ, nhưng các đoàn kiểm tra vẫn liên tục phát hiện nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng.

Cụ thể, tại TP.HCM, chỉ trong ngày 23/9, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện 3 vụ vi phạm về sữa bột. Trong đó, nổi bật nhất là Công ty TNHH Đức Long Hãng (278/22 Tô Hiến Thành, quận 10) kinh doanh 135 bao sữa bột với hơn 5,3 tấn không nhãn hiệu, không xuất xứ hàng hóa.

Trước đó, ngày 22/9, đoàn kiểm tra chuyên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm Sở Y tế TP.HCM cũng đã kiểm tra hoạt động kinh doanh của Công ty TNHH Kim Ấn (182/19 Bis Lê Văn Sỹ, phường 10, quận Phú Nhuận) do bà Phan Thị Túy Vân làm giám đốc.

Tại đây, đoàn đã phát hiện lô hàng 1.484 thùng sữa tươi tiệt trùng do Công ty Inner Mongolia YiLi Industrial Group, Trung Quốc sản xuất chứa chất melamine.

Còn tại Hà Nội, đoàn kiểm tra liên ngành cũng đã phát hiện Công ty cổ phần sữa Hà Nội (Hanoi Milk) chứa gần 280 tấn sữa nguyên kem của Công ty Long Com và Fuli (Trung Quốc). Điều đáng nói là hơn một nửa lượng sữa này đã sắp hết hạn sử dụng...

Trước thực trạng này, cùng với việc kiểm tra nguồn sữa trên thị trường, Bộ Y tế đã ra quyết định thanh tra đột xuất về vệ sinh an toàn thực phẩm tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm sữa và sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu sữa. Theo đó, Bộ sẽ thành lập hai đoàn thanh tra liên ngành, phối hợp với Quản lý Thị trường thuộc Bộ Công Thương và hai đơn vị của Bộ Công an tiếp tục vào cuộc “thanh lọc sữa bẩn”.

Có khá nhiều những bao sữa như thế này trên thị trường.

Nhà sản xuất kinh doanh vào cuộc

“Sữa bẩn” tràn lan trên thị trường làm người tiêu dùng băn khoăn về chất lượng của cả những loại sữa từ các nước khác. Chính vì vậy, để “cứu mình” không bị “vết dầu loang - melamine”, các doanh nghiệp đã phải làm những thủ tục cần thiết: đưa sản phẩm của mình đi kiểm nghiệm.

Đi đầu trong việc thực hiện kiểm tra melamine là hai “đại gia” trong làng sữa Việt Nam: Vinamilk và Nutifood. Ngay sau khi có thông tin về vụ “sữa bẩn”, Vinamilk đã đưa tất cả các nguyên liệu đầu vào và thành phẩm, kể cả dòng sữa tươi 100% sử dụng nguyên liệu trong nước đến Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm (Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM) để kiểm tra.

Kết quả thu được từ các kiểm nghiệm này là không có chất melamine trong nguyên liệu và thành phẩm của Vinamilk. Ông Trần Bảo Minh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) - cho biết, Công ty không nhập nguyên liệu từ Trung Quốc mà sử dụng nguồn sữa tươi mua từ các hộ chăn nuôi bò sữa trong nước và sữa bột nhập từ Mỹ, châu Âu và New Zealand.

Tất cả nguyên liệu trước khi đưa vào sản xuất đều được Vinamilk kiểm tra chặt chẽ.Tuy nhiên, “để đảm bảo không có bất kỳ rủi ro nào cho khách hàng đang sử dụng các sản phẩm của Vinamilk, chúng tôi phải làm những xét nghiệm trên”, ông Minh khẳng định.

Còn theo bà Trần Thị Lệ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nutifood, toàn bộ nguồn nguyên liệu sản xuất các sản phẩm của Công ty từ trước đến nay đều nhập từ Úc, Đan Mạch và New Zealand. Tất cả các lô nguyên liệu nhập về đến cảng Việt Nam đều được lấy mẫu đưa đến Trung tâm 3 kiểm tra cho kết quả đúng với đăng ký thì mới được thông quan.

