Trong tháng 6 vừa qua, sản lượng thép của Trung Quốc lại đạt mức kỷ lục mới, bất chấp việc đang bị đánh thuế bán phá giá ở nhiều nước.
Trong 6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã cho xuất khẩu 57,12 triệu tấn thép, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Là nước sản xuất thép lớn nhất thế giới, Trung Quốc xem ra không muốn dừng khuấy động thị trường: riêng trong tháng 6 vừa qua, sản lượng xuất khẩu đã đạt 10,9 triệu tấn, tăng 23% so với năm ngoái và 16% so với tháng 5.
“Bất chấp việc bị đánh thuế bán phá giá, thép Trung Quốc vẫn có sức cạnh tranh khá tốt”, nhà phân tích Hongmei Li của Platts nhận định. “Giá thép toàn cầu đã dần dà hồi phục trong nửa đầu năm nay, và Trung Quốc đã duy trì được chi phí sản xuất thấp nhờ vào giá quặng và than rẻ”.
Giá quặng sắt toàn cầu hiện là 50 USD/tấn, giảm mạnh so với lúc chạm đỉnh 70,5 USD hồi tháng 4. Tập đoàn khai khoáng lớn nhất thế giới là BHP Billiton của Úc cho biết sẽ tiếp tục tăng sản lượng, bất chấp tình trạng dư thừa. Trong năm ngoái, giá quặng bình quân của BHP là 43 USD/tấn, giảm 30% so với năm 2014.
Tính bình quân thì trong tháng 6, Trung Quốc sản xuất thép tới 2,32 triệu tấn/ngày - một con số kỷ lục từ trước tới nay. Trước đó, nước này đã hứa có thể giảm sản lượng tới 45 triệu tấn trong năm nay. Tuy vậy, con số này cũng không phải nhiều nhặn gì so với sản lượng khoảng 800 triệu tấn trong năm ngoái (bằng phân nửa toàn cầu), và càng không là gì so với mức công suất tối đa của Trung Quốc là 1,2 tỷ tấn.
Tại các quốc gia khác, nhiều tập đoàn thép lớn đang khá chật vật tìm cách trụ vững trước tình trạng dư thừa thép toàn cầu. Tata Steel của Ấn Độ đang tìm cách bán đi các nhà máy ở Anh. US Steel của Mỹ đã lỗ 1,5 tỷ USD và tiến hành khiếu nại lên Ủy ban Thương mại Quốc tế (ITC) của Mỹ về thép Trung Quốc.
Trước tình trạng nhiều công nhân ngành thép Mỹ chịu cảnh mất việc, nước này đã áp thuế 265,79% lên một số mặt hàng thép Trung Quốc. Liên minh châu Âu, Ấn Độ và một số nước khác cũng đã có các động thái tương tự.
Theo dự đoán của nhà phân tích Jiming Zou tại Moody’s, sản lượng thép của Trung Quốc năm nay có thể giảm 2 - 3% so với năm 2015, nhưng sản lượng xuất khẩu thì có thể tăng 8 - 10% so với mức 112 triệu tấn của năm ngoái.
Theo chỉ số khảo sát S&P Global Platts China Steel Sentiment Index, hầu hết các doanh nghiệp ngành thép Trung Quốc đều tin rằng giá thép sẽ tăng trong thời gian tới. Chỉ số này mới đây đã đạt 53,71, tăng mạnh so với 15,92 trong tháng 6. Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này là do hy vọng vào việc chính phủ Trung Quốc sẽ áp dụng chính sách tiền tệ để kích thích kinh tế và vực dậy lĩnh vực bất động sản.
>7 nước châu Âu gửi "tâm thư" hối thúc EU cứu ngành thép
>Cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất lịch sử của ngành thép thế giới
>Ngành thép: Cần có rào cản ngăn chặn gian lận thương mại