Sau sự kiện xảy ra ở Trung Quốc, Công ty đã yêu cầu các nhà cung cấp nguyên liệu sữa từ 3 nước trên cung cấp kết quả kiểm soát chất lượng nguyên liệu ở nước xuất khẩu, đồng thời đưa mẫu sản phẩm của Nutifood đi kiểm tra tại Viện Y tế công cộng và Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm.

Chiều 24/9, Nutifood đã nhận được kết quả kiểm tra chất lượng từ các đối tác, trong đó khẳng định nguyên liệu các đơn vị này không có chất melamine, riêng các sản phẩm của Nutifood đưa đi kiểm tra vẫn đang chờ kết quả.

Trong khi các nhà sản xuất đang bằng mọi cách khẳng định chất lượng sữa của công ty mình thì các nhà phân phối cũng ráo riết lên kế hoạch kiểm tra nguồn hàng đang phân phối. Bà Phạm Thị Thanh Tuyền, Giám đốc marketing Saigon Co.op, cho biết: “Lâu nay, Saigon Co.op rất chú trọng đến việc kiểm tra đầu vào hàng hóa.

Để đưa hàng vào kinh doanh tại hệ thống Co.op Mart, cả hàng nhập khẩu lẫn hàng đóng gói tại Việt Nam sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, chúng tôi đều yêu cầu phải xuất trình những giấy tờ chứng nhận theo đúng quy định.

Và trước sự cố này, chúng tôi đã thông báo đến tất cả các nhà cung cấp sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa phải cung cấp phiếu kiểm nghiệm chất lượng mới nhất cho Saigon Co.op, hạn chót vào ngày 30/9”.

Ráo riết hơn, ngoài những giấy tờ theo đúng quy định của Nhà nước, Ban giám đốc hệ thống siêu thị Maximark còn tự mình mang mẫu đi kiểm tra. “Trong tình hình này, để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, siêu thị sẽ chọn ngẫu nhiên 50 - 100 mặt hàng thực phẩm có nguồn gốc chế biến từ sữa để đưa đi kiểm nghiệm xem thử có melamine hay không.

Và dĩ nhiên, mặt hàng nào vi phạm sẽ bị đưa ra khỏi danh mục kinh doanh của siêu thị”, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Giám đốc siêu thị Maximark Cộng Hòa khẳng định.

Không chỉ với sữa, ngay chiều ngày 26/9, Saigon Co.op đã ngưng kinh doanh các sản phẩm bánh kẹo M&M, Snickers và Dove Chocolate của Công ty Kim Liên để chờ kết quả kiểm nghiệm từ nhà cung cấp, đồng thời đơn vị này cũng cho thu hồi tất cả các loại bánh kẹo của Công ty cổ phần Phạm Nguyên sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc trên toàn hệ thống Co.op Mart.

Saigon Co.op chỉ bày bán trở lại các sản phẩm của Phạm Nguyên sau khi Công ty có giấy kiểm nghiệm xác định sản phẩm không có melamine.

Theo thống kê của các nhà sản xuất và kinh doanh, “vết dầu này vẫn chưa loang” đến các đơn vị sản xuất trong nước. Bà Trần Thị Lệ khẳng định: “Chưa biết sẽ như thế nào trong tương lai nhưng cho đến thời điểm này, doanh thu của Công ty vẫn ổn định”.

Còn bà Nguyễn Thị Phương Thảo thì cho rằng: “Sữa là nhu cầu thiết yếu của trẻ em nên không có chuyện các bậc phụ huynh “cắt” khẩu phần này của con em mình mà họ sẽ cẩn thận hơn trong viêc lựa chọn sản phẩm”. Chính vì vậy, mấy tuần qua, doanh số của mặt hàng này tại Maximark vẫn không thay đổi.

Ảnh: T.PHƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Thanh lọc” thị trường sữa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO